Thúc đẩy chăn nuôi để tăng nguồn cung
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/8/2011 | 9:42:02 AM
YBĐT - Ảnh hưởng của suy thoái, lạm phát khiến giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều tăng chóng mặt, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm và riêng thịt lợn tăng trên 100%. Giá tăng như vậy nhưng người chăn nuôi không được lợi, không hào hứng đầu tư tái đàn, đó phải chăng là một nghịch lý?
Mô hình chăn nuôi lợn thịt của gia đình chị Đinh Thị Vân, tổ 19, phường Nguyễn Phúc (Yên Bái) mang lại hiệu quả cao. (Ảnh: Hồng Duyên)
|
Vài năm trở lại đây chăn nuôi có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của Yên Bái với mức tăng trưởng luôn đạt trên 5%, trong đó ngành chăn nuôi lợn chiếm 75% sản lượng thịt của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá và thị trường. Mỗi hộ chăn nuôi lợn có quy mô trên 100 lợn thịt được hỗ trợ 30 triệu đồng, đây là số tiền không lớn nhưng đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó còn có chương trình nạc hoá đàn lợn, đầu tư xây dựng trại giống lợn tiên tiến, chất lượng đáp ứng nhu cầu chăn nuôi... Song song với đó là nhận thức của người chăn nuôi ngày một cao, nhiều hộ gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại rất hiệu quả. Phát triển chăn nuôi đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng và góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi nhất là chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều hộ chăn nuôi đã đầu tư chuồng trại khá quy mô nhưng lại không muốn tái đàn, không hào hứng đầu tư vào chăn nuôi cho dù giá lợn hơi bán bình quân hiện ở mức 60-65 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với mấy tháng trước.
Ông Châu, một chủ trang trại chăn nuôi thường có trên 300 đầu lợn ở Trấn Yên, cho biết: “Hiện nay trong chăn nuôi lợn đang xảy ra 3 vấn đề dẫn đến người chăn nuôi không muốn tái đàn: thứ nhất là người chăn nuôi khó tiếp cận được nguồn vốn vay nếu như không muốn nói là không thể; thứ hai là dịch bệnh xảy ra nhiều khiến người nuôi lo sợ (lở mồm long móng, dịch tai xanh, tụ huyết trùng...); thứ ba là thiếu giống, nhất là giống tốt, giống sạch”. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng giá thức ăn chăn nuôi quá cao dẫn đến lờ lãi chẳng đáng là bao, do đó không kích thích phát triển. Tính từ đầu năm đến nay, giá các loại thức ăn tăng trên 50%, nếu như cuối năm ngoái, một bao 52S loại 25 kg có giá 220 ngàn đồng thì nay tăng lên 310 ngàn đồng.
Giá thức ăn tăng cao, vốn vay cũng cao cùng với việc không đầu tư chăn nuôi dẫn tới thiếu nguồn cung nên giá thịt lợn trên thị trường tăng mạnh. Để bình ổn giá thịt lợn buộc chúng ta phải thúc đẩy chăn nuôi, còn nhập khẩu là không thể vì giá nhập khẩu còn cao hơn giá hiện tại trong nước. 6 tháng đầu năm cả nước nhập 53 ngàn tấn thịt, trong đó 98% là thịt gia cầm, còn lại là thịt lợn. Với giá lợn như hiện nay người chăn nuôi đã có lãi nếu chăn nuôi quy mô lớn có thể làm giàu được, do đó sẽ kích thích người dân đầu tư tái đàn. Bên cạnh đó, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế là điều kiện tốt để các đàn phát triển. Đây là thời cơ để đưa chăn nuôi lên bước cao hơn, bài bản hơn.
Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng phải hết sức thận trọng khi đầu tư tái đàn. Đòi hỏi đầu tiên là phải chọn được con giống tốt, sạch bệnh và được tiêm phòng đầy đủ, đừng vì giá cao, con giống khan hiếm mà mua con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc để đầu tư bằng mọi giá. Nói là vậy nhưng để kích thích người chăn nuôi tái đàn, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi mua giống, thức ăn, xây dựng chuồng trại...
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực vận động nhân dân đầu tư thúc đẩy chăn nuôi và làm tốt công tác giám sát chất lượng con giống, vận chuyển gia súc, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Nuôi gà mất 45-50 ngày là có sản phẩm, nuôi lợn chỉ cần 3-4 tháng là xuất chuồng, nếu tích cực đầu tư tái đàn thì sẽ đảm bảo nguồn cung cho thị trường vào dịp cuối năm.
Phát triển chăn nuôi, tích cực tái đàn là giải pháp duy nhất để tăng nguồn cung cho thị trường và bình ổn giá thịt nhưng có lẽ đó chỉ là những giải pháp trước mắt bởi chăn nuôi của ta vẫn còn quá nhiều việc phải bàn. Đó là giá thức ăn chăn nuôi không thể kiểm soát, dịch bệnh hoành hành, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn giống thiếu… Để chăn nuôi ổn định bền vững và phát triển buộc chúng ta phải có chiến lược trong quy hoạch vùng chăn nuôi trọng điểm đối với những loại vật nuôi như: lợn, gà, trâu, bò. Đồng thời đầu tư cơ sở cung ứng con giống chất lượng sạch bệnh, hơn hết Nhà nước phải quản lý giá thức ăn chăn nuôi và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Từ ngày 22/8, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết trung thu tại 18 tỉnh, thành trên cả nước.
Chính phủ sẽ xem xét, hỗ trợ nếu doanh nghiệp đó chứng minh được mình có sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Sáng 11-8, giá vàng trong nước một lần nữa tiếp cận mức 46 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh vàng thế giới lại tăng lên mức kỉ lục mới.