An Bình: Nỗ lực phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2011 | 2:18:51 PM
YBĐT - Những năm trở lại đây, nhờ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, xã An Bình (Văn Yên) đã có những chuyển biến tích cực.
Mô hình nuôi lợn siêu nạc của ông Lê Cao Vy, thôn 5, xã An Bình.
|
Bên cạnh số hộ nghèo ngày một giảm, thu nhập bình quân ngày một tăng, ở An Bình đã xuất hiện những mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi hàng hóa góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Nằm ở phía bắc huyện Văn Yên với 4.384 nhân khẩu, phân bố rộng khắp trên 3.618,6 ha, lại có vị trí thuận lợi cho việc thông thương trên cả 3 tuyến đường bộ, đường sông và đường sắt, là điều kiện để An Bình phát triển kinh tế. Đặc biệt là năm 2010, khi cầu Trái Hút được hoàn thành và đưa vào sử dụng, An Bình càng có nhiều cơ hội phát triển thêm các ngành nghề dịch vụ và thương mại.
Năm 2010 là năm sản xuất nông - lâm - nghiệp tại nhiều địa phương phải đối mặt với khó khăn khi mà thời tiết, khí hậu luôn diễn biến bất thường, hanh khô kéo dài ở đầu vụ, mưa bão gây ngập úng, sạt lở ở cuối vụ đông xuân, kéo theo hệ thống kênh mương bị hư hỏng và vùi lấp; giá cả các mặt hàng tiêu dùng, vật tư phân bón, giống lúa, ngô thuốc bảo vệ thực vật ngày càng cao cũng làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân... nhưng An Bình đã biết khắc phục khó khăn và có nhiều nỗ lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế.
Mức tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 12,5%/ năm, tổng sản lượng lương thực 1.615 tấn (đạt 100% kế hoạch, tăng 4,7% so với cùng kỳ), bình quân lương thực đầu người đạt 365 kg/năm. Tổng thu nhập toàn xã đạt 48,3 tỷ đồng (tăng 12,3% so với cùng kỳ), bình quân thu nhập đầu người cũng được nâng lên 11 triệu đồng/năm.
Ông Lê Cao Tấn - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Kết quả trên chính là sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể, các chi bộ, thôn bản và nhân dân trong toàn xã”. Bước sang năm 2011, An Bình đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 14% trở lên, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân lên 13 triệu đồng/người/năm…
Theo lãnh đạo xã, để đạt mục tiêu trên cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH - HĐH; tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhân dân để áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Cụ thể, trong số 102 ha lúa nước sẽ phấn đấu có 30ha có thu nhập 80 triệu đồng trở lên. Muốn vậy, ngoài việc tăng dần các giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao thì việc đưa vào các loại ngô, rau màu cũng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Chăn nuôi từ lâu cũng được coi là hướng giúp dân thoát nghèo ở An Bình. Hiện nay, An Bình có 4 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như mô hình nuôi lợn siêu nạc của gia đình ông Lê Cao Vy, thôn 5.
Với cách làm và bước đi đúng hướng nên trong cơn bão dịch bệnh và sự leo thang của giá thức ăn, ông Vy vẫn thu hàng chục triệu đồng từ mỗi lứa lợn xuất chuồng. Ngoài ra, xã đang xây dựng thêm các mô hình chăn nuôi thuỷ sản, gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá nhằm phục vụ nhu cầu trên địa bàn, khu vực lân cận và nâng cao thu nhập cho người dân. Đất nông nghiệp ít nên trồng rừng trở thành thế mạnh chính của An Bình.
Trung bình mỗi năm An Bình trồng mới gần 100 ha rừng, nguồn thu từ rừng không chỉ giúp dân thoát nghèo mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Được biết, hiện nay ở An Bình có đến 20 mô hình kinh tế trang trại trồng rừng với quy mô từ 7-20 ha. Trong đó tiêu biểu như các hộ: ông Đinh Văn Cường, thôn 4 có 30ha; ông Triệu Văn Cần, thôn 5 có 20ha bồ đề và 10 ha quế; Trần Văn Hưởng, thôn Cầu Cao 20 ha...
Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình trên, để kinh tế đồi rừng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao cần xử lý dứt điểm việc lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, làm tốt công công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đẩy mạnh công tác khoanh nuôi tái sinh trồng rừng, bảo vệ rừng nhất là rừng đầu nguồn. Ngoài ra, để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào địa phương, An Bình đang thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách ưu đãi; tuyên truyền vận động nhân dân phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, tiến hành liên doanh liên kết đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nhằm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thâm canh, đến việc xây dựng các mô hình chăn nuôi hàng hóa, An Bình đang nỗ lực thực hiện các giải pháp kinh tế nhằm góp phần nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân.
Cường Hùng
Các tin khác
YBĐT - Để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi và tránh lũ, đầu năm 2008, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình cầu vượt lũ Ngòi Phà hay còn gọi là cầu Ba Khe.
Từ 1/6 các công ty kinh doanh gas tại khu vực TP.HCM như Vinagas, Saigon Petro, gas Petrolimex Saigon, MT gas... đều đồng loạt hạ giá bán từ 15.000 - 18.000 đồng/bình 12kg.
Ngày 31/5, WB và NHNN ký Hiệp định tài trợ và các văn kiện pháp lý cho 5 dự án liên quan đến các lĩnh vực: dịch vụ y tế, giao thông, môi trường, xóa đói giảm nghèo, năng lượng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2011, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2,5 triệu lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt 47% so với kế hoạch năm 2011.