Giải pháp cho sản xuất cây ngô ở Yên Bái?
- Cập nhật: Thứ tư, 12/1/2011 | 3:16:29 PM
YBĐT - Với quyết tâm đưa cây ngô trở thành cây chủ lực trong sản xuất lương thực, trong vụ đông 2009 - 2010, tỉnh Yên Bái quy hoạch và phát triển 4 ngàn ha ngô đông trên đất 2 vụ lúa thành vùng ngô hàng hoá với sự hỗ trợ 50% giá giống.
Nông dân xã An Bình (Văn Yên) chăm sóc ngô vụ đông.
|
Trong sản xuất lương thực, ngô là cây trồng quan trọng, diện tích và sản lượng ngô chỉ đứng sau cây lúa. Ngô hạt là loại lương thực không thể thiếu đối với đồng bào dân tộc vùng cao, ngoài ra ngô còn để chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong những năm qua tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ và chỉ đạo phát triển sản xuất, song cây ngô vẫn chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của nó.
Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh bởi những dãy núi cao và sông ngòi nhưng Yên Bái lại có diện tích trồng ngô hàng năm khá lớn (gần 18 ngàn ha mỗi năm), chiếm 30,5% diện tích gieo trồng cây lương thực toàn tỉnh. Với lợi thế đó, trong nhiều năm qua Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo phát triển cây ngô, tuy nhiên năng suất, chất lượng ngô rất thấp bình quân mới đạt 26 tạ/ha.
Với năng suất này chỉ bằng 65,3% năng suất ngô của cả nước và bằng 73% năng suất ngô của các tỉnh miền núi phía Bắc và chưa đạt 40% tiềm năng năng suất của giống ngô lai. Năm 2009 là năm được đánh giá là sản xuất ngô thành công nhất từ trước đến nay, thì năng suất cũng chỉ đạt 26,2 tạ/ha, sản lượng đạt trên 46 ngàn tấn, chiếm 21% sản lượng lương thực. Có một thực tế là đầu tư lớn nhưng giá trị tăng lại có hạn, trong vòng 5 năm 2005 - 2010 bình quân mỗi năm năng suất tăng thêm 0,5tạ/ha, bằng 31% diện tích sản xuất lương thực, nhưng sản lượng chỉ đạt 21%.
Với quyết tâm đưa cây ngô trở thành cây chủ lực trong sản xuất lương thực, trong vụ đông 2009 - 2010, tỉnh quy hoạch và phát triển 4 ngàn ha ngô đông trên đất 2 vụ lúa thành vùng ngô hàng hoá với sự hỗ trợ 50% giá giống. Trong 2 năm 2009 và năm 2010, tỉnh đã đầu tư trên 15 tỷ đồng cho sản xuất ngô.
Bên cạnh đó, từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố và các xã đều thành lập ban chỉ đạo phát triển ngô hàng hóa, nhưng kết quả mang lại cũng chưa được như mong muốn. Lý giải về sự không thành công trong sản xuất ngô ở Yên Bái trong những năm qua, có nhiều người cho rằng diện tích nhỏ lẻ, địa hình canh tác chủ yếu là đất dốc, cùng với đó là không có thị trường tiêu thụ… những lý giải đó không phải là không có lý nhưng cũng không đúng hoàn toàn.
Một trong những nguyên nhân chính là sản xuất thiếu tập trung và chưa có sự đầu tư đồng bộ, từ khâu quy hoạch đến tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ; việc đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn hạn chế, đó mới là nguyên nhân chính. Nhu cầu thị trường ngô rất lớn, mỗi năm nước ta phải nhập trên 1 triệu tấn ngô từ Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc về chế biến thức ăn gia súc, sao lại nói không có thị trường?
Để cây ngô thực sự trở thành cây lương thực hàng hoá, trước tiên ngành nông nghiệp và các huyện, thị có lợi thế về phát triển cây ngô phải xây dựng, đầu tư vùng ngô hàng hóa tập trung. Trong quy hoạch, đầu tư không nên làm tràn lan, mà chỉ tập trung ở các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên và huyện Mù Cang Chải, bởi đây là các huyện có diện tích trồng ngô hàng năm lớn.
Bên cạnh đó, áp dụng đồng bộ các giải pháp về thâm canh: đưa các giống ngô lai năng suất cao vào sản xuất, phù hợp với sinh thái và vụ sản xuất, những diện tích ngô đông nhất thiết sử dụng giống ngắn ngày; ngô trên đất đồi, dốc sử dụng giống chịu hạn tốt, thân khoẻ… áp dụng linh hoạt về thời vụ. Giống tốt, mùa vụ hợp lý, nhưng phải chú ý đến mật độ gieo trồng hợp lý, đầu tư thâm canh tốt, giống ngắn ngày bà con nên bố trí trồng mật độ cao từ 6,6 -7 vạn cây/ha, giống dài ngày trồng mật độ 5 vạn cây/ha.
Trong đầu tư thâm canh cần bón từ 8 - 10 tấn + 520kg NPK + 150-180kg đạm Urê và 90-120 Kali. Một trong những giải pháp tăng năng suất ngô một cách bền vững là phải ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như làm ngô bầu và làm đất tối thiểu đối với ngô đông trên đất hai vụ lúa; sử dụng thảm che phủ đất bằng tàn dư thực vật và trồng xen cây họ đậu bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và thoái hoá trên đất dốc. Cuối cùng là làm tốt công tác thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Giải quyết tốt những vấn đề này chắc chắn sản xuất ngô sẽ thành công, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương và thu nhập của người dân. Sản lượng ngô tăng cũng đồng nghĩa với tốc độ phát triển chăn nuôi tại các hộ gia đình tăng, đó là nền tảng quan trọng góp phần xây dựng nông thôn bền vững.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Giá vàng trong nước sáng 12/1 tăng thêm 100.000 đồng mỗi lượng so với sáng hôm 11/1, lên 35,9 triệu đồng/lượng, nhờ giá vàng thế giới liên tiếp phục hồi. Trong khi đó, giá bán USD thị trường tự do mất 40 đồng, còn 21.070 đồng.
Tết Nguyên Đán tới gần, bên cạnh bánh chưng xanh truyền thống, bánh chưng gấc đỏ, bánh chưng cốm xanh và bánh chưng cẩm đang được nhiều người săn lùng.
Đợt rét kéo dài khiến các chủ vườn đào, hoa chơi Tết ở Hà Nội đứng ngồi không yên. Nếu rét kéo dài, họ có nguy cơ mất trắng, thậm chí phải bồi thường khách thuê.