Xây dựng mô hình trình diễn nông - lâm nghiệp: Cần có các giải pháp đồng bộ
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2011 | 10:12:36 AM
YBĐT - Là tỉnh miền núi nhưng những năm gần đây sản xuất nông - lâm nghiệp Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
|
Việc xây dựng các mô hình là tốt, nhưng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh phát triển tràn lan quá, hầu như ngành nào cũng xây dựng mô hình từ Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, phụ nữ , Hội Cựu chiến binh đến huyện, xã, thậm chí có cả thôn, bản cũng xây dựng mô hình dẫn đến “loạn” mô hình khiến người dân không biết theo đằng nào.
Là tỉnh miền núi nhưng những năm gần đây sản xuất nông - lâm nghiệp Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng ngàn tấn lương thực đến nay đã bảo đảm an ninh lương thực, nhiều vùng đã đi vào sản xuất chuyên canh theo hướng hàng thị trường như vùng lúa chất lượng cao, vùng chè, vùng sắn và cây ăn quả, vùng sản xuất lâm nghiệp đáp ứng cho chế biến…
Có được kết quả đó là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh, ngành Nông nghiệp, các huyện thị, địa phương và sự nỗ lực của hàng vạn hộ bà con nông dân trong tỉnh. Bên cạnh đó có sự đóng góp không nhỏ từ việc xây dựng các mô hình trình diễn về cây trồng, vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Bình quân mỗi năm các ngành, các địa phương tổ chức xây dựng trên 50 mô hình trình diễn, ứng dụng trong sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản với nguồn kinh phí lên tới hàng tỷ đồng.
Thông qua các mô hình trình diễn đã có tác động chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và trở thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh, của các địa phương và có hệ số nhân rộng cao. Tiêu biểu là từ mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ban đầu, đến nay đã nhân rộng ra khắp các cánh đồng từ vùng thấp đến vùng cao, với tổng diện tích gieo trồng hàng năm lên trên 5 ngàn ha. Mô hình trồng ngô giống mới chất lượng cao, mật độ dày hay mô hình cơ giới hóa vào làm đất, mạ ném, lúa gieo thẳng...
Nông dân bản Pá Khoang, xã Túc Đán (Trạm Tấu) chuẩn bị giống cho vụ sắn mới. (Ảnh: Pa Ri)
Đặc biệt là từ mô hình sản xuất lúa xuân đầu tiên trên chân ruộng một vụ từ năm 2000 - 2001 tại Tà Ghênh, xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu đến nay đã nhân rộng ở khắp các xã vùng cao, tăng từ 15 ngàn ha lên 17 ngàn ha vào năm 2010. Trong sản xuất lâm nghiệp có mô hình trồng măng tre Bát độ, trồng keo tai tượng giống nhập nội đã nhân rộng khắp trên các địa phương đưa diện tích măng tre Bát độ, keo nhập nội lên hàng chục ngàn ha.
Trong chăn nuôi thủy sản có mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc quy mô hộ gia đình, chăn nuôi gà sinh học, cải tạo đàn bò… cũng rất hiệu quả. Trong sản xuất cây công nghiệp tiêu biểu là từ mô hình 20 ha sắn cao sản tại huyện Văn Yên năm 2000, nay nhân rộng lên được 8 ngàn ha, riêng Văn Yên đã có 6 ngàn ha. Cây sắn không chỉ đáp ứng cho chế biến mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp nông thôn.
Việc xây dựng mô hình trình diễn, khảo nghiệm là rất tốt, nhưng trong thời gian qua đã xuất hiện việc xây dựng các mô hình mang tính chất quảng bá và thương mại. Có khá nhiều mô hình có tính thiết thực và rất hiệu quả nhưng không thể nhân rộng bởi thiếu kinh phí, thiếu tổ chức và thiếu việc tuyên truyền nhân rộng. Chẳng hạn như thông qua các mô hình trình diễn về các giống lúa chất lượng cao như: Chiêm hương, LT2, HT1… qua đó cho hiệu quả cao và được triển khai nhân rộng từ năm 2001. Thế nhưng đến nay đã 10 năm có lẻ, theo số liệu báo cáo của các địa phương mới nhân rộng được 4 ngàn ha, còn thực tế chưa chắc đã đạt. Nông dân bản Pá Khoang, xã Túc Đán (Trạm Tấu) chuẩn bị giống cho vụ sắn mới. |
Chỉ tính riêng ngành Nông nghiệp trong vòng 10 năm qua đã có trên 450 mô hình với hàng ngàn điểm trình diễn tại các địa phương từ vùng thấp đến vùng cao. Từ mô hình các giống lúa, ngô, lạc, đậu tương đén chăn nuôi, thủy sản, cây trồng vụ đông… hễ ngành nào, đơn vị nào có tiền và được tài trợ là xây dựng mô hình. Ngành Nông nghiệp xác định chương trình sản xuất lúa chất lượng cao làm hàng hóa là chương trình kinh tế trọng tâm, nhưng cho đến nay vẫn không thể thực sự trở thành hàng hóa lớn được.
Tính hiệu quả của sản xuất lúa chất lượng cao làm hàng hóa là rất rõ rệt, cao gấp 1,5-2 lần so với sản xuất lúa lai và huyện nào, xã nào cũng ra Nghị quyết, chương trình sản xuất thế nhưng lại không tạo được khối lượng hàng hoá lớn. Nguyên nhân là chúng ta chưa có cơ chế, chính sách và quy hoạch cụ thể mà mới chỉ hô hào làm chung chung, nhỏ lẻ ở cấp hộ và thôn, bản mà thôi.
Muốn làm được việc đó đòi hỏi phải có cơ chế hỗ trợ cho nông dân về giống, phân bón và quy hoạch thành vùng chuyên canh, đồng thời có chính sách hỗ trợ cả công tác thu hoạch và sau thu hoạch tạo vòng liên hoàn. Không chỉ cây lúa mà ngay cả cây chè hay vùng cây ăn quả đã hình thành nhưng chưa phát huy được hiệu quả cũng cùng chung các nguyên nhân đã nêu.
Trên 12 ngàn ha chè, nhiều hộ gia đình ở Minh Bảo (thành phố Yên Bái), thị trấn nông trường Trần Phú, Liên Sơn (huyện Văn Chấn) hay xã Việt Cường, Đào Thịnh (huyện Trấn Yên) đã xây dựng mô hình chè sạch, chè an toàn nhưng mới chỉ ở mô hình chứ không thể nhân rộng bởi cơ chế. Cơ chế ở chỗ có làm chè sạch, chè an toàn, chè hữu cơ thì chỉ gia đình dùng và tự sản, tự tiêu chứ có doanh nghiệp, công ty nào thu mua đâu, đồng thời giá bán bằng, thậm chí còn thấp hơn cả chè không an toàn.
Vùng tre măng Bát độ huyện Trấn Yên là minh chứng rõ nhất của thành công từ mô hình trình diễn ban đầu đến nay phát triển rộng khắp, người Dao, người Tày, người Mông, người Kinh xã Kiên Thành, Tân Đồng, Đào Thịnh, Y Can… đua nhau lên đồi, thậm chí chặt cả keo, bồ đề để trồng tre măng Bát độ và nay đã là loại cây chủ lực xóa đói nghèo làm giàu cho nông dân Trấn Yên. Riêng xã Kiên Thành trong năm 2010 vừa qua đã thu về trên 5 tỷ đồng từ tiền bán măng và chỉ một hai năm nữa con số sẽ là 7-10 tỷ đồng.
Sự thành công ấy là có sự phối hợp hiệu quả của 4 nhà, nhất là doanh nghiệp Vạn Đạt đã cung ứng giống và ký kết bao tiêu sản phẩm ổn định lâu dài với người dân và có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở.
Để việc xây dựng các mô hình hiệu quả đúng ý nghĩa của nó, tỉnh cần có những quy định cụ thể, ngành nào, cấp nào, địa phương nào mới được xây dựng mô hình. Việc xây dựng mô hình trình diễn cũng cần có lựa chọn xem cây gì, con gì có tính khả thi cao mới cho xây dựng, chứ không nên làm như thời gian qua sẽ dẫn đến loạn mô hình, “Một cây thì sống đống cây thì chết”.
Qua xây dựng mô hình, khảo nghiệm thấy hiệu quả, thích ứng cao cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển nhân rộng. Nếu không nó chỉ hiệu quả và dừng lại ở mô hình chứ không thể nhân ra diện rộng được.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Nhiều năm qua, nhờ huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển nên mạng lưới giao thông ở huyện Lục Yên (Yên Bái) ngày một hoàn thiện.
YBĐT - Chiều 26/5, Sở Tài chính tổ chức Hội nghị thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2011.
YBĐT - Ngày 26/5, Ngân hàng Nhà nước – Hội Nông dân – Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái tổ chức Triển khai chương trình phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ.
YBĐT - Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường khu vực nông nghiệp - nông thôn thị xã Nghĩa Lộ giai đoạn 2009-2010 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.