Chi trả phí dịch vụ môi trường:

Góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/6/2011 | 9:46:11 AM

YBĐT - Tại Yên Bái, theo kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn tỉnh là 478.507 ha. Diện tích đất có rừng là 413.290 ha.

Vận chuyển cây cao su giống đi trồng ở Lâm trường Văn Yên. Ảnh: Văn Thông
Vận chuyển cây cao su giống đi trồng ở Lâm trường Văn Yên. Ảnh: Văn Thông

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường thí điểm tại 2 tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Theo đó, các nhà máy thuỷ điện, nhà máy nước sạch, công ty du lịch… hưởng lợi từ rừng sẽ phải trả chi phí dịch vụ với các mức khác nhau.

Qua hơn 2 năm triển khai thí điểm, các doanh nghiệp đã tham gia thực hiện hiệu quả và đóng góp trên 117 tỷ đồng tiền phí dịch vụ môi trường rừng từ các doanh nghiệp, số tiền này được chuyển vào quỹ và chi trả cho những đơn vị, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Chính sách này đã nhanh chóng tạo được sự đồng thuận và phát huy hiệu quả.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN & PTNT), tại những nơi thực hiện cơ chế này, rừng được bảo vệ rất tốt, số vụ phá rừng giảm 50%, Nhà nước không phải bỏ ngân sách để giữ rừng.

Theo Nghị đinh 99/2010/NĐ-CP, nhóm đối tượng và loại dịch vụ phải trả phí dịch vụ môi trường rừng gồm: các cơ sở sản xuất thuỷ điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, suối về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thuỷ điện; các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải trả phí dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch; các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất; Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả phí bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch.
Ngày 24/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo Nghị định, rừng được chi trả là các khu rừng cung cấp một hay nhiều dịch vụ môi trường rừng gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

Loại dịch vụ môi trường gồm: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho đời sống, sản xuất. Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ cho chủ của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Tại Yên Bái, theo kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn tỉnh là 478.507 ha. Diện tích đất có rừng là 413.290 ha. Trong đó: rừng tự nhiên trên 231.554 ha, rừng trồng 181.736 ha.

Yên Bái còn là lưu vực của 2 con sông lớn là sông Hồng với 3.710 km2, sông Chảy 1.600 km2 và hàng trăm suối nhỏ với tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh đã có 26 công trình thuỷ điện lớn, nhỏ được xây dựng.

Theo tính toán của một cán bộ Chi cục Lâm nghiệp, nếu thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/CP thì chỉ tính riêng nguồn thu từ thuỷ điện hàng năm đã là 30 tỷ đồng. Điểm qua vài con số thống kê như vậy để thấy được một phần tiềm năng về phát triển rừng của Yên Bái.

 

Thực tế, nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, phát triển rừng.Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, phát triển kinh tế rừng ở Yên Bái còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Công tác quản lý và bảo vệ rừng đã được tăng cường, số vụ vi phạm cũng có dấu hiệu giảm qua từng năm nhưng thực chất đó chỉ là giảm cơ học theo diện tích rừng, ý thức tự giác bảo vệ rừng của nhân dân còn nhiều hạn chế. Công tác trồng rừng còn phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách Nhà nước.

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân được nhắc lại nhiều là mức khoán bảo vệ, khoanh nuôi, phát triển rừng còn quá thấp, nên người dân chưa mặn mà. Cùng với đó, rừng mới chỉ được khai thác giá trị một cách trực tiếp đó là khai thác lâm sản. Trong khi đó, các công trình thủy điện, thủy lợi, du lịch, cơ sở khai thác vẫn gián tiếp gây ô nhiễm... trên địa bàn tỉnh hưởng lợi từ rừng mà chưa phải trả bất kỳ một loại phí nào cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Tại buổi Hội thảo do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây ở Yên Bái về "Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng" nhiều ý kiến của những cán bộ lâu năm trong ngành lâm nghiệp khẳng định: Đã đến lúc Nhà nước áp dụng chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, khi có nguồn kinh phí này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trong phát triển, bảo vệ rừng. Trong đó sẽ có một phần về kinh tế, mang lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người chủ rừng và tổ chức, cá nhân đang hưởng lợi một cách gián tiếp từ rừng.

Trả phí dịch vụ môi trường rừng tới đây sẽ được Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai rộng ra các tỉnh khác.

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: “Các ngành chuyên môn sẽ thực hiện rà soát lại các loại rừng trên địa bàn tỉnh và cùng với các ngành đánh giá dịch vụ mà các khu rừng đó mang lại, tổ chức xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện nghị định của Chính phủ..., dự kiến đến năm 2012 sẽ bắt đầu triển khai thực hiện”.

Trả phí dịch vụ môi trường rừng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm với các doanh nghiệp hưởng lợi từ rừng cho những đơn vị, cá nhân đang trực tiếp tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Anh Dũng

Các tin khác

Tại Hội nghị quốc tế về điện năng Việt Nam lần II diễn ra sáng 22/6,đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ xây dựng thêm 95 nhà máy điện.

Cô gái Mông với cây chè shan tuyết Suối Giàng. (Ảnh: Internet)

YBĐT - Chè Shan tuyết Suối Giàng là một đặc sản không chỉ được biết ở Việt Nam mà còn được biết đến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Suối Giàng (Yên Bái) hiện là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

Vàng thế giới đêm qua tăng do USD giảm.

Giá vàng trong nước sáng nay (22 - 6) tiếp tục tăng, hướng về mức 38,2 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng.

Đề xuất miễn thuế cho các đối tượng nộp thuế ở bậc thuế đầu tiên 5%.

Đó là một trong hai phương án vừa được Bộ Tài chính báo cáo lên Thường trực Ban Bí thư nhằm hỗ trợ cấp bách người nộp thuế trong khi chờ đợi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục