Sức vươn diệu kỳ
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/1/2011 | 2:58:23 PM
YBĐT - Dẫu còn nhiều khó khăn, chưa hết những trăn trở cũng như cần có sự tiếp tục đầu tư mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của nhân dân song, nét đổi mới của vùng cao thượng huyện Văn Chấn thật đáng trân trọng! Và đáng quý hơn nữa chính là tầm suy nghĩ mới ở nơi vùng cao đầy nắng, gió này.
Làng định cư (bản Lìm, Tú Lệ).
(Ảnh: Thu Trang)
|
Như đã thành thông lệ, cứ mỗi độ xuân về, tôi lại muốn đến với các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của miền Tây đầy nắng và gió. Đến không chỉ để được ngắm những bông hoa dã quỳ, hoa tớ dày nở hồng bên các sườn núi cao hùng vĩ mà còn bởi hình ảnh thơ mộng nhưng cũng lắm khó khăn của vùng cao cứ đeo đẳng mãi trong tôi. Và xuân này cũng vậy, tôi ngược tới các xã vùng thượng huyện Văn Chấn...
Từ trung tâm huyện lỵ ngược theo quốc lộ 32 đã được rải nhựa phẳng lì, xe băng băng lướt qua các bản, làng của Nậm Lành, Gia Hội, Nậm Búng rồi đến Tú Lệ. Những dãy núi trập trùng, trầm mặc nay đã khoác lên mình một màu xanh no ấm. Những ngôi nhà xây hai, ba tầng mọc lên san sát. Hệ thống hạ tầng cơ sở phát triển mạnh, điện - đường - trường - trạm được xây dựng khang trang. Những ruộng ngô đông đang trổ cờ phun râu... Một cuộc sống mới, mùa xuân mới đang ùa tới mỗi bản, làng, mỗi gia đình người Mông, người Dao, người Thái nơi vùng cao này.
Khó có thể hình dung nổi chỉ cách đây vài năm, các xã vùng thượng huyện Văn Chấn là Nậm Lành, Nậm Búng, Gia Hội, Suối Quyền, Sùng Đô, Tú Lệ, Sơn Lương còn đầy khó khăn và thiếu thốn đủ mọi thứ thì nay lại có một sức vươn kỳ diệu đến vậy. Có lẽ không lúc nào, Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Chấn không trăn trở tìm cách đưa các địa phương này thoát nghèo. Và cũng đã có không biết bao nhiêu nghị quyết, nghị quyết chuyên đề để vực dậy vùng đất này.
Thế nhưng, cái đói, cái nghèo cứ bám lấy người dân nơi đây. Rừng rồi cũng nghèo kiệt. Hàng năm, chỉ có 50% diện tích ruộng cấy lúa hai vụ. Trước thực trạng đó, Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình, hành động cụ thể trong phát triển kinh tế cho vùng thượng huyện. Đó là thâm canh lúa nước, khai hoang ruộng nước, trồng ngô, đậu tương. Đó là chè Shan tuyết, là trồng và bảo vệ rừng. Đó là phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đó là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đó là nâng cao chất lượng giáo dục...
Bí thư Đảng ủy xã Gia Hội - Lò Pạu phấn khởi cho biết: “Người dân Gia Hội hôm nay đã cơ bản thoát nghèo, an ninh lương thực bảo đảm. Vui hơn là người Thái, người Giáy, người Kinh có bước chuyển mạnh mẽ. Từ trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp đã chuyển sang sản xuất hàng hóa. Từ chủ yếu chặt phá rừng chuyển sang trồng và tu bổ rừng. Người dân bây giờ còn trồng cả cây cao su và chẳng bao lâu nữa, “dòng vàng trắng” sẽ làm bật dậy vùng cao này!”.
Những cái được đó đã và đang làm bật dậy kinh tế - xã hội nơi đây. Trong sản xuất, thâm canh lúa nước, bà con không chỉ xóa ruộng một vụ mà còn đưa các giống tiến bộ, chất lượng cao vào gieo cấy, đạt năng suất 50 tạ/ha, trong đó phân nửa là lúa, gạo hàng hóa. Trên 147 ha chè Shan tuyết đã và đang trở thành một nguồn thu không thể thiếu trong mỗi gia đình, nhất là từ khi Nhà máy Chế biến chè xanh Gia Hội được đầu tư xây dựng, giá chè liên tục tăng cao.
Bên cạnh đó, toàn bộ diện tích rừng đã được các hộ dân nhận quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi khá hiệu quả. Rừng giờ đây đã góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất. Đặc biệt, năm 2010, thực hiện chương trình trồng cây cao su, nhân dân Gia Hội, Nậm Búng, Nậm Lành hồ hởi tay dao, tay cuốc lên đồi. Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân xã Gia Hội đã trồng được 40 ha, Nậm Lành 90 ha, Sơn Lương 70 ha; phát thực bì và đào hố được 70 ha. Theo chương trình, đến năm 2015, toàn vùng sẽ trồng trên 2.300 ha cây cao su, xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su để tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn.
Nét mới nữa ở nơi này là chương trình chăn nuôi trâu, bò theo hướng liên kết giữa nhà đầu tư và người dân địa phương đang mang lại hiệu quả rõ nét. Nhiều hộ chăn nuôi từ 10 - 50 con trâu, bò nay đã trở thành những triệu phú như gia đình ông Hoàng Hải Ư - thôn Minh Nội nuôi 40 con trâu; Lục Văn Họ - thôn Chiềng Pằn nuôi 50 con bò. Cả xã Gia Hội có 40 hộ nuôi từ 20 con trâu, bò trở lên và chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa cũng phát triển khá mạnh.
Nếu như Gia Hội có lợi thế là nằm ven quốc lộ thì Nậm Lành lại không có lợi thế đó. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xã tạo sự bứt phá bằng mở đường giao thông. Qua Chương trình 134, 135 và đóng góp của nhân dân, những tuyến đường xây dựng mới, nâng cấp đã nối gần lại những bản, những làng và cũng chính là sợi dây thông thương cho sản phẩm đến với thị trường. Bản người Dao Ngọn Lành, Tà Lành, Giàng Cài, Tặc Tè, Nậm Tộc, đường sá đi lại khó khăn là vậy nhưng hôm nay, đường bê tông, đường cấp phối đã nối liền.
“Không có ngọn núi cao nào, cánh rừng nào không có dấu chân của người Dao Nậm Lành. Cái đói, cái nghèo của người Dao Nậm Lành không thể tính bằng năm, bằng tháng mà phải tính bằng mỗi cuộc đời. Mừng lắm thay, hôm nay, họ đã định canh định cư, trồng và tu bổ rừng, thâm canh lúa nước, chăn nuôi gia súc và gia cầm... để xóa đói giảm nghèo. Trẻ em vui cắp sách đến trường với các thầy, các cô là người địa phương. Nhân dân nguyện một lòng theo Đảng, Nhà nước và ngày càng chăm chỉ lao động, sản xuất” - đồng chí Bàn Thị Máy - Phó chủ tịch UBND xã Nậm Lành tâm sự.
Tiếp tục ngược cung đường đến với Tú Lệ - nơi mà trước đây được ví như “vương quốc của hoa anh túc". Tú Lệ giờ không còn là Tú Lệ ngày nào. Trung tâm xã đã mang hình hài của một thị trấn vùng cao sầm uất. Quán xá mọc lên cùng nhà hàng, khách sạn sang trọng để đón du khách muôn phương tới chiêm ngưỡng cảnh sắc dưới chân đèo Khau Phạ huyền thoại. Cánh đồng anh túc xưa nay đã trồng hai vụ lúa, trong đó một nửa là lúa nếp tan - một loại nếp đặc sản chỉ có ở Tú Lệ.
Với lợi thế đó, địa phương đã và đang thực hiện chương trình sản xuất lúa nếp tan hàng hóa có diện tích 100 ha, tạo khối lượng lớn cung ứng cho thị trường. Cùng cây lúa, bà con còn trồng ngô và đặc biệt, 50 ha cây đậu tương đã góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Phát huy thế mạnh đồng cỏ, phong trào chăn nuôi gia súc phát triển nhanh, cả xã có hơn 810 con trâu, 602 con bò.
Dẫu còn nhiều khó khăn, chưa hết những trăn trở cũng như cần có sự tiếp tục đầu tư mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của nhân dân song, nét đổi mới của vùng cao thượng huyện Văn Chấn thật đáng trân trọng! Và đáng quý hơn nữa chính là tầm suy nghĩ mới ở nơi vùng cao đầy nắng, gió này.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Đối với xuân Tân Mão năm nay, Công ty Hoà Bình Minh đã tiến hành trồng và cung ứng cho thị trường hoa gồm: 6.000 m2 hoa đồng tiền tương đương với 1,5 vạn bông, 3000 m2 hoa loa kèn tương ứng với 6 vạn củ.
YBĐ - Năm 2010, sản xuất nông - lâm nghiệp Yên Bái gặt hái nhiều thành công, bà con nông dân phấn khởi khi các mặt hàng nông sản được mùa trúng giá.
YBĐT - Năm 2010, xã Bản Công giảm được 14 hộ nghèo đạt 100% kế hoạch, sản lượng lương thực có hạt tăng lên, kinh tế phát triển ổn định, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được quan tâm.
YBĐT - Thị trường năm 2010 đã trải qua một năm ảm đạm với nhiều cơn “lốc giá" khiến không ít người điêu đứng thì những ngày đầu năm 2011 này, thị trường tiêu dùng dường như đang được hâm nóng lại khi mà tết Nguyên đán đang đến gần.