Khơi dậy tiềm năng sinh kế trên đất rừng Yên Bái
- Cập nhật: Thứ bảy, 22/1/2011 | 9:45:16 AM
YBĐT - Dự án "Phát triển và bảo tồn các bài thuốc dân tộc và nguồn cây thuốc bản địa" do tổ chức Codaid Hà Lan tài trợ qua Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững cho Hội Đông y tỉnh Yên Bái đã triển khai được một năm.
Hội viên Hội Đông y tỉnh tham quan cơ sở sản xuất thuốc nam
tại xã Nghĩa Trai (Hải Dương).
|
Với mục tiêu: các bài thuốc dân tộc được kế thừa, phát triển và sử dụng rộng rãi trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng và tăng cường năng lực của cộng đồng trong bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững nguồn cây thuốc bản địa, trong năm qua, Dự án đã tập trung tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây, làm khảo nghiệm... tại xã Cảm Ân, huyện Yên Bình. 100 hộ nông dân ở 4 thôn: Ngòi Cát, Tân Yên, Tân Tiến và Đèo Thao đã được tiếp cận với chương trình Dự án.
Các kỹ thuật trồng, chăm bón, thu hái, sơ chế và bảo quản để sử dụng một số loại cây thuốc nam bản địa đã được phổ biến cho người dân để thực hành trồng tại vườn rừng của gia đình. Một số sản phẩm của cây trồng ngắn ngày đã được thu hái, sử dụng và trao đổi để thu lợi có kết quả ban đầu khả quan như: gừng, kim tiền thảo...
ông Hoàng Văn Quy - một người dân trồng thuốc nam ở thôn Ngòi Cát, tâm sự: "Thuốc nam ở địa phương tôi có từ bao đời nay nhưng chưa bao giờ và chưa có ai tổ chức trồng tái sinh cây thuốc vào vườn rừng cả, chỉ có đi đào, đi hái về dùng thôi. Khi được Hội Đông y về hướng dẫn và hỗ trợ trồng thì bà con trong thôn rất đồng tình và tích cực làm theo".
Ông Hà Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Cảm Ân đã phấn khởi cho biết: "Đảng ủy xã rất đồng tình với mục đích đặt ra của Dự án và đã có Nghị quyết chuyên đề trồng cây thuốc nam để lãnh đạo nhân dân triển khai thực hiện. Kết quả năm đầu rất khả quan, bà con rất tích cực hưởng ứng. Các hộ tham gia đều tận dụng đất nhàn rỗi, đất vườn tạp, dưới tán rừng để trồng thuốc nam".
Bước vào năm thứ hai, ngoài việc duy trì hiệu quả các hoạt động của năm đầu, Dự án sẽ tập trung vào hỗ trợ người dân kỹ thuật và giống cây để trồng lại một số cây thuốc nam bản địa vào vườn rừng như: hoài sơn, ba kích..., đồng thời giúp đỡ các ông lang, bà mế tại địa phương nâng cao năng lực chuyên môn, quảng bá và tư liệu hóa các bài thuốc chữa bệnh tốt để phục vụ rộng rãi cộng đồng.
Thực tế, rừng ở Yên Bái có rất nhiều cây thuốc nam bản địa được ông lang, bà mế các dân tộc sử dụng chữa bệnh rất tốt tại cộng đồng. Những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, rừng Yên Bái đã cung cấp hàng trăm tấn dược liệu khô cung ứng cho thị trường thuốc đông dược phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK) của nhân dân. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên cây thuốc bản địa này đã và đang cạn kiệt do bị khai thác mà không được trồng bù.
Một tình trạng chung không chỉ ở Yên Bái là sự hiểu biết về nguồn lợi của thuốc nam bản địa trong nhân dân chưa đầy đủ; nhu cầu của người sử dụng và người cung ứng thuốc chưa gặp nhau, cây thuốc trong rừng đang bị khai thác thiếu kế hoạch, cây con làm thuốc có sẵn trong thiên nhiên đang bị triệt phá theo nguồn rừng.
Nếu kéo dài tình trạng này, không bảo vệ được rừng và không chủ động trong việc nuôi trồng, bảo tồn cây con làm thuốc thì cây thuốc sẽ dần tiệt chủng theo nguồn rừng, CSSK bằng y học cổ truyền sẽ bị thu hẹp. Đó là thiệt thòi lớn cho số đông người dân, trong đó có nhiều người nghèo, chưa có điều kiện để thường xuyên tiếp cận với y học hiện đại khi có bệnh.
Từ năm 1996 đến 2009, Hội Đông y tỉnh đã thực hiện hỗ trợ phổ biến kiến thức cho nông dân trồng dược liệu nhằm ổn định sinh kế cộng đồng tại các huyện, thị trong tỉnh.
Thông qua đó đã được các cấp chính quyền đánh giá là đạt kết quả trong việc tăng cường năng lực cho người dân để trồng và phát triển một số loại cây dược liệu thông thường, tăng cường hệ số sử dụng đất và góp phần cải thiện cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Bước đầu Hội đã hỗ trợ các nhóm nông dân kết nối với thị trường dược liệu trong nước, góp sức trong CSSK và cải thiện thu nhập để xóa đói giảm nghèo. Kết quả bước đầu của dự án đã chỉ ra rằng: một trong những tiềm năng để phát triển kinh tế ở Yên Bái là phát triển trồng cây thuốc nam bản địa.
Vấn đề cần phải đặt ra là: làm thế nào để cây thuốc nam được quan tâm nuôi trồng trở thành hàng hóa thu lợi góp phần nâng cao đời sống nhân dân? Cũng như các cây trồng khác, cây thuốc nam cũng cần phải có sự nghiên cứu để nuôi trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời phải có thị trường tốt, không bị chèn ép để bán được giá.
Làm được điều này rất cần có sự liên kết của "bốn nhà": Nhà nước tạo cơ chế, cơ hội và nguồn lực; nhà khoa học cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi trồng, cây giống tốt; nhà doanh nghiệp tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.
Có như vậy mới tạo được chuỗi giá trị cho sản phẩm của người trồng thuốc, đảm bảo được lợi ích lâu dài. Và chỉ có vậy mới tạo nên sức mạnh, khơi dậy có hiệu quả bền vững một tiềm năng vốn có của đất rừng Yên Bái.
Thảo Liên
Các tin khác
Theo thông báo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chiều 21/1, so với ngày hôm trước đã có thêm 3.000 con trâu, bò bị chết rét, nâng tổng số gia súc bị chết trong đợt rét đậm, rét hại này lên tới gần 23.000 con.
YBĐT - Trong những ngày đầu năm 2011 này, nông dân thành phố Yên Bái đang bước vào giai đoạn thu hái nấm vụ thu đông 2010 với niềm vui lớn vì giá nấm trên thị trường tương đối cao so với các sản phẩm nông sản khác.
YBĐT - Trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống dưới 12 độ C trâu, bò ở Yên Bái được chăm sóc, nuôi nhốt tại chuồng, không chăn thả, không cho cày kéo. Hơn nữa, trâu, bò còn được đảm bảo khẩu phần ăn hợp lý để tăng sức đề kháng.
60% số doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia cuộc khảo sát toàn cầu của HSBC mới đây tin tưởng nền kinh tế nước nhà sẽ tiếp tục tăng trưởng trong sáu tháng tới. Kết quả này vừa được công bố sáng 20/1.