Kinh nghiệm chống rét cho gia súc ở Yên Bình
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/1/2011 | 10:16:02 AM
YBĐT - Trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống dưới 12 độ C trâu, bò ở Yên Bái được chăm sóc, nuôi nhốt tại chuồng, không chăn thả, không cho cày kéo. Hơn nữa, trâu, bò còn được đảm bảo khẩu phần ăn hợp lý để tăng sức đề kháng.
Nhiều hộ dân ở xã Xuân Tầm (Văn Yên) vẫn chủ quan trong việc chăm sóc đàn gia súc.
|
Rét đậm, rét hại kéo dài hơn 15 ngày, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái đã có trên 700 con trâu, bò, ngựa bị chết tập trung ở các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và huyện Lục Yên. Duy nhất huyện Yên Bình cho đến hết ngày 17/1 vẫn chưa con nào chết rét, ngay cả trong đợt rét kỷ lục cả về thời gian lẫn cường độ như năm 2008 số trâu, bò chết của Yên Bình cũng chưa đến chục con, chưa bằng một xã của các huyện thị khác. Vậy Yên Bình có “bí quyết” gì trong phòng chống rét cho gia súc?
Khi nói về công tác phòng, chống rét cho gia súc, nhất là trâu, bò ở Yên Bình nhiều người cho rằng, Yên Bình là huyện vùng thấp, cường độ rét không bằng Trạm Tấu, Mù Cang Chải nên gia súc không bị chết! Những ý kiến đó không phải không có lý nhưng cũng không hẳn đúng bởi Yên Bình cũng có xã vùng cao, rét đậm, rét hại kéo dài, có nhiều ngày ở các xã vùng ven hồ như Xuân Lai, Cảm Nhân, Tích Cốc, Xuân Long… nhiệt độ xuống tới 7-80C.
Phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm của Yên Bình vốn phát triển mạnh mẽ, đã và đang góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn với tổng đàn trâu trên 16 ngàn con và đàn bò trên 12 ngàn con. Trong khi Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên cũng là huyện vùng thấp, sự chênh lệch về nền nhiệt độ so với Yên Bình tương tự nhau nhưng vẫn có số trâu, bò bị chết rét số lượng lớn. Phải chăng Yên Bình có “bí quyết” chống rét cho gia súc?
Để trả lời câu hỏi đó, chúng tôi đã về Yên Bình trong một ngày đông giá rét. Bà Đỗ Thị Tâm - Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Yên Bình không có “bí quyết” gì mà cái chính là sự chỉ đạo sát sao từ huyện tới xã, thôn, bản và hộ chăn nuôi. Không chỉ riêng đợt rét năm 2010 - 2011 này huyện mới triển khai thực hiện các biện pháp chống rét cho gia súc mà đã trở thành “truyền thống” từ nhiều năm nay. Hàng năm và năm nay cũng vậy, cứ vào trung tuần tháng 12, huyện tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ mùa đồng thời triển khai, chỉ đạo các địa phương củng cố, đôn đốc công tác phòng chống rét cho gia súc.
Bên cạnh đó, huyện còn lồng ghép các chương trình chống rét cho gia súc vào hội nghị của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. Huyện giao cho Trạm Khuyến nông và khuyến nông viên tổ chức các lớp tập huấn chống rét cho các hộ chăn nuôi ngay tại thôn, bản.
Đồng thời thành lập các đoàn đi kiểm tra thực tế tại cơ sở, nơi nào chưa thực hiện nghiêm túc thì Bí thư, Chủ tịch huyện phải trực tiếp nhắc nhở. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo cách an toàn, hiệu quả, đã nuôi trâu, bò là phải có chuồng trại và được chăn thả, chứ nghiêm cấm chăn nuôi quảng canh thả rông gia súc. Trong chỉ đạo chống rét cho gia súc không làm chung chung mà rất cụ thể, huyện có công văn chỉ đạo các xã thực hiện và tiến hành kiểm tra thực tế.
Các xã đều xây dựng cho mình kế hoạch phòng, chống rét, chống đói cho gia súc. Bởi chỉ chống rét không thôi thì chưa đủ mà còn phải chống đói cho gia súc vì một phần số trâu, bò chết rét cũng có nguyên nhân chính là đói. Do vậy, ngoài việc chỉ đạo nhân dân xây dựng, nâng cấp, che chắn chuồng trại đảm bảo chống rét, tránh mưa, gió lùa, đảm bảo vệ sinh gia súc, huyện còn vận động nhân dân dự trữ thức ăn như: rơm, rạ và các sản phẩm phụ từ ngành nông nghiệp và trồng cỏ chăn nuôi. Xã Thịnh Hưng có 423 con trâu, 110 con bò nhưng chưa bao giờ có gia súc chết rét. 100% hộ chăn nuôi đều làm chuồng trại và che chắn rất cẩn thận. Bên cạnh đó, bà con còn trồng 12 ha cỏ voi để cho gia súc ăn trong ngày giá rét.
Gia đình anh Nguyễn Quốc Hội - thôn Miếu Hạ nuôi 2 con trâu và 2 con bò, mặc dù có bãi chăn thả nhưng gia đình vẫn tận dụng diện tích đất trống quanh nhà để trồng cỏ voi cho ăn thêm. Thông qua các lớp tập huấn do cán bộ khuyến nông tổ chức, anh nắm rất vững kỹ thuật chăn nuôi cho gia súc trong ngày đông giá rét, chuồng trại được che chắn rất cẩn thận, tối đến anh dùng chăn cũ buộc vào làm áo ấm cho trâu, bò.
Trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống dưới 120C trâu, bò được chăm sóc, nuôi nhốt tại chuồng, không chăn thả, không cho cày kéo. Hơn nữa, trâu, bò còn được đảm bảo khẩu phần ăn hợp lý để tăng sức đề kháng. Mấy ngày rét vừa qua nguồn cỏ voi hạn chế, anh Hội còn cắt cả ngô đông về cho trâu, bò ăn, đồng thời tận dụng lá chuối, thân cây chuối thái lát mỏng và trộn với cám gạo, ngô cho ăn thêm và cho uống nước muối nóng pha loãng. Cho ăn như vậy mới đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò - anh Hội nói về "bí quyết" chống rét cho gia súc của mình như vậy.
Rõ ràng để chống rét hiệu quả cho gia súc đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, đặc biệt là các hộ chăn nuôi để bảo vệ đàn gia súc của gia đình. Vẫn biết thiên tai là sự vận động khách quan và có sức tàn phá nặng nề, nhưng nếu chúng ta biết phòng, chống tích cực sẽ giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội.
Thanh Phúc
Các tin khác
60% số doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia cuộc khảo sát toàn cầu của HSBC mới đây tin tưởng nền kinh tế nước nhà sẽ tiếp tục tăng trưởng trong sáu tháng tới. Kết quả này vừa được công bố sáng 20/1.
Giá vàng phiên New York đêm 20/1 đã giảm gần 2% xuống mức thấp nhất trong hai tháng do lực bán và những lo lắng về chính sách thắt chặt tiền tệ hơn ở Trung Quốc.Mở cửa phiên châu Á sáng nay (20/1) giá vàng tiếp tục chạy ở vùng giá thấp 1.347,30 USD/ounce.
YBĐT - Đợt rét đậm bắt đầu từ ngày 24/12/2010 đến nay đã làm thiệt hại khá nặng nề cho bà con nông dân huyện Văn Yên. Toàn huyện đã có 121 con trâu, bò và bê, nghé bị chết rét.
Thống kê của mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đến chiều hôm qua cho thấy, số lượng trâu bò chết rét tăng đột biến, với trên 17.100 con, tăng hơn 5.000 con so với ngày hôm qua.