Doanh nghiệp Yên Bái trước thời cơ, thách thức của năm 2011
- Cập nhật: Chủ nhật, 2/1/2011 | 10:03:31 AM
YBĐT - Có thể nói năm 2010 là năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp trong tỉnh Yên Bái. Nhìn lại một năm qua và chuẩn bị cho một năm mới đầy khởi sắc, các doanh nghiệp đã nói gì?
Ông NGUYỄN HỒNG THẮNG- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Yên Bái: Phấn đấu trồng 1.170 ha cây cao su
Yên Bái, cũng như vùng Tây Bắc có nhiều lợi thế, tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt có đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây cao su. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp cho các tập đoàn, doanh nghiệp đến đầu tư. Với lợi thế đó, năm 2010, Công ty cổ phần Cao su Yên Bái được thành lập.
Chưa đầy 1 năm, Công ty đã tổ chức trồng 330 ha cao su tại huyện Văn Yên, Văn Chấn. Nhìn chung, diện tích cao su đã trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%. Hiện Công ty đã hoàn thiện dự án và đang trình Tập đoàn phê duyệt và đầu tư trồng 10 ngàn ha cây cao su tại 23 xã thuộc huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình và huyện Lục Yên với tổng vốn đầu tư trên 1.530 tỷ đồng.
Ngay trong năm 2011, Công ty trồng mới 1.170 ha cao su tại hai huyện Văn Yên và Văn Chấn với số vốn đầu tư trên 179 tỷ đồng bằng giống RRIM 600, RRIC 121, GT1, LH90/952, LH83/85, RRIM172. Công ty cũng đã ký kết với các nhà cung cấp giống đáp ứng đủ nhu cầu giống cho trồng mới với chất lượng cao.
Đồng thời, Công ty tiến hành tuyển dụng công nhân vào làm việc với mức lương trung bình trên 2 triệu đồng/người/tháng. Số lượng tuyển dụng khi dự án hoàn thành là 4.412 công nhân, ưu tiên tuyển dụng những người nguyên là công nhân các lâm trường, các hộ dân đang chăm sóc và bảo vệ cây cao su, con em đồng bào dân tộc địa phương, gia đình chính sách; phấn đấu đến năm 2015, Yên Bái trồng và phát triển vùng cao su tập trung với diện tích trên 10 ngàn ha.
Thực tế cho thấy, cây cao su hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng đất đai của tỉnh và chắc chắn dự án phát triển cây cao su thành công, góp phần làm giàu cho người dân Yên Bái. Tuy nhiên, để Dự án hoàn thành đúng tiến độ, cần có sự vào cuộc tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ngành, người dân vùng dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và giao đất cho Công ty.
Ông TRẦN CÔNG BÌNH - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái:Mở rộng quy mô doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm,ngành nghề kinh doanh
Bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) năm 2010, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (YFACO) gặp rất nhiều khó khăn do áp lực cạnh tranh của cơ chế thị trường, về nguồn vốn và áp lực môi trường...
Song được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là của UBND tỉnh Yên Bái, các ban, ngành chức năng, sự định hướng đúng đắn kế hoạch SXKD, đầu tư xử lý nước thải các nhà máy sản xuất giấy đế để đảm bảo sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, cùng sự đoàn kết nhất trí quyết tâm cao trong lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên, Công ty YFACO đã từng bước vượt qua khó khăn hoàn thành tương đối toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.
Giá trị tổng sản lượng đạt 88 tỷ đồng, bằng 135% kế hoạch, xuất khẩu trực tiếp đạt trên 5 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 2,5 tỷ đồng. SXKD có lãi, đời sống người lao động được đảm bảo với thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/tháng. Dự kiến cổ tức chi trả khoảng 30%/năm.
Bước vào năm 2011 với nhiệm vụ nặng nề hơn, HĐQT và Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra nhiều giải pháp, quyết tâm thực hiện kế hoạch giao. Trong đó, tập trung tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, đồng thời khai thác tốt mọi lợi thế về vốn, lao động, máy móc, thiết bị, thị trường ... tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện SXKD hiệu quả; thực hiện tốt cơ chế khoán sản phẩm đến người lao động.
Đặc biệt, chú ý tới tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hướng tới tăng tỷ trọng xuất khẩu; quan tâm tới việc làm, thu nhập và giải quyết tốt chế độ, chính sách cho người lao động; thực hiện mục tiêu chiến lược của Công ty là phát triển mở rộng quy mô doanh nghiệp nhanh, ổn định và bền vững trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm và ngành nghề kinh doanh, trong năm 2011, Công ty sẽ triển khai 2 dự án đầu tư mới.
Đó là Dự án chế biến tinh dầu quế lại huyện Văn Chấn với công suất 40 tấn sản phẩm/năm, hàm lượng tinh dầu đạt 99%, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, dự kiến quý I năm 2011 dự án này sẽ hoàn thành đi vào sản xuất; Dự án đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất bột biến tính tại Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Văn Yên số 1, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư khoảng 44 tỷ đồng... Năm 2011, Công ty phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 105 tỷ đồng, đời sống người lao động ổn định và tăng so với năm 2010.
Ông PHAN VĂN AN - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn: Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm
Mặc dù trong năm 2010 gặp nhiều khó khăn do mất điện kéo dài, thời tiết không thuận lợi cho cây chè phát triển, thị trường có nhiều biến động… song với nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, Công ty vẫn sản xuất, thu mua được trên 3.273 tấn chè búp tươi, sản xuất và chế biến trên 1.500 tấn chè xanh, chè đen. Sản phẩm làm ra cơ bản tiêu thụ hết, doanh thu đạt trên 26 tỷ đồng, đời sống người lao động được đảm bảo. Đó là nền tảng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trong những năm tới.
Năm 2011 này, trên cơ sở dự báo thị trường tiêu thụ chè có những chuyển biến tích cực, Công ty phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 10%, sản xuất và tiêu thụ trên 1.600 tấn chè xanh, chè đen, doanh thu trên 30 tỷ đồng, lương công nhân lao động trên 2 triệu 700 ngàn đồng/người/tháng, cổ tức đạt 15%/năm. Để đạt được mục tiêu đó, Công ty tiếp tục đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất chè đen và chè xanh hiện có, đưa sản xuất chè xanh lên 40% trong cơ cấu sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, chú trọng sản xuất chè sạch, hướng vào thị trường xuất khẩu, phát triển vùng chè nguyên liệu đáp ứng tốt cho chế biến, không thu mua chè tươi không đúng phẩm cấp, chất lượng; tăng cường mối liên kết giữa Công ty với chính quyền và người dân vùng nguyên liệu, tổ chức ký kết thu mua, tiêu thụ với giá ổn định.
Ông ĐÀO CÔNG BÌNH - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Bảo Hưng: Năm mới, bước phát triển mới
Có thể nói năm 2010 là năm đầy khó khăn với các công ty sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Bảo Hưng nói riêng. Nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, lãi suất ngân hàng tăng cao, ngành nghề xây dựng tại Yên Bái đặc biệt khó khăn do vốn đầu tư xây dựng cơ bản hạn hẹp. Trong khi Công ty còn non trẻ, thương hiệu “Bảo Hưng” còn mới trên thị trường..., với sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp vẫn vượt qua khó khăn, sản xuất 5,5 triệu viên gạch, doanh thu trên 4,5 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị, Ban giám đốc Công ty nhận định, năm 2011, nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, nhưng Công ty sẽ có những bước phát triển mới. Công ty đã đề ra mục tiêu sản xuất 7 triệu viên gạch, doanh thu 5,7 tỷ đồng, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và chăm lo đời sống người lao động.
Nhóm PV YBĐT (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Với người dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn (gọi tắt là vùng cao), Chương trình 135 của Chính phủ đã trở nên quen thuộc, gần gũi và cần thiết như chính làng bản, ngôi nhà, ruộng nương của họ.
Ngày 1.1, giá vàng trong nước tăng mạnh 350.000 đồng/lượng so với trước đó một ngày. Giá mua bán vàng SJC trên thị trường tự do dao động quanh 36,15-36,35 triệu đồng/lượng.
Trong tổng số 420 tỷ đồng đầu tư cho các dự án tu bổ đê điều trên địa bàn thành phố năm 2011, các dự án xử lý đê, kè sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ chiếm gần 213 tỷ đồng, vốn của Bộ NN&PTNT là 34 tỷ đồng, ngân sách thành phố là hơn 95 tỷ đồng.
Hội nghị của Chính phủ họp với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế và ngân sách nhà nước năm 2011 đã kết thúc vào chiều 31-12-2010, tại Hà Nội.