Giá cả tăng, cuộc sống người dân gặp khó khăn : “Thắt lưng buộc bụng” thời bão giá

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/3/2011 | 9:01:33 AM

YBĐT - Chỉ số giá tiêu dùng hai tháng đầu năm liên tục tăng cao, tháng 1 tăng 2,28% và tháng 2 tăng 1,46%. Những biến động về giá cả cũng khiến cho người dân càng phải tính toán, thắt chặt chi tiêu trong thời buổi “thóc cao gạo kém” như hiện nay.

Giá các loại thực phẩm rục rịch tăng giá. (Ảnh: Văn Thông)
Giá các loại thực phẩm rục rịch tăng giá. (Ảnh: Văn Thông)

Vừa qua, Bộ Tài chính đã có quyết định điều chỉnh giá xăng dầu, theo biểu giá mới, mỗi lít xăng A92 tăng 2.900 đồng, lên 19.300 đồng/lít, dầu hoả tăng 3.100 đồng, lên 18.200 đồng/lít, dầu mazut tăng 2.110 đồng/kg lên 14.800 đồng, dầu diesel tăng 3.550 đồng/lít lên 18.300 đồng. Cũng kể từ ngày 1/3, giá bán lẻ điện cũng tăng thêm 15,28% so với trước đó. Bình quân giá điện mới sẽ là 1.242 đồng/kwh, tăng 165 đồng so với năm ngoái. Vẫn biết đây là điều không thể tránh khỏi trong khi Chính phủ đang phải bù lỗ cho các mặt hàng này, nhưng những thay đổi về giá điện và giá xăng dầu cũng tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Giá cước vận tải, thực phẩm “rục rịch”  tăng giá

Trong các loại hình hàng hoá dịch vụ, vận tải là loại hình kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn nhất của đợt tăng giá này do nhiên liệu thường chiếm từ 40 – 50% chi phí. Công ty cổ phần Vận tải thuỷ bộ Yên Bái, đơn vị kinh doanh vận tải lớn nhất trên địa bàn tỉnh, sẽ tăng 20% giá vé cho tất cả các tuyến xe khách bắt đầu từ ngày 5/3.

Ông Đoàn Văn Thu – Giám đốc Công ty cho biết: “Từ hôm xăng dầu tăng giá đến nay, Công ty đang phải bù lỗ vì giá cước không thể tăng cùng lúc với giá xăng dầu. Giá cước vận tải muốn tăng phải có lộ trình, Công ty cần phải tính toán mức tăng sao cho phù hợp và báo cáo Sở Giao thông Vận tải. Việc tăng giá này lẽ ra Công ty đã tiến hành từ trước tết Nguyên đán nhưng do chủ trương bình ổn giá cả vào dịp tết nên chậm lại”.

Trong khi đó, “đến hẹn lại tăng”, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng rục rịch tăng. Chị Nguyễn Thị Đào - quản lý siêu thị Sài Gòn Mart cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông báo sẽ tăng giá của nhiều nhà phân phối, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm và đông lạnh. Các nhà phân phối sẽ nâng giá bán trung bình từ 10 – 20% và bắt đầu áp dụng từ ngày 10/3. Từ nay đến lúc đó chúng tôi vẫn bán hàng với giá như bình thường”.

Theo khảo sát tại các chợ của thành phố Yên Bái như: Yên Thịnh, Đồng Tâm, Nam Cường.... sau dịp tết Nguyên đán, giá cả các loại rau, củ đã có phần “hạ nhiệt” so với trước tết do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào chấm dứt tình trạng khan hiếm rau xanh vào những ngày rét đậm, rét hại. Các loại thực phẩm khác vẫn giữ giá như những ngày tết Nguyên đán do dịch bệnh xảy ra tại nhiều địa phương nên nguồn cung khan hiếm. Nhưng có lẽ việc tăng giá các loại thực phẩm thiết yếu sẽ chỉ là chuyện “một sớm, một chiều” bởi người bán hàng nào cũng có lý lẽ rất giản đơn “Bây giờ cái gì cũng đắt”.

Người dân thắt chặt chi tiêu

 

Từ ngày 24/2, giá bán lẻ các loại xăng dầu tăng theo điều chỉnh mới của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, chỉ số giá tiêu dùng hai tháng đầu năm liên tục tăng cao, tháng 1 tăng 2,28% và tháng 2 tăng 1,46%. Những biến động về giá cả cũng khiến cho người dân càng phải tính toán, thắt chặt chi tiêu trong thời buổi “thóc cao gạo kém” như hiện nay. Những năm gần đây, người dân dường như cũng đã dần quen với hình thức chi tiêu tiết kiệm khi lạm phát tăng cao. Những đối tượng có thu nhập thấp, trung bình lại một lần nữa phải tính toán sao cho phù hợp với đồng lương eo hẹp cho qua những ngày lạm phát.

Giá xăng dầu tăng đã tác động tới chi phí đi lại của người dân, chị Nguyễn Thị Nga (phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái) cho biết: “Trước kia, mỗi tháng tôi thường đi lại hết khoảng 200.000 đồng tiền xăng nhưng hiện nay sẽ phải mất gần 300.000 đồng, tiền điện cũng tăng thêm một ít. Lương thì phải mấy tháng nữa mới được tăng vậy mà các thứ lại tăng trước rồi”. Để giảm bớt khó khăn, mỗi người có một biện pháp tiết kiệm, một cách chi sao cho phù hợp.

Bà Trần Thị Vân (phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái) chia sẻ: “Năm ngoái, khi Nhà nước có chủ trương tăng giá điện, gia đình tôi đã mua các loại bóng đèn tiết kiệm điện thay cho bóng đèn dây tóc. Bây giờ đi chợ cũng phải tính toán mua thực phẩm vừa đủ, rồi tranh thủ những ngày nghỉ trồng thêm luống rau, nuôi thêm con gà để vừa cải thiện bữa ăn, vừa tiết kiệm mà lại đảm bảo”.

Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong đó đề cập đến vấn đề tăng cường quản lý giá, bình ổn giá cả thị trường, điều chỉnh xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo, hộ thu nhập thấp. Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ các hộ nghèo về giá điện. Các cơ quan chức năng cần thực hiện những giải pháp đồng bộ mà Nghị quyết đề ra để bình ổn thị trường, giảm thiểu tối đa tác động của việc tăng giá điện, xăng dầu đến cuộc sống của người dân, đồng thời cũng cần đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra tránh tình trạng các mặt hàng ồ ạt tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”.

Hồng Khanh

Các tin khác
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm lan nhanh ở nhiều tỉnh.

Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang lan nhanh và diễn biến ngày càng xấu, trong khi nguồn vaccine phòng chống dịch đang cháy…, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cho biết tại cuộc họp khẩn chiều 8-3.

Dự báo thị trường ôtô trong nước sẽ còn tiếp tục sụt giảm mạnh.

Với việc gia tăng đà sụt giảm so với tháng liền trước, có thể coi thị trường ôtô trong nước tháng 2/2011 đã bắt đầu chính thức “đổ đèo”.

Bước sang năm 2011, chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng hơn 28%, trong đó ngũ cốc tăng tới 44%. Lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực mới đã hiện diện. Đối với một nước xuất khẩu nông sản như Việt Nam thì đâu là cơ hội và đâu là thách thức?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục