Khuyến khích tư nhân nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/8/2011 | 8:01:41 AM
Chính phủ sẽ xem xét, hỗ trợ nếu doanh nghiệp đó chứng minh được mình có sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Nhiều kết quả nghiên cứu chưa được áp dụng vào thực tế sản xuất (ảnh minh họa).
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định như vậy tại Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng nhiệm vụ 2011 - 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức ngày 11/8.
Báo cáo tổng kết kết quả hoạt động KHCN và môi trường giai đoạn 2006 - 2010 do Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Bùi Bá Bổng trình bày nêu rõ: Trong 5 năm, đầu tư Nhà nước từ vốn sự nghiệp khoa học cho KHCN nông nghiệp tăng trung bình 15%/năm. Tổng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu KHCN giai đoạn này là 2.603 tỷ đồng. Tổng cộng đã có 6.935 nhiệm vụ KHCN đã được triển khai, trong đó có 4.386 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm các cấp. Nhiều giống cây trồng và vật nuôi mới đã được tạo ra (273 giống cây trồng; 29 giống vật nuôi; 87 giống thuộc lĩnh vực lâm nghiệp), nhiều quy trình công nghệ được phát triển và ứng dụng trong sản xuất, đóng góp tích cực cho phát triển sản xuất và nông nghiệp nông thôn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, diện tích sử dụng giống lúa do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam chọn tạo chiếm trên 80% diện tích lúa của vùng và là các giống chủ lực phục vụ xuất khẩu.
Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế của công tác nghiên cứu khoa học thời gian qua, trong đó nhấn mạnh hiệu quả của việc thực hiện các đề tài, dự án KHCN còn thấp vì nhiều đề tài, dự án sau khi nghiệm thu đã không triển khai được vào sản xuất. Lý do của tồn tại này xuất phát từ khâu giao nhiệm vụ, sản phẩm của đề tài, dự án không từ yêu cầu của sản xuất, thị trường; khâu thực hiện chất lượng nghiên cứu thấp, giá trị sản phẩm thấp nên không được sản xuất, thị trường không chấp nhận; khâu đánh giá, nghiệm thu còn nặng tính hình thức.
Từ những tồn tại này, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đổi mới cơ chế quản lý là khâu đột phá trong nghiên cứu khoa học của cả nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Các cơ quan quản lý và nghiên cứu cần làm rõ sản phẩm nào sẽ do cấp nào giao nhiệm vụ. "Những sản phẩm liên ngành thuộc danh mục sản phẩm quốc gia nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thì sẽ do Chính phủ giao nhiệm vụ" - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Về vấn đề vốn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý với việc giao cho ngành nông nghiệp các nguồn tiền trung và dài hạn chứ không phải năm nào cũng giao, cũng nghiệm thu.
Về việc các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư nghiên cứu khoa học, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự ủng hộ và khẳng định: "Nếu doanh nghiệp chứng minh được mình tham gia và có sản phẩm nghiên cứu KHCN thì Nhà nước sẽ tìm cách hỗ trợ, ví dụ như việc giảm bớt một phần thuế thu nhập doanh nghiệp".
Ngoài các nội dung trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý một số nội dung quan trọng khác như vấn đề sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp, đào tạo cán bộ nghiên cứu có trình độ cao, lương cho cán bộ nghiên cứu có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, đầu tư xây dựng các phòng nghiên cứu mạnh cấp quốc gia....
Mục tiêu của ngành nông nghiệp đến năm 2020 là hiện đại, hiệu quả, bền vững, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,5 đến 4%/năm; nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay; lao động nông nghiệp còn khoảng 30 - 35% lao động xã hội.
Để đạt được mục tiêu này, theo các đại biểu tham dự hội nghị, cần nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng KHCN để tạo ra và ứng dụng có hiệu quả các sản phẩm tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại có hàm lượng khoa học cao; nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN nông nghiệp và khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật…
Nêu cụ thể hơn, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định: "Tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có kết quả ứng dụng vào sản xuất đạt trên 70%. Giá trị tăng thêm do KHCN trong nông nghiệp đem lại đạt 40% vào năm 2015 và 50 - 60% năm 2020".
(Theo VOV)
Các tin khác
Sáng 11-8, giá vàng trong nước một lần nữa tiếp cận mức 46 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh vàng thế giới lại tăng lên mức kỉ lục mới.
YBĐT - Đã hơn nửa tháng nay, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) rất lo lắng bởi với sâu bệnh hại lúa.
YBĐT - Vụ mùa năm 2011, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có kế hoạch gieo trồng 6.290 ha cây lương thực các loại, trong đó có 2.578 ha lúa ruộng và 1.200 ha lúa nương, 1.450 ha ngô, còn lại là sắn, khoai, đậu tương...