Bạn đồng hành của người nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/12/2010 | 2:49:32 PM

YBĐT - Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái đã đặt nhiệm vụ xây dựng, kiện toàn tổ chức mạng lưới lên hàng đầu.

Cán bộ NHCSXH tỉnh làm thủ tục cho vay hộ nghèo.
Cán bộ NHCSXH tỉnh làm thủ tục cho vay hộ nghèo.

Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH được thành lập ở 9 huyện, thị xã, thành phố đã phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Trên cơ sở mạng lưới tổ vay vốn của ngân hàng phục vụ người nghèo, NHCSXH đã tập trung rà soát, phân loại, từng bước củng cố và kiện toàn lại hoạt động của 2.696 tổ vay vốn thuộc 4 tổ chức hội đoàn thể (hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ và Đoàn thanh niên) ở 2.436 thôn bản trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thành lập 180 điểm giao dịch cố định tại các xã, phường có bán kính cách trụ sở phòng giao dịch trên 3km để thực hiện nhiệm vụ giải ngân trực tiếp đến từng hộ vay; thu nợ, thu lãi theo định kỳ thông qua các tổ giao dịch lưu động nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực, chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ cho các tổ vay vốn; tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát nhằm nhanh chóng phát hiện sai sót để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh, từ đó nâng cao vai trò, chất lượng làm dịch vụ uỷ thác cho vay của các tổ chức chính trị xã hội và các tổ vay vốn.

Với các giải pháp tích cực, phát huy tốt vai trò tín dụng chính sách xã hội đã thực sự là cầu nối giúp hộ nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá theo kinh tế thị trường, vượt qua đói nghèo, làm giàu chính đáng, thực sự trở thành những cánh tay nối dài vươn tới các vùng xa, vùng sâu giúp họ vươn lên cùng cộng đồng, vượt qua khó khăn.

Từ đồng vốn vay, các hộ nông dân đã có vốn để mua trâu, bò, lợn, các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp hoặc đầu tư vào lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, các chủ dự án vay vốn giải quyết việc làm, thay đổi phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung làm trang trại. Đặc biệt là chất lượng vay vốn tín dụng luôn được nâng cao, giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

Anh Giàng A Mua – thôn Chống Tông, xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải), hộ gia đình thoát nghèo tiêu biểu ở xã Chế Cu Nha, tâm sự: "Cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông chờ vào khoảng 4 sào ruộng nước, nhưng vẫn thường xuyên bị thiếu đói. Được NHCSXH cho vay 3 lần vốn, tôi đã đầu tư chăn nuôi lợn, gà, thả cá…bình quân mỗi năm gia đình thu nhập hơn 25 triệu đồng. Từ gian nhà dột nát, đến nay tôi đã làm được ngôi nhà to đẹp, khang trang, mua sắm được ti vi và xe máy nữa".

Cùng với nỗ lực của NHCSXH trong quá trình triển khai chương trình ủy thác cho vay, các tổ chức hội đều đã chủ động nâng cao năng lực quản lý cho các tổ vay vốn do mình phụ trách, thực hiện tốt việc bình xét hộ vay, kiểm tra đối chiếu vốn vay, giám sát mục đích sử dụng vốn và thu hồi gốc, lãi, xử lý nợ quá hạn, lãi tồn đọng.

Nhờ đó, từ chương trình cho vay hộ nghèo đến nay đã có 9 chương trình cho vay uỷ thác qua các tổ chức chính trị xã hội được thực hiện có hiệu quả với dư nợ trên 1.165 tỷ đồng và trên 106.200 khách hàng vay.

Với sự phối hợp chặt chẽ của NHCSXH và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể làm dịch vụ uỷ thác đã làm tốt cầu nối đưa vốn đến đúng đối tượng, quản lý và giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng đồng vốn. Mặc dù dư nợ uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội chiếm tới 94% tổng dư nợ, nhưng nợ quá hạn ở các chương trình cho vay do các cấp hội đảm nhận chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1%.

Thông qua nguồn vốn của NHCSXH cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, đã có hàng ngàn hộ nghèo được tiếp thêm nguồn lực vươn lên chiến thắng đói nghèo. Đồng thời, nguồn vốn của NHCSXH cũng đã được lồng ghép vào các chương trình hoạt động thiết thực của các tổ chức chính trị – xã hội, vừa tạo sức hút hội viên tham gia sinh hoạt, nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức hội, đồng thời cũng nâng cao khả năng giám sát, định hướng sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, nhiều hộ vùng sâu, vùng xa, do trình độ sản xuất còn thấp, cán bộ NHCSXH phải xuống tận các bản làng giúp đỡ, hướng dẫn họ phương thức sản xuất, cách sử dụng đồng vốn để có lãi. Đến nay, toàn tỉnh có gần 100% số hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn, trong đó có hộ được vay nhiều lần, hầu hết các nguồn vốn cho vay đều sử dụng đúng mục đích.

Ông Nguyễn Văn Tỳ - Giám đốc Chi nhánh NHSXH tỉnh cho biết: Hiện dư nợ quá hạn tại NHCSXH tỉnh chỉ ở mức 1,1% trong khi quy định của Nhà nước cho phép ở mức 5%. Hiệu quả hoạt động tốt, tuy nhiên cái khó nhất đối với một ngân hàng thuần tuý phục vụ, mang tính chính sách chính là nguồn vốn vay.

Với phương châm: “Hoạt động vì người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi của Nhà nước”, thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục tăng cường dịch vụ uỷ thác thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn bằng các biện pháp tập huấn, hướng dẫn quy trình thành lập tổ, cách thức kiểm tra quản lý vốn…cho cán bộ quản lý tổ, phối hợp hoạt động cho vay với việc thực hiện chương trình chuyển giao hướng dẫn đầu tư về kỹ thuật, kiến thức làm ăn cho hộ nghèo, phát hiện những mô hình sử dụng vốn vay có hiệu quả để nhân rộng.

Đồng thời, mở thêm các điểm giao dịch tại xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến vay vốn, cùng với coi trọng công tác thu hồi vốn quay vòng. Ngoài ra, Ngân hàng sẽ ưu tiên vốn tăng trưởng hàng năm cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, chuyển dần cho vay theo các chương trình, dự án để hạn chế cho vay dàn trải, phân tán kém hiệu quả, tiếp tục sâu sát hơn nữa trong việc giải ngân, thu nợ, thu lãi, mở rộng mạng lưới giao dịch, đồng thời chủ động huy động các nguồn vốn từ ngân sách  Trung ương, địa phương để bổ xung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; củng cố, tập huấn và đào tạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy chế hoạt động, thực sự là cánh tay nối dài của NHCSXH để giúp người nghèo vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Quang Thiều

Các tin khác
Cá tầm và khu nuôi cá tầm trên hồ Thác Bà.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp Yên Bình luôn có những bước tiến mạnh mẽ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt trong chăn nuôi thủy sản. Yên Bình đã biết đưa những tiềm năng, lợi thế về mặt nước dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân thôn Hà Thịnh, xã Sơn Thịnh chăm sóc khoai tây vụ đông. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Chương trình tăng vụ ở vùng cao phấn đấu đạt trên 780 ha, trong đó có 450 ha cây đậu tương trở lên. Vùng ngoài đưa các giống ngắn ngày vào gieo cấy lúa đông xuân, mùa sớm để đảm bảo thời vụ trồng cây ngô đông.

YBĐT - Đến nay, dịch lở mồm long móng ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã lan ra 5 xã: Púng Luông, Zế Su Phình, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Cao Phạ. 483 con gia súc đã bị nhiễm dịch, gồm: 399 con trân bò, 84 con lợn, đến nay đã chết 47 bê nghé.

Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm chiều 21-12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết dịch cúm gia cầm cũng như dịch heo tai xanh đã cơ bản được khống chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục