La Pán Tẩn phá thế độc canh
- Cập nhật: Thứ tư, 20/7/2011 | 3:07:39 PM
YBĐT - Phá thế độc canh cây lúa, khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế đã và đang tạo ra chuyển biến lớn ở La Pán Tẩn, huyênh Mù Cang Chải (Yên Bái).
Ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, nhiều hộ người Mông thoát nghèo nhờ tích cực gieo cấy hai vụ lúa.
(Ảnh: Đức Hồng)
|
La Pán Tẩn - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Mù Cang Chải, nơi có trên 99% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống đang có những bước đi đúng trong phá thế độc canh cây lúa, khai thác tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế.
Xã có diện tích tự nhiên rộng lớn với trên 3.300 ha nhưng ruộng nước ít, chủ yếu là đồi rừng. Từ đặc điểm tự nhiên trên, để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của mình, Đảng bộ xã đã xác định lãnh đạo nhân dân tập trung thâm canh tăng năng suất lúa, phát triển mạnh chăn nuôi gia súc gia cầm; khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng cùng các cây đặc sản có giá trị kinh tế đem lại thu nhập cao cho nhân dân.
Nhờ có những bước đi đúng hướng, tập trung kiên cố hóa kênh mương phục vụ thâm canh, sản lượng lương thực của xã đã tăng đáng kể. Nếu như năm 2007, bình quân lương thực đầu người trong xã chỉ đạt 290 kg/năm thì nay đã đạt trên 358kg/năm.
Đáng mừng là cây màu như đậu tương trồng xen canh ngô tăng từ 2 ha năm 2005, nay đã lên trên 30 ha. Điều không thể ngờ tới là nếu như trước kia rau xanh phục vụ ăn uống trong gia đình không đủ, thì giờ đây bắp cải, su hào và các giống rau địa phương đã được người dân phát triển mạnh, cung cấp ra thị trường mỗi năm trên 30 tấn. Để nhân dân tập trung mạnh vào phát triển chăn nuôi, nhằm tạo ra đàn đại gia súc, gia súc và gia cầm lớn, xã đã đi vào qui hoạch diện tích khu chăn thả gia súc.
Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân trồng được 40 ha cỏ, thu gom rơm rạ dự trữ phục vụ cho chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, số lượng đàn gia súc, gia cầm của xã đã tăng đáng kể. Nếu như năm 2005, toàn xã có 647 con trâu, 291 con bò, 1.485 con lợn, 142 con dê, trên 5.800 con gia cầm thì đến nay xã có 771 con trâu, 313 con bò, 2.140 con lợn và gần 12.000 con gia cầm. Con số trên cho thấy, những kết quả đáng mừng trong phát triển chăn nuôi ở La Pán Tẩn.
Nhờ tích cực tuyên truyền vận động, người dân đã có nhận thức đúng trong trồng, bảo vệ cùng như khai thác hiệu quả nguồn lợi từ rừng. Hiện nay toàn xã có 560 hộ đều đăng ký tham gia trồng và nhận bảo vệ rừng góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Cũng kể từ năm 2007 đến nay, nhân dân trong xã đã thực hiện chăm sóc tốt 10 ha rừng kinh tế, 275 ha rừng khoanh nuôi và trên 356 ha rừng trồng. Trong các năm 2009, 2010 xã tiếp tục vận động nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới thêm 90 ha đảm bảo tỷ lệ sống trên 85%. Nhiều năm, xã không để xảy ra cháy rừng.
Kinh tế rừng đã được khẳng định khi cây sơn tra được người dân thu hoạch và bán ra thị trường mang lại giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định. Người dân đã thực sự quan tâm cũng như chăm sóc, bảo vệ phát triển diện tích cây sơn tra.
Thấy rõ việc trồng các cây dược liệu là thế mạnh của mình, Đảng bộ xã La Pán Tẩn đã lãnh đạo nhân dân phát triển mạnh cây Sơn tra đặc sản còn tập trung vận động nhân phát triển, chăm sóc 200 ha cây thảo quả đang cho thu hoạch bình quân mỗi ha cho trên thu nhập 120 triệu đồng. Các hộ cũng đều ký cam kết phát triển cây thảo quả không chặt phá mà gắn với bảo vệ và phát triển rừng, phá thế độc canh cây lúa, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế bằng phát triển chăn nuôi và các cây đặc sản thu nhập của người dân từng bước được cải thiện.
Trong xã, nhiều gia đình có kinh tế phát triển như hộ các ông: Giàng Chứ Ly, Hảng Xáy Chông ở bản La Pán Tẩn; Hảng Gà Sàng ở bản Trống Tông; Hờ Chờ Sử ở bản Tả Chí Lừ. Đây là các hộ tích cực vận động gia đình phát triển kinh tế gắn với phát triển kinh tế đồi rừng, cũng như trồng và bảo vệ rừng.
Nhờ phát triển mạnh sản xuất tạo ra nhiều hàng hóa mà các mô hình dịch vụ, thương mại đã bắt đầu phát triển trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân và tạo điều kiện để thông thương hàng hóa phá dần thế tự cung tự cấp. Bên cạnh đó nhờ có đường ô tô từ ngã ba Kim lên trụ sở xã đã bê tông hóa 3,5 km đi lại được bốn mùa; các tuyến đường nối các thôn, bản với trung tâm xã được mở mới, tu sửa thường xuyên đang góp phần quan trọng tạo điều kiện cho xã trong giao thương phát triển kinh tế.
Được sự quan tâm của Nhà nước, các thôn trong xã đều đã có nhà văn hóa, điện lưới quốc gia về các bản, các phòng học tạm dần được thay thế, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ngày một nâng lên.
Xã có 560 hộ thì đang có tới 554 xe máy, 520 ti vi. Các gia đình đều có ý thức cho con em đi học để nâng cao trình độ. Hầu hết các hộ đều hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, làm công trình vệ sinh, chuồng trại xa nhà, giữ vệ sinh môi trường.
Phá thế độc canh cây lúa, khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế đã và đang tạo ra chuyển biến lớn ở La Pán Tẩn.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Xã Sơn Lương, Trạm Khuyến nông Văn Chấn (Yên Bái) phối hợp cùng Công ty cổ phần Đại Thành tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn giống ngô lai đơn F1 GS8.
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vừa tổ chức tập huấn cho hơn 100 người dân tại hai xã Nậm Khắt và Chế Cu Nha về kỹ thuật trồng và thâm canh cây sơn tra.
YBĐT - Vừa qua, tại xã Sơn Lương, Trạm Khuyến nông Văn Chấn (Yên Bái) phối hợp cùng Công ty cổ phần Đại Thành tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn giống ngô lai đơn F1 GS8.
831 công trình thủy lợi tại 16 tỉnh miền núi phía Bắc vừa được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án quy hoạch nâng cấp, cải tạo, với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỉ đồng.