Thương hiệu cam Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/2/2011 | 7:50:56 PM

YBĐT - Trung bình mỗi năm, thị trấn Nông trường Trần Phú xuất bán ra thị trường trên 1.800 tấn quả. Nhờ đó, nhiều hộ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả.

Trung bình mỗi năm thị trấn Nông trường Trần Phú bán ra thị trường trên 1.800 tấn quả, đem về nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Ảnh: Thanh Miền
Trung bình mỗi năm thị trấn Nông trường Trần Phú bán ra thị trường trên 1.800 tấn quả, đem về nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Ảnh: Thanh Miền

Nhiều người biết đến Văn Chấn không chỉ với những cây chè cổ thụ Suối Giàng, những bãi tắm nước nóng tuyệt đẹp... mà Văn Chấn còn nổi tiếng với những vườn cam rộng lớn ở thị trấn Nông trường Trần Phú. Cây cam đã và đang góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Chính từ loại cây này, thị trấn Nông trường Trần Phú đã có những “triệu phú cam”...

Trong chuyến công tác ở Văn Chấn, tôi tình cờ gặp anh Trần Lập - phóng viên Đài TT - TH Văn Chấn, anh đang chuẩn bị đi tác nghiệp tại vùng cây ăn quả của huyện. Sau vài câu chào hỏi xã giao, chúng tôi lên xe bắt đầu chuyến hành trình đến thị trấn Nông trường Trần Phú.

Con đường vào thị trấn đã được bê tông hóa, hai bên đường san sát những ngôi nhà xây kiên cố với kiểu dáng hiện đại. Qua nhà nào cũng thấy cam sai trĩu quả khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng đất này.

Không khí thu hoạch cam để bán vào dịp tết thật tấp nập, khắp nơi những chiếc xe tải vào ra không ngớt.

Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn phấn khởi cho hay: “Năm 1992, bà con trồng cam chỉ để phục vụ sinh hoạt, nhưng thấy hiệu quả kinh tế cao nên đến năm 1994, thị trấn phát động phong trào xóa bỏ vườn tạp, xây dựng trang trại vừa và nhỏ. Lúc này bà con đã trồng trên 10 ha cam, chủ yếu cam sành. Hiện thị trấn có trên 1.590 hộ thì có gần một ngàn hộ trồng cam".

Vườn cam của gia đình ông Đỗ Văn Bản ở khu 8 là nơi có nhiều giống cam nhất. Mặc dù chỉ có trên 1 ha nhưng ông trồng cả 4 giống cam, trong đó cam sành có gần 500 gốc.

Gặp ông trên đồi cam trĩu quả, ông bảo: “Gia đình đã đưa cây cam về đây từ năm 1990, ban đầu, tôi chỉ trồng cam sành và cam chanh. Vụ vừa qua, tôi thu hoạch trên 20 tấn quả, bán với giá tại gốc từ 8 ngàn đến 32 ngàn đồng/kg tuỳ từng lại cam, thu về trên 60 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu đồng. Những năm gần đây kinh tế  gia đình tôi khá lên là nhờ có cây cam đấy!”.

Ở vùng này, không riêng nhà ông Bản mà còn có gia đình ông Nguyễn Chí Thống, Nguyễn Văn Thông cũng có thu nhập cao, ổn định từ trồng cam. Ông Thống tâm sự: “Nếu không có cây cam nhà tôi không thể có cơ ngơi như ngày hôm nay. Năm 1992, tôi trồng 2 ha cam, chỉ 4 năm sau đã được thu hoạch. Vụ đầu cũng được 100 tấn cam. Vụ thứ hai được gần 200 tấn. Có cây được tới gần 5 tạ quả. Vậy là qua 4 - 5 vụ thu hoạch cam, đã cơ ngơi đáng giá mấy trăm triệu đồng”.

Không riêng gia đình ông Bản, ông Thống, rất nhiều hộ gia đình tại thị trấn đã vươn lên xóa đói giảm nghèo, có thu nhập ổn định từ cam. Cây cam đã thực sự trở thành cây không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho người dân nơi đây.

Cam ở thị trấn Nông trường Trần Phú từ lâu đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu đối với người tiêu dùng Yên Bái, nhưng đến nay nó vẫn chưa có thương hiệu do Nhà nước cấp. Quả thật, cam ở đất Trần Phú rất khác biệt với cam ở những vùng khác.

Ngoài khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, người trồng cam nơi đây còn có rất nhiều kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc thứ quả này. Họ biết khi nào thì phải tỉa cành, diệt sâu, diệt mối, bón phân cho cây, biết cách lai ghép những cây sai quả, cây có chất lượng quả tốt nên cam có vị ngọt đượm, thơm giòn, có giá trị dinh dưỡng cao.

Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, năm 2004, thị trấn đưa giống cam đường canh vào trồng thử nghiệm - đây là giống cam cho quả chất lượng và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2008, nông dân thị trấn đã đưa 100 cây cam Caracara (cam Mỹ) và 6 ha giống cam V2 (Viện Nghiên cứu rau quả) vào trồng thử nghiệm... Tất cả với mục tiêu củng cố thêm tiếng tăm cho sản phẩm cam Văn Chấn.

Trung bình mỗi năm, thị trấn Nông trường Trần Phú xuất bán ra thị trường trên 1.800 tấn quả. Nhờ đó, nhiều hộ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả. Những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn còn khá cao, đến thời điểm này, chỉ còn 4,8% (theo tiêu chí mới).

Trong xu thế hội nhập, hy vọng thương hiệu cam của thị trấn sẽ sớm được chính thức công nhận để mở rộng thị trường sản phẩm nông sản này. Có như vậy, cây cam mới có thể phát triển bền vững, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con nơi đây.

Minh Tuấn

Các tin khác

YBĐT - Sáng mồng 6/2, tức mồng 4 tết, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã nổi lửa nhóm lò, ra quân sản xuất. Đây là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Yên Bái khai xuân thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011.

YBĐT - Năm 2010 đi qua cũng là năm Đảng bộ và nhân dân huyện Mù Cang Chải kết thúc thắng lợi kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XVI.

YBĐT - Hiện nay, sản phẩm chính của Công ty là chè đen, hàng năm xuất khẩu 700 - 800 tấn sang Đài Loan, các nước Trung cận Đông và Nga.

Ảnh minh họa

YBĐT - Mỗi vùng quê trên xứ sở của cây lúa này lại có niềm tự hào về hạt gạo quê mình, người Lục Yên tự hào có nếp cái hoa vàng, người Tú Lệ có nếp tan còn với tôi, tôi tự hào vì quê mình có gạo Bạch Hà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục