Mô hình trồng rừng tập thể ở Nghĩa An
- Cập nhật: Thứ ba, 31/5/2011 | 3:05:07 PM
YBĐT - Trải qua gần 10 năm thực hiện, mô hình này đã và đang thể hiện được sự hiệu quả và hướng đi đúng.
Nông dân xã Đại Đồng (Yên Bình) chăm sóc vườn ươm cây giống.
(ẢNh: Quỳnh Nga)
|
Với mục đích giúp mọi người dân đều có rừng, được hưởng lợi ích từ rừng, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã xây dựng mô hình trồng rừng tập thể.
Câu chuyện về mô hình trồng rừng tập thể ở xã Nghĩa An bắt đầu từ những năm 2000, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân để phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Ông Lường Lãng-Bí thư Đảng ủy xã nhớ lại: “Khi đó toàn xã có tới 1.115 ha đất trống đồi núi trọc. Làm thế nào để Nghĩa An phủ xanh đất trống, phát huy lợi thế kinh tế rừng là bài toán khó với chúng tôi thời điểm đó”.
Năm 2000, xã ra nghị quyết về trồng rừng, đồng thời triển khai giao đất, giao rừng cho các hộ dân. Tuy nhiên, sau một năm triển khai, đã xuất hiện nhiều bất cập, đó là diện tích rừng được phân bổ đến từng hộ dân không đồng đều, người được ít, người được nhiều, thậm chí có trường hợp không có đất.
Nhiều nơi lại xảy ra tình trạng người dân trộm phá cây trồng của nhau. Được biết, thời điểm đó xã phân bổ hơn 300 ha rừng đến các hộ dân nhưng sau khi tổng kết thì có tới 30% hộ dân không có đất. Câu hỏi "Làm thế nào để mọi người dân đều có đất? Làm thế nào để người dân hưởng lợi từ rừng?" cứ day dứt trong suy nghĩ của những người lãnh đạo nơi đây, để rồi năm 2001 mô hình trồng rừng tập thể bắt đầu được thai nghén.
Trải qua gần 10 năm thực hiện, đến nay đã có gần 600 ha (trong đó có hơn 300 ha thuộc mô hình trồng rừng cá nhân, còn lại là mô hình trồng rừng tập thể) rừng được phủ xanh. Dẫn chúng tôi đi thăm đồi keo hơn 5 năm tuổi tại thôn Đêu 2, ông Lãng tự hào: "Trong tổng số 240 nhà dột nát vừa hoàn thành trong thời gian qua, nguyên liệu chủ yếu là từ những đồi rừng tập thể này đấy". Cũng theo ông Lãng, thành công lớn nhất của mô hình trồng rừng tập thể đó là mọi người dân đều có rừng, đều được hưởng thành quả, lợi ích từ rừng.
Theo đó, mỗi diện từng rừng đến chu kỳ khai thác sẽ được chia bình quân cho 560 hộ dân tham gia mô hình trồng rừng tập thể. Năm 2009 vừa qua, Nghĩa An đã cho khai thác 100 ha rừng, trong đó có 20ha là rừng tập thể. Chị Lò Thị Lanh, thôn Đêu 2 vui mừng nói: “Giờ đây, người dân chúng tôi ai cũng có rừng, vừa không phải bỏ vốn đầu tư mà lại đảm bảo sự công bằng”.
Khi được hỏi bí quyết gì giúp Nghĩa An xây dựng thành công mô hình trồng rừng tập thể và vận hành nó một cách trơn tru như ngày nay, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Đảng phải mạnh, chính quyền phải vững chắc thì việc gì cũng thành công”.
Được biết, loại hình sản xuất tập thể luôn mang lại hiệu quả thiết thực nhưng để làm được thì không phải ở đâu, nơi nào cũng đủ quyết tâm thực hiện. Bởi khi thực hiện sẽ nảy sinh hàng loạt vấn để phức tạp như: sự công bằng trong đóng góp ngày công lao động và phân chia sản phẩm, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa cá nhân và tập thể...
Để giải quyết những mâu thuẫn trên, Nghĩa An đã thành lập Ban Chỉ đạo, đồng thời ra nghị quyết về trồng rừng và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Theo đó, hàng năm xã phấn đấu trồng mới 30 ha rừng. Diện tích này được phân lô, chia vùng và giao cụ thể cho từng thôn, bản.
Sau đó các thôn, bản sẽ huy động nhân lực đào hào, xả taluy và tiến hành trồng, chăm sóc cây trên địa phận đã phân ranh giới của thôn mình. Ông Lãng cho biết: "Mỗi cánh rừng ở Nghĩa An phải đảm bảo đủ các tiêu chí: trên là rừng, dưới là thảm cỏ và trên thảm cỏ có trâu, bò".
Được biết hiện nay ở Nghĩa An có gần 800 con gia súc, trong khi đó bãi chăn thả lại không có, chủ yếu kết hợp chăn thả trên đồi, tuy nhiên trong 3 năm đầu khi cây mới trồng thì không được chăn thả, vì thế giải pháp xả taluy được coi là hữu hiệu nhất vừa là để ngăn chặn trâu, bò lên rừng, đồng thời tạo thuận lợi cho việc khai thác sau này.
Để đảm bảo công bằng cho người dân tại mỗi thôn, bản sẽ thành lập các tổ phụ trách, Bí thư chi bộ sẽ là người trực tiếp chỉ đạo người dân thực hiện. Người lao động sẽ được theo dõi, chấm công hàng ngày, ai không đủ công thì nộp (30 nghìn đồng/công) vào quỹ chung của thôn.
Bên cạnh đó, xã cũng thành lập 7 tổ quản lý, bảo vệ rừng, mỗi tổ 3-4 thành viên tổ chức tuần tra luân phiên 1 buổi/ngày (ngoài giờ hành chính). Với những đối tượng trộm cắp, khi phát hiện sẽ có các biện pháp xử lý (trộm 1 cây phạt 10 cây) đồng thời thông báo rộng rãi để răn đe.
Giúp mọi người dân có rừng, hưởng lợi từ rừng, mô hình trồng rừng tập thể ở Nghĩa An đã và đang thể hiện được sự ưu việt và đúng hướng của nó. Đây thực sự là một mô hình kinh tế phát triển cần được nhân rộng cho các xã vùng cao trong tỉnh.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất của một số giống lạc mới như L14, L23, TB-25 trên cơ sở áp dụng các tiến bộ kỹ thuật ở vụ thu đông 2010 để từ đó tìm ra biện pháp kỹ thuật có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện canh tác của người dân ở huyện Lục Yên.
YBĐT - Từ nguồn vốn thuộc Dự án của Sở Khoa học - Công nghệ, vừa qua Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu đã cấp cho 5 hộ gia đình ở thị trấn Trạm Tấu 60 đàn ong tổng trị giá hơn 36 triệu đồng.
Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) vừa có văn bản đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng thép và xi măng, gỗ. Hiện đã có hàng loạt mặt hàng đang nằm trong diện tăng thuế.
Sáng 31/5, giá vàng trong nước tăng vọt lên 37,82 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng so với sáng 30/5.