Vĩnh Kiên: Hiệu quả từ chăn nuôi hàng hóa
- Cập nhật: Thứ hai, 8/8/2011 | 3:30:30 PM
YBĐT - Sau 3 năm triển khai toàn tỉnh Yên Bái đã có 407 hộ chăn nuôi hàng hoá, đảm bảo các tiêu chí nhận hỗ trợ, trong đó có 186 trang trại chăn nuôi lợn thịt, 113 trang trại chăn nuôi lợn nái và 108 trang trại chăn nuôi gia cầm, với tổng số tiền hỗ trợ lên tới trên 10 tỷ đồng.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình Nguyễn Thị Minh, xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) mỗi năm xuất chuồng 20 tấn lợn hơi.
|
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tạo ra vùng sản xuất hàng hoá cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao tỷ trọng của chăn nuôi, dần đưa chăn nuôi trở thành ngành chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 05 năm 2008, về việc Ban hành quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010.
Trong đó có chính sách ưu tiên phát triển các trang trại chăn nuôi hàng hoá, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi lợn thịt có quy mô 100 con/lứa và cơ sở chăn nuôi lợn nái có quy mô 20 nái sinh sản; hỗ trợ 10 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô 1.000 con/lứa. Đến hết năm 2010, sau 3 năm triển khai toàn tỉnh đã có 407 hộ chăn nuôi hàng hoá, đảm bảo các tiêu chí nhận hỗ trợ, trong đó có 186 trang trại chăn nuôi lợn thịt, 113 trang trại chăn nuôi lợn nái và 108 trang trại chăn nuôi gia cầm, với tổng số tiền hỗ trợ lên tới trên 10 tỷ đồng.
Được biết, từ năm 2008 - 2010 xã Vĩnh Kiên có 17 hộ tham gia chương trình chăn nuôi hàng hoá. Là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng trọt, trình độ dân trí khá phát triển nên người dân ở đây tập trung nhiều vào phát triển chăn nuôi, tuy nhiên trên thực tế thì hầu hết vẫn là chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, theo hướng tự phát. Vì vậy, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi hàng hoá như một luồng gió mới, tạo động lực cho phát triển chăn nuôi của xã, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp chuồng trại, tăng quy mô chăn nuôi đem lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình chị Trần Kim Quy, thôn Làng Mạ xã Vĩnh kiên là một ví dụ khá điển hình cho việc chuyển hướng phát triển chăn nuôi. Trước khi có chương trình chăn nuôi hàng hoá, gia đình chị cũng đã phát triển chăn nuôi gia cầm với quy mô nhỏ vài trăm con, song trên thực tế gà hay gặp phải dịch bệnh, sản phẩm làm ra ít, hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí có những lứa gà còn lỗ tới vài triệu đồng. Khi có chính sách của tỉnh về phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung quy mô lớn, được tuyên truyền về chính sách, đặc biệt là được sự hướng dẫn tư vấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, chị đã mạnh dạn mở rộng thêm chuồng trại để đầu tư nuôi 1.000 con gà thịt.
Nhờ được cán bộ Trung tâm Giống vật nuôi hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh đúng quy trình cho nên đàn gà của gia đình chị Quy không gặp phải dịch bệnh như khi còn nuôi nhỏ lẻ, mỗi lứa gà chị đều thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng. Tích luỹ thêm nguồn vốn, có thêm nhiều kinh nghiệm chăn nuôi chị Quy đã tăng thêm tổng đàn và chuyển hướng sang chăn nuôi gà sinh sản đẻ trứng. Hiện nay tổng đàn gà của chị đã lên tới 1.300 con trong đó có 500 gà bố mẹ chuyên cung cấp trứng giống, còn lại là gà đẻ trứng thương phẩm, mỗi ngày đàn gà cho gia đình chị lợi nhuận từ 500 đến 600 nghìn đồng. Chị Quy tâm sự: “Chăn nuôi hàng hoá có số lượng sản phẩm nhiều, thuận tiện cho người mua không phải thu gom, cho nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó”.
Đối với gia đình ông Phùng Văn Quảng, thôn Đồng Đầm xã Vĩnh Kiên thì chọn hướng phát triển chăn nuôi lợn thịt, với quy mô đăng ký tham gia là 100 lợn thịt/lứa. Không gặp được thuận lợi ngay đầu ban đầu như chị Quy, vào thời điểm ấy, lợn giống khá khan hiếm phải đi mua gom về cho nên không kiểm soát được chất lượng, lợn phát triển không đồng đều, mặt khác sau khi giá lợn hơi xuống thấp, nguồn thu không bù đắp được chi phí chăn nuôi.
Ông Quảng cho biết, nuôi lợn lai F1, vừa chậm lớn, vừa khó tiêu thụ sản phẩm, giá bán không cao nên đã mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi lợn nạc vừa nhanh lớn, hiệu quả sử dụng thức ăn cao mà giá bán cũng cao hơn lợn lai F1 từ 4 đến 5 nghìn đồng/kg. Sự kiên trì và mạnh dạn đổi mới của gia đình đã thu được kết quả xứng đáng, hiện nay mỗi lứa lợn đều đem lại lợi nhuận cho gia đình ông Quảng từ 70 đến 80 triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn nuôi thêm lợn nái ngoại để có thể tự túc được con giống chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi của gia đình và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ông Phạm Văn Hiền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Kiên cho biết: “Mặc dù trong thời gian qua giá cả thị trường nhiều lúc không ổn định, đặc biệt đối với chăn nuôi lợn có những thời điểm trước kia giá lợn hơi và lợn con quá thấp, không bù đắp nổi chi phí chăn nuôi, song hầu hết các hộ tham gia chương trình chăn nuôi vẫn duy trì, đến thời điểm như hiện nay khi chăn nuôi lợn đã cho lợi nhuận khá cao thì họ có điều kiện “bung ra” mạnh”.
Qua quá trình triển khai chương trình cho thấy đối với những hộ có tâm huyết trong phát triển chăn nuôi, chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhạy bén với thị trường thì mặc dù có gặp phải khó khăn do dịch bệnh đe dọa, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thua mua sản phẩm không ổn định thì họ vẫn có thể vượt qua được để giữ vững sản xuất và chăn nuôi có lãi như hiện nay.
Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần phải rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn chính sách này trong thời gian tới như: Chọn đúng hộ có tâm huyết và điều kiện chăn nuôi, chất lượng con giống tốt, đặc biệt là chuyển hướng chăn nuôi lợn nạc thay thế đàn lợn lai F1, hướng dẫn thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh tại các trang trại và đầu ra ổn định cho thị trường tiêu thụ sản phẩm; cần nghiên cứu triển khai thử nghiệm vấn đề bảo hiểm nông nghiệp cho người chăn nuôi, để chăn nuôi hàng hoá của Yên Bái thật sự phát triển bền vững và hiệu quả.
Nguyễn Quốc Tuấn
Các tin khác
Sau 1 tháng triển khai thu thập thông tin Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011 (từ 1 đến 31/7/2011), Cục thống kê tỉnh Yên Bái cho biết công tác triển khai tổng điều tra đã đáp ứng yêu cầu về tiến độ, khối lượng và chất lượng công việc.
YBĐT - Vụ mùa năm nay, huyện Văn Chấn (Yên Bái) phấn đấu gieo cấy đạt 4.100 ha lúa và gần 3.000 ha cây trồng cạn là ngô, đậu tương, lúa nương.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 113/2011/TT-BTC quy định cách xác định thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà, căn hộ đã được cấp GCN quyền sử dụng đất. Theo đó, mức thuế suất áp dụng là 25% tính trên thu nhập chuyển nhượng.