Giải pháp nào cho cây chè Bát Tiên ở Văn Lãng?

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/8/2011 | 2:43:41 PM

YBĐT - Xã Văn Lãng (Yên Bình) hiện có 8 ha chè Bát Tiên là giống chè cho chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn những loại chè thông thường. Tuy chè Bát Tiên có rất nhiều điểm ưu việt song dường như người trồng chè vẫn chưa mấy mặn mà. >>>Sản xuất chè xanh: Chuyện ở chè Hương Lý

Thu hái chè. (Ảnh: Thanh Chi)
Thu hái chè. (Ảnh: Thanh Chi)

Năm 2007 tham gia dự án trồng chè chất lượng cao, Xã Văn Lãng đã trồng 8ha chè Bát Tiên ở 3 thôn là thôn 2, thôn 5 và thôn 6, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn 6. Đến nay sau gần 5 năm “bén rễ”, cây chè Bát Tiên đã mang lại những giá trị kinh tế đáng kể cho người dân trồng chè.

Chè Bát Tiên đã dần khẳng định được vị trí của mình nhờ hương thơm đặc trưng và sự đậm đà rất riêng của nó. Cũng chính vì những lý do đó mà ở cùng một địa phương, giá trị kinh tế của cây chè Bát Tiên so với các giống chè thông thường có sự khác biệt rõ rệt.

Dù thị trường chè có nhiều thời điểm biến động, giá chè bình thường xuống thấp thì chè Bát Tiên vẫn giữ được giá khá ổn định. Đa phần người dân nơi đây thường bán chè tươi chưa qua chế biến. Nếu như 1kg chè có giá bán bình quân trên thị trường khoảng 5 nghìn đồng thì 1kg chè Bát Tiên tươi có giá khoảng 10 ngàn đồng.

Thời điểm giá thấp nhấp cũng vẫn được 8 nghìn đồng, còn  được giá như thời điểm đầu năm nay thì 1kg chè Bát Tiên tươi có giá từ 12 - 15 nghìn đồng. Giá của 1kg chè Bát Tiên khô luôn ổn định ở mức bình quân từ 100 đến 120 ngàn đồng. Giá trị kinh tế hoàn toàn vượt trội, còn sản lượng chè Bát Tiên theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi tại Văn Lãng, so với chè thường cũng có sự chênh lệnh không nhiều.

Theo ông Ngô Văn Trung, ở thôn 6 xã Văn Lãng - gia đình ông có 2 ha chè Bát Tiên, cũng là gia đình có số diện tích chè Bát Tiên nhiều nhất ở Văn Lãng thì trừ mấy tháng mùa đông gần như không có chè để hái còn lại thời gian để thu hoạch mỗi lứa chè cách nhau từ 20 đến 25 ngày.

Ông chia sẻ: “Nếu tập trung chăm sóc tốt thì cứ 20 ngày tôi được thu hoạch một lứa chè. Nhà tôi có 2 ha chè, mỗi lứa hái được khoảng 1 tấn chè tươi. Với giá bán bình quân như hiện nay được khoảng gần chục triệu, trừ chi phí cũng bỏ ra được khoảng một nửa”. 

Rõ ràng chè Bát Tiên có rất nhiều ưu điểm và đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng chè nhưng lẽ thường thì người dân phải vui mừng và tập trung đầu tư vào phát triển diện tích chè của mình nhưng sau khi đi một vòng quanh diện tích trồng tập trung chè Bát Tiên tại thôn 6, trái với tưởng tượng của chúng tôi, các vườn chè của gia đình ông Ngô Văn Trung (2ha), Ngô Văn Hải (7 sào), Ngô Văn Tuấn (5 sào), Nguyễn Duy Nghĩa (5 sào) đều ở trong tình trạng đã hết lứa, cỏ mọc nhiều và lá chè có nhiều biểu hiện của sâu bệnh.

Qua tìm hiểu chúng tôi đã rõ thêm về những khó khăn mà người trồng chè Bát Tiên ở Văn Lãng đang gặp phải. Thực tế, cây chè Bát Tiên đòi hỏi khắt khe hơn về kỹ thuật trồng và chăm sóc so với một số giống chè cũ, và có lẽ chính một phần từ ưu điểm về chất lượng của cây chè Bát Tiên thơm ngon hơn chè thường nên ở những vườn chè Bát Tiên thường hay bị sâu bệnh hơn.

Nhiều gia đình khi thấy vườn chè có dấu hiệu bị bệnh đã tự đi mua thuốc về phun theo ý mình, với lý do hỏi những người bán thuốc họ cũng không biết và họ cũng “quên” hỏi cán bộ khuyến nông cơ sở. Nhiều khi do dùng thuốc không đúng bệnh nên đã phản tác dụng. Hơn nữa đối với những vườn chè gần nhà, việc phun thuốc trừ sâu trên một diện tích lớn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà trực tiếp ngay trước mắt là bầu không khí sống của gia đình.

Cũng chính vì vậy mà không thể phun đồng loạt toàn bộ vườn chè. Phun từng vùng, có thể phần nào khắc phục được việc mọi người trong gia đình phải ở trong tình trạng “ăn thuốc sâu, ngủ thuốc sâu” nhưng như vậy hiệu quả trừ sâu lại không cao. Do chưa có thị trường ổn định cho đầu ra của chè Bát Tiên ở Văn Lãng nên việc tiêu thụ, người dân vẫn tự đi liên hệ với các tư thương.

Nhiều khi vì chưa thỏa thuận được thời gian với tư thương dù chè đã đến ngày hái vẫn phải hoãn thu hoạch 1 vài ngày, khiến cho không chỉ khiến búp chè già hơn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của lứa chè sau. Đấy là với chè tươi, còn những hộ muốn chế biến chè khô phải mang đi khá xa, đến các cơ sở chế biến ở Văn Hưng (Yên Bình) hoặc Đại Phạm (Hạ Hòa, Phú Thọ) vì hiện nay cả thôn chưa có cơ sở chế biến chè nào.

Trong khâu thu hái chè Bát Tiên cũng cần sự tỉ mẩn hơn các giống chè thường, chỉ nên hái chè vào ngày nắng, tránh ngày mưa, nếu không chè sẽ bị ngấm nước mất vị ngon. Khi hái chọn búp có khoảng 5 lá rồi hái theo công thức một tôm hai lá và không được nèn chặt khiến cho chè dập nát sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và khó tiêu thụ. 

Cũng giống như mong muốn của nhiều người trồng chè Bát Tiên ở đây ông Trung chia sẻ: “Để có thể phát triển được vườn chè, chúng tôi mong muốn sẽ được tiếp cận nhiều hơn với kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho chè. Chúng tôi sẽ yên tâm hơn nếu có một cơ sở thu mua chè thương phẩm một cách ổn định và vững chắc, chúng tôi cũng mong muốn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để chúng tôi có được một cơ sở chế biến chè khô nhỏ thôi cũng được, đặt tại khu này để mỗi lần làm chè khô chúng tôi không phải đi xa hàng chục cây số như bây giờ”.

Hiện nay, với mỗi một lứa chè thu hoạch được được 1 tấn chè tươi, gia đình ông Trung cũng chỉ chế biến khoảng 10 kg chè khô. Nhiều gia đình khác cũng vậy, làm chè khô rất ít, thậm chí gần như không làm. Trong khi đó, theo như kinh nghiệm của những người làm chè lâu năm thì đối với giống chè cành như chè Bát Tiên, cùng với một diện tích chè, nếu so sánh bán chè tươi và chế biến để bán chè khô thì bán chè khô kinh tế hơn.

Nếu chế biến được chè khô, người trồng chè cũng có thể phần nào kiểm soát được giá thành sản phẩm, vì chè khô có thể giữ lại bán sau nếu thời điểm đó giá chè hạ hoặc có thời gian lựa chọn đầu ra cho chè sao cho hiệu quả nhất.

Việc có thể tự chế biến chè khô cũng giúp người trồng chè có thể chủ động được thời điểm thu hoạch từng lứa chè. Việc sản xuất chè không mang tính chuyên canh cũng ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng chè, khâu chăm sóc chè cũng rất cần đảm bảo thường xuyên, liên tục.

Đã đến lúc chúng ta cần tạo chỗ đứng vững chắc hơn cho cây chè Bát Tiên ở Yên Bình nói chung và ở Văn Lãng nói riêng, có như vậy mới có thể phát huy tối đa hiệu quả của loại chè chất lượng cao này.

Kim Ngân

Các tin khác
Tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP của Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 2006 đến nay.

Nợ nước ngoài của Chính phủ và do Chính phủ bảo lãnh đến cuối 2010 đạt 32,5 tỷ USD, tương đương 42,2% GDP và tăng 4,6 tỷ USD so với năm 2009.

Giá vàng giảm sau đó tăng trở lại.

Mở cửa phiên giao dịch của tuần mới (15/8), giá vàng trong nước giảm 20.000 đồng/chỉ. Tuy nhiên, sau đó giá kim loại quý này đảo chiều lên mức 4,45 triệu đồng/chỉ.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu kiểm tra gỗ tịch thu.

YBĐT -Từ đầu năm đến nay Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan công an, quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát ngăn trặn các hành vi buôn bán, vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn huyện.

Kè Ngòi Lung phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ được kè đá kiên cố.

YBĐT - Mùa mưa bão năm nay, huyện Văn Chấn (Yên Bái) chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống, hạn chế tối đa những thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục