Văn Chấn xây dựng vùng cam chất lượng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/12/2010 | 9:26:44 AM

YBĐT - Trong khi nhiều địa phương người dân đang loay hoay tìm loại cây trồng phù hợp để thay thế các diện tích cây ăn quả đã già cỗi, thoái hóa thì ở Văn Chấn, các ngành chức năng cùng nhân dân địa phương đã bước đầu thành công trong việc xây dựng và phát triển được vùng cam có năng suất, chất lượng

Toàn huyện Văn Chấn có gần 1.000 ha cam, quýt tập trung ở các xã vùng ngoài. Trong ảnh: Quýt Trần Phú mùa thu hoạch. (Ảnh: Thanh Miền)
Toàn huyện Văn Chấn có gần 1.000 ha cam, quýt tập trung ở các xã vùng ngoài. Trong ảnh: Quýt Trần Phú mùa thu hoạch. (Ảnh: Thanh Miền)

Cùng với vườn cam của nhiều địa phương, những năm gần đây một số diện tích cam ở Văn Chấn đã bị nhiễm bệnh, thoái hóa làm sụt giảm năng suất, chất lượng. Nhận thức được nguy cơ này, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng nhân dân tiến hành các giải pháp cải tạo, thay thế các diện tích cam già cỗi, sâu bệnh. Một trong số đó đang được triển khai khá hiệu quả là quy hoạch vùng sản xuất cam chất lượng và sạch bệnh.

Thực trạng

Huyện Văn Chấn hiện có gần 1.000 ha cam, quýt, tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn vùng ngoài như: Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú. Với năng suất trung bình 11,5 - 12 tấn/ha, hàng năm sản lượng cây ăn quả có múi của huyện đạt trên 11.000 tấn. Giá trị cao và khả năng tiêu thụ tương đối ổn định nên cam được coi là một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương khác, các diện tích cam ở Văn Chấn đang trong tình trạng thoái hóa sụt giảm năng suất.

Nhiều diện tích cam không còn khả năng sinh trưởng và phát triển, ngay cả khi đã trồng cải tạo bằng giống mới. Một trong những nguyên nhân chính gây tình trạng thoái hóa là do cam quýt đang nhiễm bệnh phổ biến Greening, gây vàng lá và thối rễ. Bên cạnh đó, quá trình nhân giống, trồng cải tạo, mở rộng diện tích nhân dân thường sử dụng phương pháp chiết, ghép và trồng xen nên khả năng lây lan bệnh rất lớn.

Theo bà Trần Thị Loan, Phó chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: “Chúng tôi đã có những khu vực như Tổ dân phố 8 diện tích cam lớn và rất xanh tốt, nhưng nay hầu hết các diện tích đã kém phát triển. Một số hộ đã phá bỏ các vườn cam già cỗi để trồng các giống cam mới có chất lượng nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Đảng bộ vừa có Nghị quyết quy hoạch vùng phát triển cam và vận động nhân dân không trồng mới và trồng cải tạo các diện tích đã bị nhiễm bệnh, không còn khả năng phát triển”.

 

Ngôi nhà hai tầng khang trang của gia đình anh La Văn Tâm, Khu 7, thị trấn Nông trường Trần Phú, hộ có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng nhờ trồng cam, quýt. (Ảnh: Thu Trang)

Nâng cao giá trị mỗi vườn cam

Thực hiện chủ trương đưa cam, quýt trở thành sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, những năm qua, huyện Văn Chấn đã tạo điều kiện, hỗ trợ nhân dân trồng thử nghiệm và mở rộng nhiều diện tích cam chất lượng cao, như cam Đường Canh, cam Valencia, cam Caracara với diện tích hiện nay đã trồng trên 140 ha. Qua thực tế cho thấy, các giống cam này đều thích hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng khí hậu của các xã vùng ngoài, cho chất lượng quả và giá trị thu hoạch vượt trội so với các giống cam địa phương.

Với giá bán trung bình thường gấp đôi, bấp ba sản phẩm cam địa phương, các giống cam này đang là lựa chọn số 1 để nhân dân trồng mới và cải tạo. Chưa dừng lại ở đó, năm 2010, huyện đã triển khai dự án trồng thử nghiệm 9 ha cam V2 tại một số xã vùng ngoài. Đây là giống cam có ưu điểm vỏ mọng, nhiều nước, vị ngọt đậm, ít hạt và đặc biệt là chín muộn.

Với ưu điểm và sự hỗ trợ của Nhà nước 20.000 đồng/cây giống, cùng phân bón trong giai đoạn đầu cho một số diện tích, nhân dân các xã Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú đã tích cực đăng ký trồng mới và trồng cải tạo. Trong tháng 10, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện đã tiếp nhận và cung cấp trên 45.000 cây cam giống V2 cho nhân dân.

Một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển vùng cam chất lượng ở Văn Chấn là đầu ra cho sản phẩm. Những năm qua, việc tiêu thụ sản phẩm cam, quýt phụ thuộc chủ yếu vào tư thương nên giá bán thất thường, sản phẩm cam Văn Chấn ít người biết đến. Việc xây dựng vùng cam chất lượng là điều kiện quan trọng để nâng cao giá trị mỗi vườn cam tạo hướng phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng NN&PTNT huyện: “Chủ trương của huyện là đa dạng hóa các giống cam, xây dựng vùng cam có chất lượng cao từ 300 - 400 ha, trong đó có các bộ giống chín sớm, chín chính vụ và giống chín muộn, để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Liên quan đến công tác phòng chống các bệnh đang phát sinh trên các diện tích cây ăn quả có múi và tìm đầu ra cho sản phẩm, huyện đã và đang tiếp tục liên kết với các viện khoa học, các đơn vị doanh nghiệp, xây dựng vườn giống tại địa phương, nghiên cứu cách phòng chống sâu, bệnh, đồng thời từng bước tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam Văn Chấn”.

Trong khi nhiều địa phương người dân đang loay hoay tìm loại cây trồng phù hợp để thay thế các diện tích cây ăn quả đã già cỗi, thoái hóa thì ở Văn Chấn, các ngành chức năng cùng nhân dân địa phương đã bước đầu thành công trong việc xây dựng và phát triển được vùng cam có năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, cam là loại cây trồng khó tính, khả năng thích nghi hẹp, lại dễ bị sâu, bệnh phá hại. Vì vậy, để xây dựng được vùng cam chất lượng, ngoài sự giúp đỡ của các ngành chức năng, các nhà khoa học, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, thu hoạch, nhất là việc loại bỏ, cách ly các diện tích cam đã nhiễm bệnh.

Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cùng việc lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp sẽ tạo điều kiện để nhân dân Văn Chấn xây dựng vùng cam có “thương hiệu” đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Trần Van

Các tin khác
Giá xăng tăng trong dịp tết sẽ gây ra nhiều áp lực đối với thị trường và người tiêu dùng.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trong cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu sáng 16.12.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 315/TB-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về công tác kiểm soát giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ và bình ổn thị trường.

Người dân xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) thu hoạch rau.
     (Ảnh: Hồng Duyên

YBĐT - Hội Nông dân thành phố Yên Bái hiện có hơn 5.000 hội viên sinh hoạt tại 113 chi hội và 17 tổ chức cơ sở hội.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước sáng 16.12 giảm mạnh. Đây là ngày giảm thứ hai liên tiếp của thị trường vàng trong nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục