Tăng khả năng chống giả cho đồng Việt Nam
- Cập nhật: Thứ năm, 18/8/2011 | 2:25:54 PM
Dự thảo Nghị định về nghiệp vụ phát hành tiền, bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến.
Tăng khả năng làm giả cho đồng tiền Việt Nam.
|
Theo đó, dự thảo bổ sung thêm quy định Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc cài đặt các yếu tố bảo an nhằm tăng cường khả năng chống giả cho đồng tiền Việt Nam.
Lý giải điều này, cơ quan soạn thảo cho biết, hiện nay quy định về việc cài đặt các yếu tố bảo an là do Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế thi hành, quy định này chưa tạo được tính chủ động cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong các tác nghiệp cụ thể như việc cài đặt ban đầu hoặc cài đặt bổ sung các yếu tố bảo an nhằm gia tăng tính bảo an cho đồng tiền đang lưu hành khi cần thiết. Bên cạnh đó, việc cài đặt các yếu tố bảo an là công việc mang tính kỹ thuật, là hoạt động tác nghiệp cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
Dự thảo bổ sung thêm về việc thiết kế mẫu tiền cũng cần có tính thẩm mỹ cao, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời dễ nhận biết để cán bộ ngân hàng và người dân đều có thể nhận biết được tính xác thực của đồng tiền. Đồng tiền cũng phải phù hợp với xu hướng thiết kế mẫu tiền trên thế giới, bảo đảm độ bền (chất liệu, mực in...), có khả năng chống giả cao, thuận tiện cho việc xử lý tiền khi ứng dụng các máy móc xử lý tiền, giảm dần lao động thủ công, từng bước cơ giới hóa, tự động hóa công tác xử lý tiền mặt.
Hơn nữa, để bảo đảm tiền giao cho Ngân hàng Nhà nước có chất lượng cao, cần thiết phải tăng cường trách nhiệm của các cơ sở in, đúc tiền trong việc cải tiến, ứng dụng công nghệ chế bản, in, đúc tiền và hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách đồng bộ. Do vậy, dự thảo bổ sung thêm quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ sở in, đúc trong việc thực hiện in, đúc tiền theo hợp đồng với Ngân hàng Nhà nước; bổ sung quy định về thẩm quyền phê duyệt việc in, đúc tiền tại nước ngoài.
Một điểm đáng lưu ý khác là quy định về việc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng được thực hiện cung ứng dịch vụ ngân quỹ thông qua việc thu, chi tiền cho chủ tài khoản, bảo quản, vận chuyển, kiểm đếm, phân loại và xử lý tiền. Điều này nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc quản lý, cung ứng tiền mặt; đảm bảo chất lượng đồng tiền trong lưu thông, tạo cơ sở pháp lý để quy định tổ chức tín dụng nào được phép giao dịch tiền mặt với Ngân hàng Nhà nước, nhằm giảm áp lực cho Ngân hàng Nhà nước về giao dịch tiền mặt.
Trên thực tế, thời gian qua do nhu cầu sử dụng lớn, tốc độ luân chuyển tiền mặt tăng cao, lượng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông lớn. Khối lượng thu, chi tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước tăng cao. Giai đoạn 2001-2005, Ngân hàng Nhà nước bội chi 18.800 tỷ đồng một năm, các năm 2005 bội chi khoảng 18.000 tỷ đồng tỷ năm. Nhưng đến năm 2009 bội chi gần 70.000 tỷ đồng. Trung bình từ năm 2005-2006, tiền trong lưu thông quay vòng hơn 3 lần mỗi năm qua hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, số lượng tiền mặt Ngân hàng Nhà nước phải kiểm đếm, phân loại ngày càng tăng lên theo quy mô của nền kinh tế. Thống kê sơ bộ từ năm 2005 đến 2010, cho thấy tốc độ tăng tiền mặt trung bình hàng năm là khoảng 18-20,8% một năm.
Số lượng tổ chức tín dụng, chi nhánh, hội sở của các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước phải đáp ứng yêu cầu tiền mặt tăng nhanh những năm gần đây. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có hơn 100 đầu mối chi nhánh tổ chức tín dụng, TP HCM có gần 200 đầu mối chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, vấn đề nổi cộm là tất cả chi nhánh cấp I của các tổ chức tín dụng đều được gửi, rút tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh vào bất kỳ lúc nào; có thể thực hiện cả gửi và rút nhiều lần trong ngày làm việc. Điều đó tạo nên sức ép ngày càng lớn đối với công tác ngân quỹ của Ngân hàng Nhà nước và cho thấy sự bất cập, thiếu hiệu quả trong việc quản lý và cung ứng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, khi Nghị định đi vào thực tế sẽ góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ ngân quỹ, tăng cường chất lượng đồng tiền trong lưu thông, nâng cao hiệu quả quản lý công tác phát hành và kho quỹ, hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động phát hành và kho quỹ.
Đồng thời, Nghị định mới sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả, hủy hoạt đồng tiền trái pháp luật, hành vi từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành, giúp người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ đồng tiền Việt Nam, nâng cao uy tín đồng tiền quốc gia trên trường quốc tế.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Tổng cục Thuế vừa có văn bản hướng dẫn xác định người phụ thuộc để tính giảm trừ gia cảnh, theo đó khái niệm người phụ thuộc được mở rộng hơn so với trước.
YBĐT - Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật, đến thời điểm ngày 10/8, trên phạm vi toàn tỉnh Yên Bái đã có 1.116 ha lúa mùa nhiễm sâu bệnh, trong đó: nhẹ 939 ha, trung bình 159 ha, nặng 17 ha.
YBĐT - Trong một vài năm trở lại đây đời sống nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao huyện Văn Chấn (Yên Bái) có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vùng quê đã trở nên trù phú tươi đẹp hơn.
Nhiều sản phẩm chưa đảm bảo các yêu cầu VSATTP, tất cả các chi phí đầu vào tăng mạnh, giá thành sản phẩm tăng cao hơn tốc độ tăng giá xuất khẩu…