Vui buồn cây chè Chấn Thịnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/12/2010 | 9:09:51 AM

YBĐT - Từ lâu cây chè là nguồn thu chính của người dân xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Thu hoạch chè cuối vụ.
Thu hoạch chè cuối vụ.

Xác định được giá trị của cây chè trong phát triển kinh tế, xã đã chủ trương đưa cây chè trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao bằng cách trồng thay thế và cải tạo chè giống mới thay cho chè trung du già cỗi.

Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm chè. Thế nhưng, việc ra đời quá nhiều nhà máy chế biến cùng với việc làm chè theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” của người dân đang làm cho chất lượng chè Chấn Thịnh ngày một đi xuống.

Đến xã Chấn Thịnh dễ dàng nhận ra những nương chè, hình bát úp uốn lượn quanh các sườn núi. Những nương chè ấy vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân trong xã.

Năm nay, giá chè cao hơn mọi năm và tương đối ổn định nên dù đã là cuối vụ, nhưng nhiều người dân vẫn có khoản thu từ tiền bán chè. Chè đã giúp người dân có việc làm, có đồng tiền để chi tiêu cuộc sống hằng ngày, cao hơn là xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ dùng, nuôi con ăn học.

Theo những người làm chè lâu năm thì cây chè có mặt trên đất Chấn Thịnh từ những năm 1967 nhưng chủ yếu là chè trung du. Trải qua mấy chục năm, cây chè ở Chấn Thịnh đã trở nên già cỗi dẫn đến năng suất thấp.

Xác định được lợi thế của cây chè trong phát triển kinh tế địa phương, chính quyền xã đã định hướng và chủ trương đưa cây chè trở thành cây trồng mang giá trị kinh tế cao bằng việc cải tạo thay thế chè cũ bằng chè giống mới.

Từ năm 2001, xã thực hiện chủ trương cải tạo chè bằng giống  mới như: LDP1, LPD2. Qua gần chục năm cải tạo và thay thế, đến nay, 100 ha chè giống mới đã cho thu hái. Việc trồng và cải tạo chè già cỗi là một cuộc cách mạng đối với cây chè Chấn Thịnh. Từ đó, giúp không ít gia đình ở Chấn Thịnh ăn nên làm ra từ chè.

Gia đình chị Phạm Thị Trinh trước đây có 1,2 ha chè nhưng chủ yếu là chè trung du chất lượng thấp, nhiều diện tích trồng ở độ dốc cao, cùng với năm tháng, năng suất chè ngày càng giảm sút, thu nhập bấp bênh. Gia đình chị đã quyết định phá bỏ những diện tích ở nơi có chè độ dốc cao chuyển sang trồng keo, đưa các giống chè có chất lượng cao như chè lai LDP1, LPD2, Bát Tiên vào trồng với diện tích 0,7 ha. Chị vui mừng cho biết: “So với chè trung du già cỗi thì chè lai cho giá trị cao hơn, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 22 triệu đồng từ cây chè”.

Cũng mạnh dạn đưa giống mới vào trồng thay thế giống chè cũ, gia đình Hoàng Văn Kiên, thôn Ngõa đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Ông Lại Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho biết: “Trước kia ở Chấn Thịnh chủ yếu là giống chè trung du được trồng bằng hạt, năng suất, chất lượng thấp. Từ năm 2001 trở lại đây đã có nhiều giống chè mới năng suất chất lượng vượt trội được đưa vào trồng thay thế giống chè cũ. Nhờ đó, nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Hiện nay, Chấn Thịnh có trên 315 ha chè kinh doanh, sản lượng 2.800 tấn đem lại nguồn thu không nhỏ cho bà con nông dân”. Nghị quyết Đảng bộ xã cũng đề ra từ nay đến năm 2015 sẽ trồng mới và thay thế 100 ha chè giống mới”.

Rõ ràng với giá trị kinh tế và năng suất như vậy cây chè đang là một hướng đi triển vọng của người trồng chè Chấn Thịnh. Tuy nhiên, ở Chấn Thịnh đang có quá nhiều cơ sở chế biến chè. đây là nguyên nhân làm chất lượng chè Chấn Thịnh đi xuống. Hiện nay, vây quanh vùng nguyên liệu chè có đến 7 cơ sở chế biến.

Sự ra đời của những cơ sở chế biến này không thể phủ nhận vai trò của nó là góp phần giúp người dân tiêu thụ chè nguyên liệu. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là tổng công suất chế biến của các nhà máy vượt xa sản lượng chè của xã. Dẫn đến có nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến và để tồn tại được họ đua nhau nâng giá, mua tất các loại chè miễn là có nguyên liệu, kể cả chè cắt bằng liềm, cọng dài đến 20 phân.

Người dân vì lợi nhuận trước mắt thấy nhà máy mua như vậy họ quay ra dùng liềm cắt chè. Nhìn những cọng chè dài đến hơn gang tay mà thấy xót cho cây chè. Và tất nhiên với nguyên liệu chè như vậy thì chất lượng chè kém là điều khó tránh khỏi. Anh Phạm Văn Nam cán bộ địa chính xã cho biết: “Hiện nay nhiều người dân không hái chè đúng lứa, đợi đến khi búp dài nghêu rồi dùng liềm cắt, vì như thế cho sản lượng cao hơn lại không tốn nhiều tiền công thu hái”.

Với việc làm ăn theo kiểu này đã làm năng suất, sản lượng, chất lượng chè giảm…

Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho biết thêm: “Hàng năm, 7 nhà máy chế biến đã họp bàn tạo điều kiện hỗ trợ người dân về phân bón, thuốc trừ sâu, đồng thời khoanh vùng nguyên liệu cho nhà máy. Tuy nhiên đó chỉ là những thỏa thuận bằng mồm, còn thực tế, các thương lái hằng ngày vào tận chân đồi thu mua chè. Người dân trồng chè sẽ bán cho ai mua với giá cao hơn”.

Để chấm dứt tình trạng này các cơ sở chế biến và địa phương đã thống nhất: nhà máy được mua nguyên liệu các vùng mà địa phương quy hoạch. Mỗi nhà máy phải đầu tư nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu cũng như quyền lợi người trồng chè. Chấm dứt việc mua hái chè bằng liềm không đúng quy cách.

Rời vùng chè Chấn Thịnh, tôi chứng kiến được niềm vui của nông dân khi chè được giá, nhưng cũng mang theo những trăn trở vì kiểu làm ăn “bóc ngắn cắn dài” của người làm chè. Với cung cách làm ăn như hiện nay thì những cây chè kia khó lòng giúp người dân vươn lên khá giả, dù cây chè vẫn nặng lòng với con người.  

 Văn Thông

Các tin khác
Nhân rộng những mô hình trình diễn các giống lúa là cách làm hiệu quả để đồng bào các dân tộc vùng cao học tập.

YBĐT - Với đánh giá thực tiễn của các ngành chuyên môn về nông nghiệp và bà con nông dân, vụ đông xuân năm 2002 – 2003, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, HĐND-UBND huyện Trạm Tấu và ngành nông nghiệp quyết tâm nhân rộng diện tích lúa lai tại cánh đồng Tàng Ghênh, xã Xà Hồ lên 30 ha, chiếm gần 1/2 tổng diện tích của cánh đồng này.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

YBĐT - Mỗi năm có hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế đầu tư vào Yên Bái trên nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội. Để nguồn vốn được giải ngân nhanh, tránh thất thoát và sớm phát huy hiệu quả một cách bền vững đòi hỏi phải đổi mới công tác quản lý, đặc biệt, là có những giải pháp đồng bộ trong việc phân bổ và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư tại mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 87/2010/QĐ-TTg về việc cho doanh nghiệp, đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được chuyển giao từ Vinashin theo quyết định ngày 18-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ vay để chi trả nợ tiền lương, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tạo việc làm, học nghề.

Sản lượng lúa đạt xấp xỉ 40,0 triệu tấn, tăng 1,04 triệu tấn so với năm 2009.

Trước diễn biến thời tiết không mấy thuận lợi, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi lan rộng ở nhiều địa phương, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn có một năm đạt tăng trưởng khá cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong báo cáo kết quả ngành mình năm 2010 vừa cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục