Bảo vệ và phát triển đàn gia súc ở vùng cao:

Người dân phải vào cuộc

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/3/2011 | 10:06:42 AM

YBĐT - Từ tháng 10 năm 2010 đến nay trên địa bàn huyện đã liên tục xảy rét đậm, rét hại kéo dài và dịch lở mồm long móng. Người dân lẽ ra phải “của đau con xót” nhưng ngược lại họ lại thờ ơ trước thiên tai, dịch bệnh.

Chăn nuôi gia súc theo hướng bán công nghiệp giúp người dân nâng cao thu nhập kinh tế. (Ảnh: H.N)
Chăn nuôi gia súc theo hướng bán công nghiệp giúp người dân nâng cao thu nhập kinh tế. (Ảnh: H.N)

Từ lâu đời, người dân vùng cao Mù Cang Chải đã có thói quen thả rông gia súc, vì vậy việc chăm sóc và bảo vệ đàn gia súc trong nhiều năm qua rất khó khăn, đặc biệt là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Từ tháng 10 năm 2010 đến nay trên địa bàn huyện đã liên tục xảy rét đậm, rét hại kéo dài và dịch lở mồm long móng (LMLM).

Huyện Mù Cang Chải đã và đang tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành, các xã vào cuộc để dập dịch và phòng chống rét cho gia súc. Về phía người dân lẽ ra phải “của đau con xót” nhưng ngược lại họ lại thờ ơ trước thiên tai, dịch bệnh. 

Người dân thờ ơ trước rét đậm, rét hại

Anh Sùng A Thênh - thú y viên xã Lao Chải kể: “Cuối tháng 1 năm 2011, gia đình anh Vàng A Dơ - bản Lao Chải có một con trâu và một con nghé bị chết do rét đậm, rét hại. Nguyên nhân chính là do người dân không làm chuồng trại che chắn gió cho gia súc. Đặc biệt là vào ban đêm, khi nhiệt độ xuống thấp, sương muối, rét buốt mà họ vẫn cứ thả rông gia súc ngủ ở ngoài rừng nên đã bị chết. Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền nhưng người dân vẫn chưa chú ý đến việc chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc của chính gia đình mình...”.

Trong đợt rét đậm, rét hại (từ trung tuần tháng 1 năm 2011 đến nay) trên địa bàn xã Lao Chải đã có 123 con gia súc bị chết rét. Điều đáng nói ở đây là 100% số bản của xã đều có trâu, bò bị chết rét. Nhiều hộ gia đình trong xã Lao Chải đã để chết đến 2 con trâu, bò như gia đình anh Lờ A Lầu, bản Dào Cu Nha, Phàng A Thái, bản Cồ Dề Seng A, Vàng A Dơ và Vàng Trở Giá, bản Lao Chải...

Không riêng gì xã Lao Chải diễn ra tình trạng thả rông gia súc mà đều phổ biến ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều để xảy ra tình trạng trâu bò bị chết rét.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, trong đợt rét đậm, rét hại gần 2 tháng vừa qua, toàn huyện đã có 1.023 con gia súc bị chết rét. Trong đó, 244 con trâu, 608 con nghé, 53 con bò, 114con bê và 4 con ngựa. Các xã có nhiều gia súc bị chết như: Nậm Có 304 con, Cao Phạ 153 con, Lao Chải 123 con...

Chính sự thờ ơ của người dân đã không chăm sóc, bảo vệ được chính tài sản của mình, tư tưởng “phó mặc cho thiên nhiên” vẫn ăn sâu, bám rễ vào suy nghĩ của nhiều người dân.

Dân thờ ơ trước dịch bệnh

Ngày 18/10/2010 là ngày đầu tiên dịch bệnh LMLM xuất hiện ở xã Púng Luông, với tổng số 413 con mắc bệnh.

Anh Giàng A Cớ - cán bộ Trạm Thú y huyện cho biết: “Chúng tôi đã phải mang thuốc đến tận hộ gia đình, vận động họ tiêm thuốc phòng, chống dịch bệnh nhưng một số hộ vẫn không chịu. Cứ phải đợi đến lúc phát bệnh nặng mới cho điều trị.

Khi gia súc mắc bệnh nhiều người cũng chưa chú trọng đến việc nhốt cách ly để điều trị, vẫn thả rông khắp nơi. Vì vậy, chúng tôi có nỗ lực bao nhiêu cũng khó mà dập được dịch....”.

Do sự không quan tâm của chính những người có trâu, bò nên dịch bệnh đã lây lan nhanh, khó khống chế. Đến cuối năm 2010 đã có 5 xã trong huyện gồm: Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Khau Phạ và Chế Cu Nha xảy ra dịch LMLM, với tổng số 549 con gia súc bị mắc bệnh, trong đó: 275 con trâu, 235 con bò, 84 con lợn và đã có 47 con mắc bệnh được tiêu huỷ.

Do có sự đạo quyết liệt của huyện, sự vào cuộc của các cấp, các ngành mới khống chế được dịch bệnh ở 4 xã: Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn và Cao Phạ và đã có 446 con gia súc được chữa khỏi bệnh. Hiện tại, dịch bệnh vẫn đang bùng phát tại xã Chế Cu Nha.

Phải khẳng định là dịch bệnh chưa được khống chế là do sự thờ ơ, chưa hợp tác chặt chẽ từ người dân. Trường hợp của gia đình ông Hờ Sông Củ, bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha là một ví dụ.

Cuối tháng 1 năm 2011, gia đình ông Củ có một con trâu bị chết do dịch bệnh LMLM nhưng gia đình vẫn mổ thịt mang đi bán tại bản Dề Thàng, Chế Cu Nha. Chính hành động coi thường trước dịch bệnh của người dân là nguyên nhân cơ bản khiến dịch bệnh LMLM chưa thể khống chế được mặc dù ngành chức năng đã rất nỗ lực.

Chưa khống chế được hết dịch bệnh xảy ra năm 2010, thì đến ngày 20/1/2011 trên địa bàn xã Khao Mang lại xuất hiện dịch bệnh LMLM, với 229 con gia súc mắc bệnh. Đến trung tuần tháng 2, dịch bệnh đã lây lan sang 3 xã xung quanh là Mồ Dề, Hồ Bốn và Lao Chải, làm 436 con gia súc bị bệnh (210 con trâu, 183 con bò và 33 con lợn) và đã có 37 con bị tiêu huỷ vì chết do dịch bệnh.

Anh Sùng A Thênh - thú y viên xã Lao Chải buồn bã nói với chúng tôi: “Phần lớn người dân không nuôi nhốt gia súc cách ly để chữa bệnh mà vẫn chăn thả ngoài ruộng, ngoài rừng. Cùng với đó, là nhận thức của người dân về tác hại của dịch bệnh chưa cao nên họ không chú trọng tới việc chữa bệnh cho gia súc...”.

Đồng chí Lý A Vừ - Bí thư Đảng uỷ xã Lao Chải cho biết thêm: “Với đặc thù của miền núi là ruộng bậc thang không đưa máy cày lên làm thay trâu được, mà dịch bệnh lại xảy ra trong lúc người dân làm vụ đông xuân nên họ vẫn phải đưa trâu bò ra nương để cày kéo. Do đó, việc nuôi nhốt cách ly gia súc bị mắc bệnh để chữa bệnh đã không thực hiện được...”.
 
Nỗ lực của huyện và giải pháp thời gian tới

Để khẩn trương khoanh vùng dập dịch, ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, UBND huyện Mù Cang Chải đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: thành lập Trạm kiểm dịch tại các khu vực giáp ranh, thành lập Hội đồng tiêu huỷ gia súc. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để tổ chức khoanh vùng dập dịch.

Cùng với đó, tiến hành nuôi nhốt riêng và điều trị tích cực cho tất cả gia súc bị mắc bệnh. Tổ chức tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực có dịch mỗi ngày và tiêm vacxin bao vây cho gia súc bị mắc bệnh. Chỉ đạo Trạm thú y huyện phối hợp với các xã xảy ra dịch bệnh tiêm 16.000 liều vác xin cho gia súc, phun 900 lít thuốc tiêu độc khử trùng và tiến hành nuôi nhốt cách ly gia súc để chữa bệnh.

Tuy nhiên, do những khó khăn đặc thù, đến nay dịch bệnh vẫn chưa được khống chế, theo thống kê của ngành chức năng, từ tháng 10 năm 2010 đến trung tuần tháng 2 năm 2011, huyện Mù Cang Chải có 9/14 xã, thị trấn xảy ra dịch LMLM, với tổng số 1.030 con gia súc bị mắc bệnh (trong đó 84 con mắc bệnh chết và đã được tiêu huỷ).

Hiện tại, huyện mới chỉ khống chế được dịch bệnh ở 4 xã, 5 xã còn lại gồm: Chế Cu Nha, Khao Mang, Mồ Dề, Hồ Bốn và Lao Chải dịch LMLM đang diễn ra rất phức tạp. Với 210 con trâu mắc bệnh, 183 con bò và 33 con lợn. Đáng quan tâm nhất là dịch bệnh đã bùng phát trên đàn lợn nên khó khăn hơn cho việc kiểm soát, giết mổ, dễ làm lây lan ra diện rộng.

Đồng chí Giàng A Củ - Trưởng Trạm Thú y huyện cho biết về những giải pháp của ngành trong thời gian tới: “Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tác hại và các biện pháp phòng chống dịch bệnh đến người chăn nuôi. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm dịch, vận chuyển, kiểm tra thú y, kiểm soát giết mổ, mua bán động vật và sản phẩm động vật tại vùng có dịch...”.

Chỉ do nhận thức còn hạn chế và ý thức chủ quan của người dân mà trong 5 tháng qua, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có trên 1.100 con gia súc bị chết và hiện vẫn còn 336 con gia súc đang mắc bệnh LMLM. Thời gian tới, huyện có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn, đặc biệt sẽ giao cho lãnh đạo các xã, thị trấn quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của huyện tới người dân không để xảy ra tình trạng gia súc bị chết rét, đồng thời làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Nếu hộ nào để xảy ra tình trạng thả rông gia súc bị chết rét, hoặc gia súc chết do dịch bệnh LMLM nhưng thả rông đều không được thống kê để Nhà nước hỗ trợ.

Mù Cang Chải rất cần sự tích cực tuyên truyền của ngành chức năng như: báo, đài trong tỉnh, trong huyện, cũng như Ban văn hoá các xã, thị trấn để nhận thức của người dân về công tác chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc được nâng lên…”.

Với những khó khăn đặc thù của huyện vùng cao Mù Cang Chải, để khẩn trương dập dịch LMLM không lây lan sang các địa bàn khác và làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc hiện có, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, sự chung tay của các cấp các ngành, rất cần có sự vào cuộc của chính những người dân trong huyện.

Thanh Xuân

Các tin khác
Giá vàng đang thẳng đứng trong hai tuần qua.

Với mức tăng thẳng đứng như hiện tại, chuyên gia cho rằng nhiều khả năng giá vàng thế giới lập đỉnh mới, vượt mốc cao nhất mọi thời đại hồi tháng 4 với 2.491 USD/ounce.

Đề xuất Luật Đất đai số 31/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ giao Bộ trưởng Tư pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025.

Sáng 17/5, đoàn công tác của tỉnh Lào Cai do đồng chí Trịnh Xuân Trường -Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai làm trưởng đoàn cùng đoàn công tác đã đi thăm quan một số mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại huyện Trấn Yên.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hoá đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục