Tăng trưởng chưa xứng tầm
- Cập nhật: Thứ ba, 28/6/2011 | 9:37:22 AM
YBĐT - Để công nghiệp phát triển, thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự chỉ đạo mạnh mẽ của các cấp, các ngành để những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp sớm được tháo gỡ.
Dây chuyền sản xuất gạch Xuân Lan.
(Ảnh: Q.T)
|
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định: “Tiếp tục lấy công nghiệp làm khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế...”. Với tiềm năng, lợi thế và chính sách thu hút đầu tư không ngừng được cải tiến, đổi mới nhằm tạo ra cơ chế thông thoáng, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn... sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển khá, tập trung khai thác những lĩnh vực được xác định là có tiềm năng, lợi thế lớn như: chế biến nông - lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng... nhưng vẫn chưa thực sự trở thành khâu đột phá trong phát triển nền kinh tế.
6 tháng đầu năm 2011, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển khá so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 1.362 tỷ đồng, bằng 39,4% kế hoạch, tăng 20,5% so với cùng kỳ.
Trong đó: công nghiệp Trung ương đạt 408 tỷ đồng, bằng 38,5% kế hoạch, tăng 5,9% so cùng kỳ; công nghiệp địa phương ước đạt 921 tỷ đồng, bằng 39,5% kế hoạch, tăng 27,1% so với cùng kỳ; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 33 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch, tăng 65,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính vẫn là do chi phí vật tư đầu vào như điện, than, xăng dầu... tăng cao, đẩy giá thành sản phẩm lên; thiếu vốn gay gắt do chính sách thắt chặt tín dụng; thị trường tiêu thụ cạnh tranh gay gắt...
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã biết vượt qua khó khăn bằng việc tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để nâng giá bán nhằm bù đắp lại sự thiếu hụt do giá vật tư đầu vào tăng, đàm phán với bạn hàng, chia sẻ khó khăn bằng việc thanh toán nhanh, gọn và nâng giá bán sản phẩm cũng là cách làm tốt được nhiều doanh nghiệp triển khai. Tất nhiên doanh nghiệp đứng vững được trong cơn khủng hoảng hiện nay vẫn là những doanh nghiệp thực sự có năng lực, biết tiết kiệm chi phí ngay từ khi đầu tư, biết tổ chức sản xuất tốt và có chữ tín trên thương trường.
Làm ăn theo kiểu phong trào, chẳn hạn như: thấy nghề máy xúc lợi nhuận cao nên nhiều trường hợp vay vốn mở công ty san tạo mặt bằng hay tình trạng ồ ạt đầu tư máy bóc gỗ... để rồi phải bán đổ, bán tháo máy móc để giải phóng vốn là những bài học đau xót.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề vốn cho sản xuất ở các doanh nghiệp, ông Đoàn Việt Nam - Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV Yên Bái nói: “Ngân hàng thương mại không khó khăn trong chuyện cho vay, mà là doanh nghiệp không có những dự án tốt; tình trạng tài chính, tín dụng của doanh nghiệp không được đảm bảo. Thực tế nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái vẫn còn rất lớn, nhiều khách hàng, cả tư nhân và doanh nghiệp vẫn được vay vốn, vẫn được giải ngân đúng kế hoạch”.
Không quá lạc quan nhưng qua nắm tình hình có thể thấy, triển vọng sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo là khá tươi sáng. Về tổng thể, cuộc khủng hoảng kinh tế đã tạo ra một sự thanh lọc mạnh mẽ, loại bỏ những doanh nghiệp non yếu, sống bằng vốn ngân hàng, những doanh nghiệp tồn tại được sẽ có những bước phát triển.
Trước mắt, thời tiết đã thuận lại cho lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản. Thời tiết thuận lợi cũng là cơ hội để ngành chế biến nông - lâm sản như chế biến chè, gỗ, giấy đế... sản xuất điện và vật liệu xây dựng cũng có cơ hội để đi lên... Nhiều dự án lớn như: Nhà máy chế biến CaCO3 và cơ sở tuyển quặng sắt của Công ty TNHH số 1 Hải Dương, Nhà máy thuỷ điện Ngòi Hút, các cơ sở chế biến đá ở Lục Yên sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới, tạo ra giá trị hàng hóa lớn, góp sức vào thành quả chung.
Để công nghiệp phát triển, thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự chỉ đạo mạnh mẽ của các cấp, các ngành để những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp sớm được tháo gỡ.
Trước mắt, cần sớm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường vào Khu công nghiệp (KCN) phía Nam, đường nội bộ KCN Đầm Hồng, đường vào KCN Mông Sơn, đường Yên Bái - Khe Sang, Khánh Hoà - Minh Xuân... giúp các doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa.
Trong khi chưa có nhiều dự án lớn đi vào sản xuất và tình trạng khó khăn chung chưa được cải thiện đáng kể thì con số 3.600 tỷ đồng mà kế hoạch đề ra cho giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 này có lẽ là quá sức. Vì vậy, tỉnh cũng nên xem xét nếu cần thiết phải điều chỉnh chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 cho sát với thực tế hơn.
Lê Phiên
Các tin khác
Việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam sẽ giúp cung ứng tại chỗ một khối lượng bã nành lớn thay cho hàng nhập khẩu trong những năm sắp tới
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Hội nghị giao ban sản xuất sáng 27/6, bội chi ngân sách nhà nước tính đến 15/6 vào khoảng 30,145 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 25% mức bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua.
Nhằm quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng tự nhiên, bảo tồn bền vững tài nguyên rừng, Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 34/2011/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế quản lý rừng (ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14-8-2006).
Bộ NN&PTNT và các đối tác phòng, chống cúm gia cầm và cúm ở người vừa tổ chức hội thảo xây dựng chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, phòng ngừa đại dịch giai đoạn 2011-2015.