Phát triển tràn lan các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng: Nhiều nỗi lo!
- Cập nhật: Thứ năm, 9/6/2011 | 2:52:09 PM
YBĐT - Trong một hai năm trở lại đây, khắp các địa phương trong tỉnh Yên Bái, từ vùng thấp đến vùng cao, đâu đâu cũng thấy mọc lên các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, nhất là các xưởng ván bóc.
Sản xuất chế biến gỗ ván bóc với tốc độ như hiện nay chỉ một hai năm nữa Yên Bái sẽ không còn gỗ cho chế biến chất lượng cao.
|
Đến nay vẫn chưa có một số liệu thống kê chính xác, nhưng có lẽ toàn tỉnh có không dưới 500 cơ sở chế biến ván bóc. Việc hình thành và phát triển các cơ sở ván bóc là tốt, nó không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà còn nâng cao giá trị kinh tế từ gỗ rừng trồng. Tuy nhiên, việc phát triển các cơ sở chế biến này tràn lan, không có quy hoạch như hiện nay là rất đáng lo ngại.
Yên Bái là một tỉnh miền núi có 80% dân số sống ở các vùng nông thôn, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp là chính. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ quản lý và làm chủ, cùng với tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp thì người dân ngày càng tâm huyết với rừng. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm nông dân trong tỉnh trồng mới từ 10 - 15 ngàn ha rừng, trong đó có 7 - 9 ngàn ha rừng kinh tế.
Bằng những nỗ lực đó, hiện toàn tỉnh có gần 200 ngàn ha rừng kinh tế, mỗi năm khai thác 200 ngàn m3 gỗ rừng trồng và hàng trăm ngàn tấn tre, vầu, nứa. Phát triển nghề rừng đã góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Nhờ rừng mà nhiều làng quê trở nên giàu có hơn; nhiều hộ gia đình có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ rừng.
Nói như vậy không phải người làm rừng lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Những năm trước đây, thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng liên tục gặp khó khăn, nguồn bán chủ yếu là Nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ) và một vài cơ sở chế biến trong tỉnh.
Nguồn cung nhiều nhưng lại ít cơ sở chế biến, dẫn đến người trồng rừng không được quyền định giá bán sản phẩm của mình, không những vậy, họ thường xuyên bị ép cấp, ép giá, nhiều lúc gỗ bán rẻ như cho, không đủ tiền thuê khai thác. Sau thời khủng hoảng đó, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng. Thế là một loạt nhà máy chế biến gỗ rừng trồng được đầu tư xây dựng, giá thu mua bắt đầu được nâng lên, cuộc sống người làm rừng khấm khá hơn.
Nhưng để hiệu quả hơn, kinh tế hơn và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động, đặc biệt là thị trường ván bóc khá sôi động, thế là các hộ, nhóm hộ gia đình đứng ra đầu tư vài chục triệu đồng mở xưởng ván bóc.
Năm 2007 - 2008, toàn tỉnh chỉ có vài ba cơ sở. Thế nhưng từ đầu năm 2009, các cơ sở sản xuất ván bóc mọc lên như nấm sau mưa, từ vùng thấp đến vùng cao, từ nông thôn đến thành thị. Có xã diện tích rừng trồng tổng cộng chưa đầy ngàn ha nhưng có tới trên chục cơ sở ván bóc. Bình quân mỗi cơ sở ván bóc ở các vùng quê có vốn đầu tư máy móc chưa đến trăm triệu đồng, nhưng hiệu quả mang lại khá cao, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.
Anh Kiên - một chủ cơ sở ván bóc cho biết: “Bình quân mỗi ngày xưởng thu mua sản xuất trên dưới chục mét khối gỗ. Thời gian trước, việc thu mua nguyên liệu cho chế biến rất sẵn, nhưng thời gian gần đây, có nhiều cơ sở sản xuất quá nên nguyên liệu rất khan hiếm và giá cũng tăng cao, bình quân khoảng 700 ngàn đồng/m3. Giá nguyên liệu cao đã đành, nhưng chất lượng gỗ ngày một xấu đi, gỗ nhỏ cho vào bóc rất hao, lờ lãi chẳng đáng gì, lấy công làm lãi là chính”.
Phát triển nhiều các xưởng ván bóc, người trồng rừng không còn phải lo đầu ra mỗi khi có diện tích rừng đến kỳ khai thác và cũng không còn cảnh bị ép cấp, ép giá nữa mà các xưởng gỗ vào tận rừng để mua, thậm chí còn đặt tiền trước cả vài ba tháng.
Những đóng góp tích cực từ các cơ sở ván bóc là rất rõ, không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, việc phát triển tràn lan như hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Với các cơ sở ván bóc hiện có và số nhà máy chế biến gỗ đã đầu tư xây dựng trên địa bàn thì mỗi năm cũng ngốn trên dưới 300 ngàn m3 gỗ các loại và như vậy đã vượt quá khả năng cung cấp vùng nguyên liệu.
Nguyên liệu thiếu dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán gây xáo trộn thị trường. Để có nguyên liệu cho sản xuất, các cơ sở chế biến buộc phải nâng giá thu mua, khiến cho người dân đua nhau khai thác gỗ để bán, dẫn đến việc khai thác không đúng chu kỳ, năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái.
Nhiều người cho rằng, với tốc độ phát triển “phi mã” của các xưởng ván bóc như hiện nay, dù mỗi năm tỉnh trồng được 9 - 10 ngàn ha rừng kinh tế thì cũng chỉ một hai năm nữa Yên Bái sẽ không còn gỗ rừng trồng, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này sẽ cạn kiệt. Bên cạnh đó, còn một hệ luỵ nữa là hầu hết các cơ sở ván bóc được đầu tư xây dựng ngay trong các khu dân cư, làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Các hộ dân sống gần xưởng ván bóc hàng ngày phải chịu âm thanh “đinh tai nhức óc”, bụi bặm, mùn cưa, đầu mẩu, ván thừa, ván phế phẩm đắp thành từng đống. Có rất nhiều chủ cơ sở đã giải quyết các “phế phẩm” này bằng cách đốt hoặc vứt ra các bờ sông, bờ suối, gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.
Từ những yếu tố nêu trên, tỉnh, ngành nông nghiệp, công thương và các huyện, thị cần có những rà soát, đánh giá lại và có quy hoạch cụ thể trong việc phát triển các các cơ sở ván bóc này trước khi quá muộn.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Bằng các chương trình hỗ trợ về kiến thức KHKT, vốn, giống, vật tư... góp phần quan trọng cho 31 tổ chức Hội trong toàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) ngày càng phát triển.
Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng thuế xuất khẩu (XK) phôi thép và sản phẩm thép lên mức 3%. Lý do được đưa ra là lợi nhuận mà ngành thép có được là do được hưởng lợi từ giá điện thấp.
Giá vàng trong nước sáng 9-6 tiếp tục quay đầu giảm mạnh, sau khi giá vàng thế giới đêm 8/6 hạ nhiệt.
Chính phủ cần sớm ban hành Lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5 trong phạm vi toàn quốc, đồng thời xem xét lộ trình đưa xăng E10 vào thị trường tiêu thụ.