Doanh nghiệp thời lạm phát: Không thực lực không thể tồn tại
- Cập nhật: Thứ năm, 26/5/2011 | 9:21:31 AM
YBĐT - Với sực nỗ lực của Đảng, Chính phủ và của chính đội ngũ doanh nhân, cuộc khủng hoảng kinh tế rồi sẽ qua, lạm phát rồi sẽ hết. Khi ấy chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển.
Giá vật tư đầu vào tăng cao khiến các cơ sở sản xuất gỗ bóc gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Lạm phát, ai cũng khó khăn nhưng doanh nghiệp sản xuất là khó khăn hơn cả, trong khi giá thành sản phẩm tăng mạnh bởi mọi yếu tố thì thị trường tiêu thụ càng ngày càng bị thu hẹp. Nếu không tính toán kỹ hoặc lỡ không may gặp rủi ro nào đó, một doanh nghiệp có thể đang làm ăn ổn định bỗng dưng … phá sản.
Đầu tiên là yếu tố vốn. Suốt mấy năm qua, nhất là thời gian gần đây không ngày nào là không nghe thấy điệp khúc các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất. Lãi suất huy động tăng, người dân có tiền nhàn rỗi gửi vào đúng là được hưởng lợi, nhưng người vay mà chủ yếu là các doanh nghiệp thì phải è cổ gồng gánh khoản nặng lãi suất ấy.
Ông Nguyễn Văn Thành (vì lý do tế nhị, tên một số nhân vật trong bài viết đã được thay đổi - PV), giám đốc một công ty chế biến chè ở Trấn Yên cho biết: “Vụ chè vừa rồi Công ty tôi cũng sản xuất được hơn nghìn tấn chè đen, tính ra cũng lãi hơn tỷ đồng, nhưng tổng số lãi ngân hàng trong năm mà Công ty phải trả cũng ngót một tỷ. Vất vả cả năm mà lợi nhuận thu về cũng chỉ vượt qua mức “xóa đói, giảm nghèo”…”.
Một cựu giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ: “Lãi suất ngân hàng lên trên 20%, doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp làm nghề chế biến nông - lâm sản mà không có thực lực thì không thể tồn tại nổi đâu”.
Ông giám đốc nói trên nhấn mạnh câu “không có thực lực” để nói đến những doanh nghiệp phần lớn kinh doanh bằng vốn ngân hàng. Rồi phân tích thêm: “Chẳng hạn như, đang làm ăn bỗng gặp thời tiết bất thường, mưa đến mấy tháng không sản xuất được, trong khi mỗi tháng trả lãi mấy chục triệu đồng, trả lương công nhân mấy chục triệu đồng nữa. Khi thời tiết tốt, sản xuất được thì thị trường lại khó khăn, giá bán hạ xuống, không may cộng với khoản thanh toán chậm nữa thì nguy cơ phá sản đã cận kề, mất nhà, mất tài sản thế chấp như không”.
Lãi suất cao muốn vay chưa chắc đã có, muốn vay trung và dài hạn càng khó và để có tiền thanh toán lương cho công nhân hoặc thực hiện đơn hàng đã ký kết, nhiều doanh nghiệp sẵn lòng tìm mọi cách để được vay với lãi suất thỏa thuận, có khi còn phải đi vay lãi ngoài với mức lãi cắt cổ.
Ông Chu Quốc Tuấn - Giám đốc công ty Cổ phần Hưng Thịnh tâm sự: “Các cụ nói câu “chè cháo” thật thâm thúy, bây giờ anh em trong nghề gọi nhau là làm “cháo” rồi ông ạ! Khó khăn lắm, từ giá chè tươi, giá than, giá điện, giá xăng dầu, giá vận tải đến giá nhân công đều tăng rất mạnh, chỉ có giá bán là không tăng hoặc tăng chẳng đáng là bao. Chè cũng như nhiều sản phẩm khác thôi, kinh tế khó khăn, sức mua giảm, làm ăn “mệt” lắm”.
Tuy không phải là doanh nghiệp lớn nhất tỉnh trong lĩnh vực chế biến chè xuất khẩu nhưng ông Tuấn được coi là người có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất và nhất là các mối quan hệ dày đặc trên thị trường tiêu thụ. Có điều kiện như vậy mà còn thấy khó, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp làm chè khác không thể khấm khá hơn. Nghề chè thành nghề “cháo”, anh em làm gỗ thì kêu “cứng”, tất cả đều xuất phát từ yếu tố giá cả vật tư đầu vào, nhất là các vật tư thiết yếu như: xăng, dầu, điện, than, trong khi thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp, sức cạnh tranh ngày càng lớn.
Giá cả biến động khó lường với chiều hướng tăng, lãi suất ngân hàng cao ngút ngất còn tác động mạnh đến hoạt động các nhà thầu xây lắp. Cách đây mấy năm, cai thầu lớn, nhỏ, công ty mạnh, yếu cứ tìm được công trình nào là làm công trình ấy, miễn là kiếm được việc làm. Giờ thì khác hẳn, ngó lên, nhìn xuống xem xét kỹ lưỡng, tiền nong vốn liếng thế nào, dự toán ra sao rồi mới vào cuộc đàm phán.
Cũng chỉ vì giá cả vật tư tăng quá nhanh mà nhiều công trình vừa ký hợp đồng được mấy tháng đã nhìn thấy lỗ. Phần lớn các công trình khác trong hoàn cảnh lãi giả, lỗ thật, nghĩa là hoàn công, bàn giao xong, tính toán thấy có lãi nhưng do chủ đầu tư chậm thanh toán đến cả năm, nhà thầu chấp nhận vay tiền để chi trả vật tư, thuê mướn nhân công… cuối cùng hạch toán lại tiền lãi vay đã “ăn” hết tiền lãi công trình và thế là từ lãi biến thành lỗ! Tình trạng nói trên phổ biến tới mức có người đã nhận xét “Phần lớn các cai thầu đang ở nhờ nhà, đi xe mượn vì sổ đỏ, giấy tờ đăng ký ô tô ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng “đen” đã cầm từ lâu”.
Nhiều doanh nghiệp chế biến nông - lâm sản chịu tác động lớn từ lạm phát.
Trong câu chuyện “Doanh nghiệp thời lạm phát” của chúng tôi với rất nhiều nhà quản lý, nhà doanh nghiệp là lãnh đạo các ngân hàng thương mại… nhận định chung được đưa ra là: Đây chắc chắn sẽ là một cuộc thanh lọc lớn và mạnh.
Những doanh nghiệp sống bằng vốn ngân hàng, không tổ chức sản xuất tốt, sản phẩm không thương hiệu… sẽ phải đóng cửa để nhường đường cho những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự. Đó cũng là quy luật nghiệt ngã nhưng tất yếu của thị trường”. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở mà doanh nghiệp T ở thành phố Yên Bái là một thí dụ.
Chập chững bước vào nghề chế biến gỗ đã mạnh tay đầu tư xây dựng dự án lớn với dây chuyền hiện đại, chế biến sâu bằng khoản vay ngân hàng mấy chục tỷ. Trong số ấy tiền đầu tư cho san tạo mặt bằng, xây dựng nhà xưởng đã chiếm một khoản lớn.
Trường hợp công ty P ở Yên Bình vay mấy chục tỷ, xây nhà xưởng lớn, mua máy móc hiện đại. Hôm nay, hai doanh nghiệp nói trên một đã đóng cửa, công ty còn lại cũng rất khó khăn, ngân hàng xếp vào loại nợ xấu… Nhiều giám đốc doanh nghiệp ít lăn lộn ở công trường, nhà xưởng trong khi kinh nghiệm quản lý, trình độ sản xuất còn có hạn, đặc biệt không ít người có tâm lý cứ vay tiền được về nhà là vui rồi, tiêu tiền vay ngân hàng cứ như… tiền nhặt được. Tư duy kinh tế như vậy, cách làm ăn như thế thì lãi suất ngân hàng có hạ, giá cả vật từ đầu vào có xuống thì doanh nghiệp cũng chỉ như những cây tầm gửi.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại và phát triển, tài chính, tín dụng ổn định, lao động có việc làm và thu nhập khá, nghĩa vụ thuế hoàn thành vượt mức kế hoạch…
Đó là những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, những doanh nhân chuyên tâm với nghề, biết làm việc trước, hưởng thụ sau, biết vượt qua thác ghềnh trong giai đoạn khốn khó như: tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cả trong nước và quốc tế.
Với sực nỗ lực của Đảng, Chính phủ và của chính đội ngũ doanh nhân, cuộc khủng hoảng kinh tế rồi sẽ qua, lạm phát rồi sẽ hết. Khi ấy chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển. “Sau cơn mưa, trời sẽ sáng” đó không chỉ là niềm tin mà còn là quy luật.
Lê Phiên
Các tin khác
Tài sản đất đai, tiền mặt và ngoại tệ, vàng và các khoản đầu tư tài chính cho đến nguyên vật liệu, công cụ… của các doanh nghiệp thí điểm thuộc diện kiểm kê và đánh giá lại từ ngày 1/7/2011.
Tổng cục Hải quan vừa bổ sung vào danh mục quản lý rủi ro về giá để siết nhập khẩu đối với 7 nhóm mặt hàng bên cạnh ôtô, xe máy, điện thoại di động và rượu ngoại...
Sáng 25/5, giá vàng trong nước tăng 4.000-5.000 đồng, lên mức 3,758 triệu đồng/chỉ nhờ sự đi lên của giá kim loại quý trên thị trường thế giới. Trong khi đó đồng USD tiếp tục giảm giá, xuống mức 20.680 VND mỗi USD.