Chế biến nông lâm sản: Khắc phục gánh nặng khi mất điện
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/3/2011 | 9:10:51 AM
YBĐT - Được xác định là ngành nghề quan trọng trong cơ cấu công nghiệp, những năm qua ngành nghề chế biến nông lâm sản ở Yên Bái khá phát triển, giải quyến cơ bản đầu ra cho cây công nghiệp của bà con nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế lớn...
Được xác định là ngành nghề quan trọng trong cơ cấu công nghiệp, những năm qua ngành nghề chế biến nông lâm sản ở Yên Bái khá phát triển, giải quyến cơ bản đầu ra cho cây công nghiệp của bà con nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo việc làm cho người lao động và là nguồn thu ngân sách lớn tại nhiều huyện, thị. Khi tình trạng thiếu điện, buộc phải cắt tiết giảm diễn ra thì chắc chắn ngành nghề chế biến nông lâm sản phải hứng chịu những hậu quả khá nặng nề.
Không giống như các ngành nghề sản xuất khác, ngành nghề chế biến nông lâm sản ở Yên Bái chủ yếu nằm ở vùng nông thôn, gắn với các vùng nguyên liệu mà không ở các khu, cụm công nghiệp, vì thế phần lớn các cơ sở sản xuất đều sử dụng nguồn điện chung với lưới điện sinh hoạt, và đây chính là mấu chốt của vấn đề. Chủ trương ưu tiên điện cho sản xuất đã được Chính phủ, ngành công thương và Công ty Điện lực đặt ra và triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đối với các cơ sở sản xuất sử dụng nguồn điện chung với lưới điện sinh hoạt ở khu dân cư thì chắc chắn phải chấp nhận chịu cảnh cắt điện dài dài. Ngành điện có ba đầu sáu tay cũng không thể thực hiện việc cắt điện các hộ dân rồi chừa lại cầu dao khách hàng là doanh nghiệp. Mặt khác, khu vực nông thôn là khu vực “ưu tiên” cắt trước và cắt thường xuyên, liên tục nhất nên các nhà máy càng có nguy cơ đóng cửa.
Ông Nguyễn Quang Khâm - Giám đốc Công ty Chè Bình Thuận, (Văn Chấn) cho biết: “Doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đường dây và trạm biến áp riêng, thắt lưng buộc bụng đầu tư một máy phát điện công suất trên 100 KVA để chủ động nguồn điện cho sản xuất. Mặc dù vậy trong bối cảnh thiếu nguồn thì có đường dây, máy biến áp riêng thì chất lượng điện cũng rất kém, trong đó sợ nhất là thi thoảng lại mất hoặc dòng quá yếu, máy không chạy được. Đang sao mẻ chè mấy tấn mà máy ngừng chạy thì chỉ còn nước đổ đi. Chạy máy phát riêng cũng không phải là chuyện đơn giản. Giá xăng dầu càng ngày càng đắt, chi phí sẽ tăng đột biến, nếu không tính toán kỹ doanh nghiệp sẽ lỗ”.
Là cơ sở chế biến chè quy mô lớn, mỗi năm sản xuất trên 1600 tấn sản phẩm, có đường dây và trạm riêng, đầu tư cả máy phát điện công suất lớn mà còn thấy "hoảng" thì đại đa số các cơ sở chế biến chè còn lại không biết phải làm ăn thế nào.
Ông Chu Quốc Tuấn – Giám đốc Doanh nghiệp chè Hưng Thịnh phát biểu: Ngành chè mang tính chất thời vụ cao, ác nhất là khi vụ chè đến cũng là lúc thiếu điện xảy ra, chè rộ nhất cũng là lúc thiếu điện trầm trọng nhất. Là ngành công nghiệp thực phẩm nên nguyên liệu tươi ngon mới làm ra sản phẩm chất lượng cao; chè tươi mua về để lâu mới xao thì dễ bị ôi, thối. Đúng quy trình là ban ngày bà con hái chè, chiều đem đi bán, tối nhà máy chế biến. Khi thiếu điện thì quy trình đã bị ngừng trệ ở khâu cuối cùng, khâu quan trọng nhất.
Cũng giống như ngành nghề chế biến chè, những năm qua Yên Bái phát triển mạnh nghề chế biến gỗ rừng trồng với hàng trăm cơ sở chế biến ở các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn… Phần lớn các cơ sở đều có quy mô nhỏ, ở vùng nông thôn và rất ít trong số đó có đường dây và trạm riêng nên khi ngành điện tiến hành cắt tiết giảm là máy ngừng chạy, xưởng tạm thời đóng cửa. Làm nghề chế biến gỗ có may hơn anh làm chè là bồ đề, keo, bạch đàn mua về rồi hôm nay không bóc, không cắt thì để mai có điện làm cũng chẳng ôi thối, nấm mốc, nhưng không phải thế mà không có nỗi khổ riêng. Chế biến gỗ gây tiếng ồn lớn nên không thể làm đêm được, cố làm sẽ ảnh hưởng đến làng xóm và lại nghề chế biến gỗ khá nặng nhọc và dễ gây tai nạn nên làm đêm cũng nguy hiểm.
Nhớ lại mùa khô năm trước, không biết bao nhiêu doanh nghiệp lao đao vì điện thiếu và yếu, bao thắc mắc, bao lời kêu ca, phàn nàn được đưa ra rồi cuối cùng chỉ biết động viên nhau cố gắng khắc phục, sẻ chia với khó khăn chung của đất nước. Xây dựng lịch thu mua chè tươi cân đối với lịch cắt điện, có phương án sản xuất hợp lý như bố trí lao động phù hợp theo dây chuyền, công đoạn và thời gian; tăng năng suất khi có điện; tăng cường sản xuất vào các giờ thấp điểm… để duy trì sản xuất đợi mưa xuống, lũ về, điện nhiều thì khi ấy mới bớt đi một nỗi lo trong vô số nỗi lo mà doanh nghiệp, doanh nhân phải gánh vác.
Ông Phạm Duy Khương – Phó giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái cho biết: Ngành điện đã triển khai kế hoạch cắt tiết giảm điện trong mùa khô năm 2011 tới các doanh nghiệp và các huyện, thị; khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất xây dựng đường đây và trạm biến áp riêng; tiến tới các nhà máy, xí nghiệp di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp, làm vậy mới thuận tiện cho việc quản lý nói chung cũng như dễ dàng cấp điện ưu tiên cho sản xuất. Điện lực Yên Bái sẽ cố gắng nỗ lực hết mình đảm bảo điện cho sản xuất.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, Yên Bái đã có nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư hợp lý, nhờ vậy số lượng doanh nghiệp phát triển ngày một nhiều từ số lượng đến cơ cấu ngành nghề.
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Dự án "Phát triển tổng hợp cộng đồng" giai đoạn 2008-2010 của tổ chức Bánh mỳ Thế giới tài trợ tại xã Khánh Hoà (Lục Yên) đã đem lại những hiệu quả nhất định đến đời sống người dân.
YBĐT - Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Trạm Tấu, tính từ tháng 1/2011 đến 27/2/2011, trên địa bàn 5 thôn thuộc 4 xã của huyện Trạm Tấu đã xảy ra dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc.
Mức “trần” lãi suất huy động đã được chính thức quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 3.3.