Khuyến nông Trấn Yên: Từ mô hình đến các chương trình phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ hai, 4/7/2011 | 2:43:54 PM
YBĐT - Trong giai đoạn 2010 - 2015 huyện Trấn Yên (Yên Bái) tiếp tục tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cây trồng, tiến bộ kỹ thuật giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của huyện.
|
Trấn Yên là huyện vùng thấp của tỉnh Yên Bái, kinh tế chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong giai đoạn 2000 -2010, huyện Trấn Yên đã triển khai và thực hiện các mô hình phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản gồm các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ giống cây trồng vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi làm cơ sở thực tiễn để xây dựng và phát triển các chương trình kinh tế của huyện, mô hình hỗ trợ cho các hộ nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo.
Xác định thực hiện xây dựng các mô hình phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp là để áp dụng đưa những tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm tổng kết, đánh giá kết quả của mô hình, đồng thời chỉ ra những hạn chế để rút kinh nghiệm cho các mô hình sau.
Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, chính quyền các địa phương và bà con nông dân trong huyện triển khai hàng trăm mô hình nông nghiệp bao gồm các mô hình ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong phương pháp canh tác và các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi.
Các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác giống cây trồng, vật nuôi được ứng dụng mạnh mẽ như sử dụng phương pháp làm mạ khay, làm mạ có mái che ni lông, gieo sạ hàng, các giống lúa lai, ngô lai, giống lúa thuần chất lượng cao, giống lạc, đậu, đỗ, các giống gia súc, gia cầm, giống thuỷ sản, giống cây lâm nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các loại sản phẩm từ nông, lâm nghiệp và là yếu tố thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hoá.
Nhiều mô hình đã đạt kết quả tốt, có ý nghĩa thiết thực là cơ sở cho việc chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong tập quán canh tác và thay đổi nhận thức của cán bộ cơ sở trong tư duy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Các mô hình khuyến nông đã thực hiện 10 năm qua trên địa bàn huyện Trấn Yên sau khi thử nghiệm cho kết quả tốt được huyện uỷ Trấn Yên xây dựng thành nghị quyết chuyên đề và trở thành chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của huyện, điển hình là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao của huyện.
Vụ đông xuân 2001, UBND huyện Trấn Yên giao cho Trạm Khuyến nông huyện thực hiện mô hình gieo cấy lúa thuần chất lượng cao với diện tích 10 ha tại một số xã trọng điểm thâm canh của huyện bằng các giống lúa Chiêm Hương, LT2, HT1, kết quả đánh giá từ mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cho thấy sản xuất lúa thuần chất lượng cao dễ thâm canh, chi phí đầu tư thấp, thời gian sinh trưởng ngắn, chủ động về thời vụ để sản xuất vụ đông. Hiệu quả sản xuất lúa thuần chất lượng cao trrên 1 đơn vị diện tích cao hơn 1,5 lần so với các giống lúa khác.
Từ kết quả của mô hình này, nông dân huyện Trấn Yên đã ứng dụng và nhân nhanh ra diện rộng, đến nay, huyện đã ổn định diện tích lúa thuần chất lượng cao hàng năm là 1500 ha, năng suất trung bình đạt 45 đến 46 tạ/ha và hình thành vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung với diện tích 400 ha tại 10 xã trên địa bàn huyện. Sản xuất lúa chất lượng cao tiếp tục được duy trì và phát triển trong giai đoạn 2010 - 2015.
Đối với mô hình cải tạo chè già cỗi thay thế bằng giống chè chất lượng cao, thực hiện chủ trương này của tỉnh, những năm qua huyện Trấn Yên đã có nghị quyết chuyên đề và đề án phát triển sản xuất kinh doanh chè, trong đó tập trung đẩy mạnh việc cải tạo đưa giống chè mới, chất lượng cao vào sản xuất.
Đến nay, diện tích chè cải tạo thay thế bằng giống chè chất lượng cao của huyện Trấn Yên đã đạt 658 ha, trong đó có hơn 400 ha là chè Bát Tiên và Phúc Vân Tiên, chiếm gần 25% tổng diện tích chè của huyện. Thực tế trong những năm qua cho thấy trồng chè giống mới, chất lượng cao cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 3 đến 4 lần so với chè trung du.
Từ kết quả khả quan của chương trình cải tạo chè già cỗi thay thế bằng giống chè chất lượng cao thời gian qua, huyện Trấn Yên tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình cải tạo chè già cỗi thay thế bằng giống chè mới trong giai đoạn 2010 - 2015 nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm chè và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người làm chè trên địa bàn toàn huyện.
Mô hình trồng tre Bát độ lấy măng tại huyện Trấn Yên được thực hiện năm 2000 cũng vậy, ban đầu mô hình này được triển khai thực hiện tại xã Hoà Cuông với 20 gốc tre, năm 2003, huyện bắt đầu phát triển trồng tre Bát Độ lấy măng và đến nay, trên địa bàn huyện đã có vùng nguyên liệu tập trung tại 10 xã trọng điểm với diện tích trên 1.200 ha. Sản lượng măng bình quân hàng năm đạt trên 10.000 tấn, trị giá trên 10 tỷ đồng.
Cùng với việc phát triển mở rộng diện tích, huyện Trấn Yên tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm tiêu thụ măng cho nông dân thông qua Công ty TNHH Vạn Đạt. Còn rất nhiều các mô hình khuyến nông khác cũng đã trở thành các chương trình phát triển kinh tế của huyện như chương trình trồng dâu nuôi tằm, mô hình trồng cỏ nuôi bò, chương trình ứng dụng xây dựng khí sinh học...
Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên còn thực hiện các mô hình mẫu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế giai đoạn 2005 - 2010 và các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010. Qua đó đã giúp 2.000 lượt hộ nghèo trên địa bàn huyện biết cách làm ăn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước cải thiện đời sống và có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Trong giai đoạn 2010 - 2015 huyện Trấn Yên tiếp tục tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cây trồng, tiến bộ kỹ thuật giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của huyện.
Bám sát các chương trình phát triển kinh tế của huyện như chương trình phát triển chè, chương trình tre măng Bát độ, chương trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi hàng hoá để vừa tập trung chỉ đạo thực hiện, đồng thời xây dựng các mô hình để làm cơ sở cho việc tuyên truyền, ứng dụng vào sản xuất hàng hoá gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo các chương trình phát triển kinh tế sản xuất bền vững.
Bạch Liên
Các tin khác
Do nhu cầu đi lại của hành khách tăng đột biến dịp cao điểm hè, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết sẽ tăng tải thêm hơn 1.350 chuyến bay trên 12 đường bay nội địa từ 1/07 -15/8, cao điểm nhất có tới 56 chuyến bay/chặng/ngày.
Bộ NN&PTNT vừa ban hành Chỉ thị số 1623/CT-BNN-CB về tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện, nước trong nông nghiệp.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 41,5 tỷ USD; tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt 52,2% kế hoạch năm (kim ngạch năm 2011 là 79,4 tỷ USD).
Ngày 1/7, Đại biện lâm thời Phái đoàn EU, ông Emmanuel Mersch thông báo, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã giải ngân tổng cộng 29 triệu euro (41 triệu USD) tài trợ không hoàn lại để hỗ trợ giảm nghèo tại Việt Nam.