Tăng gấp 7 lần phạt vi phạm về tiền tệ và ngân hàng
- Cập nhật: Thứ năm, 10/3/2011 | 8:15:49 AM
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
|
Trong đó, nâng mức xử phạt tối đa bằng tiền từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng, tăng 714% (trên 7 lần).
Theo NHNN, Nghị định 202/2004/NĐ-CP (Nghị định 202) được Chính phủ ban hành ngày 10/12/2004 đã quy định mức xử phạt tối đa bằng tiền đối với VPHC trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng là 70.000.000 đồng, góp phần tích cực trong việc nâng cao tính tuân thủ các quy định trong hoạt động kinh doanh ngân hàng của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây, số lượng sản phẩm kinh doanh và dịch vụ ngân hàng mới tăng lên nhanh chóng về quy mô và đa dạng về loại hình. Chính phủ và NHNN đã ban hành các văn bản pháp quy để điều chỉnh nhưng việc xử lý vi phạm còn gặp khó khăn do Nghị định hiện hành thiếu nhiều chế tài xử lý vi phạm.
Mặt khác, Nghị định số 202 hiện không còn phù hợp với nhiều quy định mới trong Luật NHNN và Luật các TCTD đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 6/2010, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, năm 2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử phạt VPHC năm 2002, trong đó đã nâng mức xử phạt tối đa bằng tiền trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
Mức phạt tối đa là 500 triệu đồng
Theo dự thảo Nghị định mới do NHNN soạn thảo, mức phạt tối thiểu sẽ được nâng từ 200.000 đồng lên 500.000 đồng, áp dụng với hành vi gửi báo cáo không đúng thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Mức phạt tối đa 500 triệu đồng dự kiến áp dụng với những hành vi vi phạm như: Hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép; hoạt động ngoại hối không có xác nhận đăng ký hoặc không có xác nhận đủ điều kiện theo quy định; vi phạm tỷ lệ đảm bảo an toàn quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 130 Luật các TCTD.
Quy định rõ thẩm quyền xử phạt
Nghị định này cũng quy định rõ về quyền xử phạt. Tại Nghị định 202 có quy định thẩm quyền xử phạt VPHC của Chánh Thanh tra NHNN; Chánh Thanh tra NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Thanh tra viên ngân hàng. Trong đó, Chánh Thanh tra NHNN có thẩm quyền phạt tiền tối đa đến 70 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ 1/8/2009, chức danh và thẩm quyền được thực hiện xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có thay đổi. Trong đó, việc thay đổi chức danh người đứng đầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tại Trung ương và địa phương có liên quan đến các chức danh được quyền ra quyết định xử phạt theo quy định của Pháp lệnh xử lý VPHC.
Do vậy, NHNN đã dự thảo theo hướng quy định rõ: Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN có thẩm quyền phạt tiền đến 500 triệu đồng. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng. Thanh tra viên ngân hàng đang thi hành công vụ có quyền phạt đến 500.000 đồng.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Phát huy những lợi thế có được, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đang phấn đấu hàng năm đưa 75% diện tích lúa chất lượng cao vào sản xuất.
Giá vàng thế giới giảm cùng với thị trường USD tự do ngừng giao dịch đã kéo giá vàng miếng trong nước về mức 3,76 triệu đồng/chỉ phiên sáng 9/3.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 11/NQ - CP của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Sáng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở KH - ĐT về những giải pháp của Yên Bái trong thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.