Tín dụng tăng trưởng chậm - Cần có giải pháp tháo gỡ
- Cập nhật: Thứ ba, 9/8/2011 | 9:40:12 AM
YBĐT - Trong khó khăn chung, đối với Yên Bái, ngành chế biến gỗ đang có dấu hiệu phát triển chậm, ngành chè đang vật lộn với nạn chè "bẩn"... thì tỉnh cần có những giải pháp cụ thể về tín dụng, thuế... để giúp đỡ doanh nghiệp, qua đó giúp đỡ hàng vạn nông hộ có việc làm, thu nhập.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái, tổng nguồn vốn của các ngân hàng thương mại và các quỹ tín dụng trên địa bàn trong nửa đầu năm 2011 là 6.559 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm, chủ yếu tăng ở nguồn huy động tiền gửi tiết kiệm (tăng 24%) nhờ việc các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, áp dụng mức lãi suất phù hợp, đồng thời tranh thủ được các nguồn vốn điều hoà hệ thống... để đảm bảo tuyệt đối khả năng thanh toán.
Thông thường đi kèm với nguồn vốn tăng là dư nợ tăng theo, ngay cả khi Nhà nước đã quy định khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; có những năm nhiều ngân hàng 6 tháng đầu năm đã cơ bản hết hạn mức tín dụng, chấp nhận cảnh "ăn đong" thu nợ được tới đâu, huy động được khoản nào thì cho khách hàng vay tới đó. Đó là chuyện của mấy năm trước còn tình hình tài chính tín dụng 7 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn đang diễn biến theo chiều hướng khác: tốc độ tăng trưởng tín dụng đang chậm lại rõ rệt. Cụ thể là, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tính đến 30/6 đạt 6.401 tỷ đồng, dự ước 7 tháng là 6.425 tỷ đồng, tăng 2.21% so với đầu năm trong khi tỷ lệ nợ xấu lại tăng thêm 1,84% (nợ xấu trên tổng dư nợ đã lên tới 3,34%).
Cũng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Yên Bái thì, tốc độ tăng trưởng dư nợ rất khó tăng mạnh để đạt mục tiêu tăng dưới 20% trên tổng dư nợ trong năm 2011 theo kế hoạch, bởi lẽ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ còn khoảng 70 tỷ đồng; Ngân hàng Công thương đang tập trung thu nợ cũ, kế hoạch của ngân hàng này vẫn còn khoảng 200 đến 250 tỷ đồng, nếu có khách hàng tốt, giải quyết nhanh thì mới đạt mục tiêu tổng dư nợ; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tổ chức tín dụng lớn nhất trên địa bàn) cũng chỉ có thể cố gắng đảm bảo vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn lấy từ 70% số huy động trên địa bàn. Chỉ còn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cam kết sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng 18 đến 19% trong năm, đảm bảo nguồn vốn cho các hợp đồng tín dụng đã ký và giải quyết cho vay đối với những khách hàng đáp ứng đầy đủ hồ sơ, yêu cầu.
Thực tế thì khó có một doanh nghiệp nào đủ vốn tự có đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà phần lớn dựa vào vốn vay ngân hàng; khi dư nợ có tốc độ tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ tăng đạt rất thấp so với mọi năm và cả kế hoạch của năm nay thì cần có những giải pháp đồng bộ để duy trì tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế.
Có rất nhiều cách lý giải cho tình trạng trên. Thứ nhất, sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào tăng mạnh, đầu ra khó là tình hình chung của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất. Thu hồi vốn liếng, thu nhỏ sản xuất, trả bớt vốn ngân hàng cho đỡ phải gánh khoản lãi, tiếp tục nghe ngóng tình hình là cách nghĩ, cách làm của nhiều doanh nghiệp và điều này đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không những không vay thêm mà còn trả vốn vay cũ vào ngân hàng.
Thứ hai, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ cắt giảm đầu tư công đã khiến thị trường xây dựng "tuột dốc", hàng loạt các doanh nghiệp xây dựng không có hợp đồng mới, trong khi lâu nay họ chỉ nhận thầu những công trình từ vốn ngân sách, nay hầu bao bị "khoá "chặt thì chỉ biết ngồi nhà nhìn vật tư, phương tiện khấu hao, công nhân chuyển nghề, chuyển chỗ làm.
Trong tình hình ấy không ai dám dũng cảm ôm khoản vay ngân hàng với món lãi 20% năm! Thứ ba là lãi suất ngân hàng quá cao! 20% năm, thậm chí còn cao hơn nữa, mức lãi suất ấy chỉ có thể vay giải quyết công việc mang tính chất tình thế, không thể vay lâu dài đầu tư phương tiện máy móc, xây dựng nhà xưởng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, một chủ xưởng gỗ ở Trấn Yên, phát biểu: "Làm nghề chế biến gỗ như chúng tôi lợi nhuận chẳng được mấy, lãi suất ngân hàng trên 20% năm mà vay vào không may mưa gió mấy tháng hoặc điện đóm rồi đầu ra khó khăn là chết luôn".
Giám đốc Công ty cổ phần Sao Việt lý giải việc nhà máy chè đang giảm tối đa công suất giữa thời điểm chính vụ của mình là "Làm cũng chỉ đủ nộp lãi ngân hàng thôi! Vậy thì nghỉ cho khoẻ!". Con số 9 tỷ đồng mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cố gắng chuẩn bị để ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè vay trong niên vụ 2011 mà giờ chẳng ai đến vay có lẽ đã nói lên tất cả.
Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Yên Bái chỉ 6.000 đến 7.000 tỷ đồng, con số ấy thực sự quá nhỏ bé trong nền kinh tế nói chung nhưng tình hình tăng trưởng dư nợ hiện nay của Yên Bái đã nói lên một điều rằng: Chính phủ cần phải có những giải pháp tháo gỡ để tăng trưởng. Giảm lãi suất từng phần để thúc đẩy sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là đảm bảo đầu ra cho nông sản là việc rất cần.
Trong khó khăn chung, đối với Yên Bái, ngành chế biến gỗ đang có dấu hiệu phát triển chậm, ngành chè đang vật lộn với nạn chè "bẩn"... thì tỉnh cần có những giải pháp cụ thể về tín dụng, thuế... để giúp đỡ doanh nghiệp, qua đó giúp đỡ hàng vạn nông hộ có việc làm, thu nhập.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Vụ đông xuân 2011, Trạm Khuyến nông thành phố Yên Bái đưa vào trồng thử nhiệm giống ngô LVN 37, với diện tích 1 ha ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc.
YBĐT - Để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện, Hạt Kiểm lâm Lục Yên (Yên Bái) đã tăng cường lực lượng tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc khai thác gỗ rừng trồng, vận chuyển và tiêu thụ lâm sản, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng giáp ranh, tuyến quốc lộ 70, tuyến đường từ thị trấn Yên Thế đi Xuân Long (Yên Bình)...
NHNN vừa có ý kiến về sự biến động của giá vàng, theo đó NHNN sẽ theo dõi sát tình hình và sẵn sàng cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường, chống đầu cơ, làm giá, bảo vệ lợi ích của người dân.
YBĐT - Sau 3 năm triển khai toàn tỉnh Yên Bái đã có 407 hộ chăn nuôi hàng hoá, đảm bảo các tiêu chí nhận hỗ trợ, trong đó có 186 trang trại chăn nuôi lợn thịt, 113 trang trại chăn nuôi lợn nái và 108 trang trại chăn nuôi gia cầm, với tổng số tiền hỗ trợ lên tới trên 10 tỷ đồng.