Cần đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng cầu vượt lũ Ngòi Phà

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2011 | 2:17:22 PM

YBĐT - Để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi và tránh lũ, đầu năm 2008, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình cầu vượt lũ Ngòi Phà hay còn gọi là cầu Ba Khe.

Đã hơn 5 năm trôi qua nhưng đối với những người dân Yên Bái nói chung và người dân Ba Khe, xã Cát Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) nói riêng đến nay vẫn chưa thể quên được trận lũ quét cuối tháng 9/2005 đã cướp đi 50 sinh mạng con người.

Để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi và tránh lũ, đầu năm 2008, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình cầu vượt lũ Ngòi Phà  hay còn gọi là cầu Ba Khe. Qua 15 tháng khởi công xây dựng, phần cầu chính đã làm xong nhưng hai đường dẫn vào cầu vẫn không thể thi công được, trong khi mùa mưa lũ năm 2011 lại sắp về.

Cầu Ngòi Phà, thuộc lý trình Km 170+193,26m, thuộc dự án xây dựng điều chỉnh, bổ sung công trình: Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn Nghĩa Lộ - Vách Kim, tỉnh Yên Bái được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư với số vốn trên 14 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Ngay sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư là Sở GTVT Yên Bái đã tiến hành các thủ tục thực hiện dự án, phần khảo sát thiết kế là Công ty Tư vấn và Khảo sát thiết kế xây dựng - Bộ Quốc phòng; Công ty cổ phần Đạt Phương trúng thầu thi công trong thời gian 15 tháng. Cầu được thiết kế xây dựng với quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, tải trọng thiết kế H30-XB80, người đi 300kg/m2.

 Sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết trong xây dựng cơ bản, ngày 16/7/2008 công trình đã được khởi công xây dựng trong niềm hân hoan phấn khởi của người dân nơi đây. Vượt qua những khó khăn của lạm phát kinh tế toàn cầu và chính sách thắt chặt tiền tệ của ngành ngân hàng, Công ty Đạt Phương đã nỗ lực thi công, chưa đầy 1 năm phần cầu chính đã được xây dựng xong.

Thế nhưng những hạng mục khác vẫn chưa được khởi công, nhất là đường dẫn vào hai đầu cầu chỉ với lý do chủ đầu tư là Sở GTVT và huyện Văn Chấn chưa thực hiện giải phóng được mặt bằng. Một lý do nữa, theo thiết kế ban đầu hai đường dẫn vào cầu được đắp đất nên số hộ phải đền bù giải phóng mặt bằng và di dời để xây dựng công trình là 95 hộ dân. Đây là những hộ chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ, buôn bán lâu năm nếu phải di dời thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng với nguyện vọng của người dân, UBND huyện Văn Chấn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Bộ GTVT điều chỉnh thiết kế đắp nền đường hai đầu cầu, mái ta luy đắp độ dốc 1/1,5 sang xây dựng kè chắn đất. Qua xem xét UBND tỉnh, Bộ GTVT đồng ý cho thay đổi thiết kế từ đắp đường dẫn sang kè chắn. Nhưng khi thay đổi thiết kế được chấp thuận, người dân nơi đây và UBND huyện Văn Chấn lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Bộ GTVT giữ nguyên thiết kế ban đầu là đắp nền đường hai đầu cầu. Một lần nữa chiều theo nguyện vọng người dân UBND tỉnh, Bộ GTVT lại chấp thuận theo phương án cũ.

Mặc dù Ban giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư và Ban giải phóng mặt bằng của huyện đã họp với các hộ dân thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng để đối thoại và giải thích trực tiếp với các hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Phần cầu chính đã thi công xong cả năm nay nằm trơ trọi giữa suối và đang bạc mầu cùng thời gian, trong khi đường dẫn vào cầu vẫn chưa ra được quyết định thu hồi đất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì 18 hộ dân thuộc thị trấn Nông trường Trần Phú đã đồng ý giao đất cho nhà đầu tư thi công nhưng bên phía xã Cát Thịnh cơ bản các hộ dân đồng ý chỉ còn một, hai hộ là vẫn chưa đồng ý thực hiện và tạo kiện để chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục theo trình tự và áp giá đền bù. Những thắc mắc của các hộ dân cần được chủ đầu tư, ban giải phóng mặt bằng và huyện Văn Chấn, xã Cát Thịnh có trách nhiệm giải thích hướng dẫn họ thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật.

Huyện cần có cách làm thống nhất đúng pháp luật và quyết liệt chứ không vì một hai hộ dân mà làm chậm tiến độ thi công công trình. Công trình xây dựng cầu Ngòi Phà không chỉ là công trình thuộc nhóm A (phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, công cộng mà còn là công trình vượt lũ đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân quanh cầu và các hộ dân sống ven suối Phà) do vậy Nhà nước áp dụng việc thu hồi đất và thực hiện giá đất đền bù do UBND tỉnh quyết định chứ không có mặc cả bởi đây không phải dự án thuộc khung thoả thuận.

Thiết nghĩ, các hộ dân nằm trong diện tích đất thu hồi xây dựng công trình cần có trách nhiệm và hợp tác với Ban giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư để nhanh chóng bàn giao mặt bằng xây dựng hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Mùa mưa lũ sắp về, tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân chỉ được an toàn khi cầu Ngòi Phà hoàn thành. Hơn ai hết, mỗi người dân hãy cùng chung tay góp sức với Nhà nước để xây dựng và sớm đưa công trình vào sử dụng có hiệu quả.

 Ngọc Nghiên

Các tin khác
Giá gas giảm, người tiêu dùng sẽ bớt khó khăn hơn (ảnh minh họa).

Từ 1/6 các công ty kinh doanh gas tại khu vực TP.HCM như Vinagas, Saigon Petro, gas Petrolimex Saigon, MT gas... đều đồng loạt hạ giá bán từ 15.000 - 18.000 đồng/bình 12kg.

150 triệu USD được sử dụng vào việc xử lý chất thải bệnh viện.

Ngày 31/5, WB và NHNN ký Hiệp định tài trợ và các văn kiện pháp lý cho 5 dự án liên quan đến các lĩnh vực: dịch vụ y tế, giao thông, môi trường, xóa đói giảm nghèo, năng lượng.

Khách quốc tế đến Việt Nam phần lớn là đi du lịch, nghỉ dưỡng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2011, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2,5 triệu lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt 47% so với kế hoạch năm 2011.

Nông dân xã Đại Đồng (Yên Bình) chăm sóc vườn ươm cây giống.
(ẢNh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Trải qua gần 10 năm thực hiện, mô hình này đã và đang thể hiện được sự hiệu quả và hướng đi đúng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục