Thay đổi một tập quán lạc hậu!

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/12/2010 | 9:06:58 AM

YBĐT - Với đánh giá thực tiễn của các ngành chuyên môn về nông nghiệp và bà con nông dân, vụ đông xuân năm 2002 – 2003, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, HĐND-UBND huyện Trạm Tấu và ngành nông nghiệp quyết tâm nhân rộng diện tích lúa lai tại cánh đồng Tàng Ghênh, xã Xà Hồ lên 30 ha, chiếm gần 1/2 tổng diện tích của cánh đồng này.

Nhân rộng những mô hình trình diễn các giống lúa là cách làm hiệu quả để đồng bào các dân tộc vùng cao học tập.
Nhân rộng những mô hình trình diễn các giống lúa là cách làm hiệu quả để đồng bào các dân tộc vùng cao học tập.

Chuyện bắt đầu từ vụ đông xuân năm 2001- 2002, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Trạm Tấu và ngành nông nghiệp giao cho Trạm Khuyến nông huyện xây dựng 2 ha mô hình trình diễn lúa lai. Tôi là người được lãnh đạo Trạm phân công cùng một số đồng chí trong đơn vị trực tiếp tham gia xây dựng mô hình bằng giống lúa lai Nhị ưu 838 tại thôn Tàng Ghênh, xã Xà Hồ...

Với vùng thấp thì việc xây dựng và thực hiện 2 ha mô hình trình diễn đơn giản. Nhưng ở vùng cao việc ấy lại không đơn giản chút nào. Khi triển khai thực hiện, cái khó đầu tiên của chúng tôi là đi bộ khoảng 2,5 tiếng mới đến địa điểm ấn định thực hiện mô hình, từ địa điểm thực hiện đến thôn, bản để vận động các hộ tham gia thực hiện mô hình gần thì 1 tiếng, xa thì 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi, vì lúc đó chưa có đường đi xe máy.

Cái khó thứ hai là chỉ vận động được 5 hộ đồng ý tham gia làm mô hình gồm các hộ: Giàng A Câu, Giàng A Sinh, thôn Sáng Pao; Hờ A Su, Giàng A Súa, thôn Háng Khấu Dê và Giàng A Thông, thôn Háng Thồ. Đây là lần đầu tiên người dân nghe thấy những cái tên lạ lẫm như: lúa lai, sản xuất lúa vụ xuân, sản xuất 2 vụ trong năm. Cái khó thứ 3 là khi dân nhận làm rồi nhưng tới lúc cần họ ra ruộng làm thì không ai muốn đi, với lí do: trâu thả trên rừng không mang về được, nào là mang trâu xuống ruộng cày trời rét, trâu chết, rồi làm có được ăn không, có kịp sản xuất vụ mùa không…

Và cuộc vận động lại được tiếp tục với chúng tôi trong các ngày tiếp theo với phương pháp mới. Chúng tôi vẫn gọi vui là phương pháp "dân vận", trong ba lô lúc nào cũng có vài gói kẹo, bánh để mỗi lần đến các nhà vận động dễ làm quen với trẻ nhỏ, chuyện trò với người già.

Rồi cái mà chúng tôi mong đợi cũng đã đến. Các hộ lần lượt đuổi trâu, vác cày ra ruộng. Như vẫn chưa tin, Giàng A Câu có hỏi:

- Cán bộ có biết cày không? Có biết bừa không?

Rấy may là chúng tôi rất thạo cày mà bừa cũng làm được tốt. Vậy là dân đã tin chúng tôi một phần. Đến khi chúng tôi hướng dẫn cách ngâm ủ giống bằng nước ấm 3 sôi 2 lạnh, thì nhiều người bảo họ ngâm dưới suối vẫn tốt đâu cần phải làm như thế? Khi gieo mạ bằng phương pháp che ni lon để đảm bảo cho cây mạ không chết rét trong vụ đông thì A Câu bảo rằng, ở đây người Mông chẳng làm thế bao giờ...

Vậy là cán bộ khuyến nông phải làm gần hết các khâu về quy trình kỹ thuật. Cán bộ thì ở dưới ruộng gieo mạ làm khung che ni lon, còn bà con đứng ở trên bờ xem. Cuối cùng thì sự vất vả của cán bộ cũng đã được bù đắp. Cây mạ sinh trưởng phát triển tốt, các hộ tham gia mô hình vui vẻ cấy hết diện tích 2 ha mô hình theo kế hoạch của huyện và chúng tôi đã có một mùa vụ thành công với năng suất mô hình đạt trên 60tạ/ha. Vậy là đã khẳng định được với bàn con nông dân sản xuất lúa 2 vụ là được, có thể nhân rộng mô hình trong toàn xã.

Từ thành công ở vụ xuân năm 2001 - 2002 đã khẳng định việc sản xuất lúa lai 2 vụ hoàn toàn có thể nhân ra diện rộng. Với đánh giá thực tiễn của các ngành chuyên môn về nông nghiệp và bà con nông dân, vụ đông xuân năm 2002 – 2003, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, HĐND-UBND huyện Trạm Tấu và ngành nông nghiệp quyết tâm nhân rộng diện tích lúa lai tại cánh đồng Tàng Ghênh, xã Xà Hồ lên 30 ha, chiếm gần 1/2 tổng diện tích của cánh đồng này. Lần này khác hoàn toàn lần trước vì quy mô, khối lượng công việc lớn, người tham gia sản xuất nhiều, vậy là khó khăn lại chồng lên khó khăn.

Lần này không đơn thuần là mấy cán bộ kỹ thuật như khi thực hiện 2 ha mô hình ở vụ trước, mà có sự tham gia đầy đủ của các ngành vào cuộc vận động nhân dân thực hiện như: quân đội, phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội nông dân… Tuy nhiên, cán bộ ngành nông nghiệp vẫn là chủ lực trong toàn bộ các khâu về kỹ thuật, trong đó những cán bộ khuyến nông đóng vai trò rất quan trọng trong đợt sản xuất chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trên quy mô lớn như lần này.

 

Đồng bào Mông vùng cao tích cực cấy lúa nước hai vụ bằng giống mới cho năng suất cao.

Đoàn cán bộ kỹ thuật được trưng tập tham gia hướng dẫn chỉ đạo lần này có gần 20 người. Nhiệm vụ của cán bộ kỹ thuật là làm thế nào có đủ mạ để cấy hết diện tích 30 ha. Tôi được phân công trong nhóm xử lý giống đồng thời tham gia hướng dẫn kỹ thuật cày, bừa, làm đất. Số lượng giống chúng tôi phải xử lý là gần một tấn nên việc đầu tiên phải làm là huy động xoong, nồi, chảo, ang để làm dụng cụ đun nước và ngâm ủ giống. Nhưng ở vùng cao bà con lấy đâu ra nhiều dụng cụ này, cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ huy động được 1 cái chảo, 2 cái xoong chỉ đủ để đun nước ấm xử lý giống.

Bàn đi tính lại mãi rồi chúng tôi cũng nghĩ ra 1 sáng kiến là lấy ni lon che mạ còn nguyên khổ lồng gấp 2 - 3 lượt rồi buộc túm đáy,  phía trên lấy dây buộc tạo 4 góc rồi chôn 4 cọc làm trụ, cho bao vào giữa buộc dây rồi đổ nước ấm đã pha cho vào túi để ngâm mạ. Chúng tôi đã làm gần 20 túi để ngâm hết gần 1 tấn giống. Mỗi ngày phải đun nước ấm thay ít nhất 2 lần. Cách ngâm ủ dã chiến này rất hiệu quả, dễ làm và có thể ngâm ủ giống lúa ở mọi địa hình, ở tại nhà hoặc tại nơi sản xuất.

Tiếp đến là việc hướng dẫn bà con cày bừa, làm đất. Cán bộ kỹ thuật được phân công phối hợp với các ngành phụ trách từng thôn, bản buổi tối thì đi bộ lên thôn vận động bà con ngày mai xuống cày bừa, làm đất gieo mạ và đất cấy. Sáng ra chúng tôi lại đứng chờ ở các địa điểm được phân công chỉ đạo để đón bà con xuống cày bừa, làm đất. Cứ một người dân đuổi trâu, vác cày là cán bộ lại cùng nhau chạy đến hỏi: Anh ơi, chị ơi, anh chị ở thôn nào đến đấy?

Khi nhận được câu trả lời của họ, chúng tôi người thì vui, người thì lại buồn vì nhiệm vụ đã được phân công cho từng người ở các địa điểm đã quy định, khi có người xuống cày, bừa ở địa điểm của mình thì coi như buổi vận động tối hôm trước đã thành công và “cuộc chiến” đã được rút ngắn. Nhưng rồi mọi việc cũng ổn cả, cây mạ sinh trưởng phát triển tốt, cấy hoàn thành diện tích 30 ha theo kế hoạch của huyện, lúa sinh trưởng phát triển tốt và sau 1 mùa vụ vất vả, cây lúa đã không phụ công người với năng suất thu hoạch bình quân đạt trên 50 tạ/ha. Chiến dịch này đã được các ngành chức năng của tỉnh của huyện đánh giá rất cao trong việc thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân địa phương.

Tại cánh đồng Tàng Gênh nói riêng và xã Xà Hồ nói chung, sau chiến dịch đó đã chuyển đổi diện tích vụ xuân từ 2 ha mô hình lên 30 ha và đến năm 2010 này, diện tích toàn xã đã được thực hiện lên đến 116 ha trong vụ xuân, và 130 ha trong vụ mùa. Kết quả đó đã khẳng định, có thể thay đổi một tập quán sản xuất canh tác lạc hậu nếu như không có lòng nhiệt huyết, sự kiên trì bền bỉ và ý thức trách nhiệm với dân, với Đảng của những cán bộ khuyến nông đã, đang và sẽ lên công tác với vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu.

              Tuấn Ngọc   

Các tin khác
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

YBĐT - Mỗi năm có hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế đầu tư vào Yên Bái trên nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội. Để nguồn vốn được giải ngân nhanh, tránh thất thoát và sớm phát huy hiệu quả một cách bền vững đòi hỏi phải đổi mới công tác quản lý, đặc biệt, là có những giải pháp đồng bộ trong việc phân bổ và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư tại mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 87/2010/QĐ-TTg về việc cho doanh nghiệp, đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được chuyển giao từ Vinashin theo quyết định ngày 18-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ vay để chi trả nợ tiền lương, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tạo việc làm, học nghề.

Sản lượng lúa đạt xấp xỉ 40,0 triệu tấn, tăng 1,04 triệu tấn so với năm 2009.

Trước diễn biến thời tiết không mấy thuận lợi, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi lan rộng ở nhiều địa phương, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn có một năm đạt tăng trưởng khá cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong báo cáo kết quả ngành mình năm 2010 vừa cho biết.

Mô hình trồng khoai môn tại xã Thượng Bằng La huyện Văn Chấn.

YBĐT - 10 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Yên Bái đã có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục