Văn Yên: Bảo tồn phát triển và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm quế

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/8/2011 | 3:08:27 PM

YBĐT - Nói đến Văn Yên là nói đến cây quế. Cây quế Văn Yên nổi tiếng bởi chất lượng không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình mà còn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Dao Văn Yên.

Sản phẩm quế vỏ của đồng bào Dao. (Ảnh: H.N)
Sản phẩm quế vỏ của đồng bào Dao. (Ảnh: H.N)

Nhiều năm qua, cây quế được xác định là cây kinh tế mũi nhọn và chiến lược của huyện Văn Yên, góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân Văn Yên thoát nghèo. Cây quế vừa có giá trị kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa.

Cây quế đã gắn liền với đời sống nhân dân các dân tộc Văn Yên từ bao đời nay, từ cây xoá đói giảm nghèo, đến nay, cây quế đã trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Cây quế Văn Yên đã giúp người dân vượt qua đói nghèo, rất nhiều hộ gia đình có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Hàng năm thu nhập từ cây quế đã mang lại cho nông dân trồng quế Văn Yên hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Bên cạnh đó, cây quế là món quà rất ý nghĩa của cha mẹ dành cho con cái khi dựng vợ, gả chồng. Quế được xem như của hồi môn, như vốn liếng của cha mẹ giúp con tạo lập cuộc sống gia đình.

Cây quế đã gắn bó với đời sống thường ngày của người dân. Không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình mà cây quế còn không thể thiếu trong đời sống văn hoá của cộng đồng người Dao ở Văn Yên. Trong suốt mấy chục năm qua, nhân dân trong vùng quế Văn Yên đã vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng và phát triển nghề trồng quế tại địa phương. Qua nhiều thế hệ với tư duy sáng tạo, bám đất, bám rừng, trăn trở tìm giải pháp nâng cao chất lượng cho cây quế, đến nay chất lượng quế Văn Yên đã và đang có uy tín trên nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, sức cạnh tranh trên thị trường của quế Văn Yên vẫn còn hạn chế do thị trường tiêu thụ sản phẩm quế chưa ổn định, giá trị của sản phẩm cũng chưa được thị trường thừa nhận và chưa được bảo hộ. Chưa có một sự liên kết chặt chẽ giữa những người trồng quế với những đơn vị thu mua, chế biến, kinh doanh quế, do vậy tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá vẫn còn xảy ra, mà người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người trồng quế.

Vừa qua, UBND huyện Văn Yên cũng đã chỉ đạo thành lập Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh quế Văn Yên nhằm tăng cường mối liến kết giữa người trồng quế với các đơn vị thu mua, chế biến và kinh doanh quế. Hội sản xuất, chế biến kinh doanh quế, là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động tự nguyện, đoàn kết, hợp tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ, quảng bá sản phẩm quế Văn Yên chất lượng cao, nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống, bảo vệ lợi ích của người sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng góp phần phát triển sản xuất quế hàng hoá theo phương hướng bền vững.
 Văn Yên chưa có những doanh nghiệp đủ mạnh, để ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm quế cho nông dân một cách ổn định, bền vững. Mặt khác, người trồng quế Văn Yên vẫn chưa quen với phương thức làm ăn mới, đó là chưa tạo được sự gắn kết giữa người trồng quế với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ quế. Người trồng quế vẫn khai thác và bán quế theo nhu cầu chi tiêu của gia đình mà chưa theo nhu cầu của thị trường, nên việc tiêu thụ quế lúc được giá, lúc rớt giá.

Mặt khác là do công tác quản lý chất lượng giống quế chưa được quan tâm. Việc lựa chọn những giống quế tốt đưa vào trồng ở một số gia đình chưa được quan tâm, có hộ còn mua cả những giống quế không rõ nguồn gốc đưa vào trồng nên chất lượng quế không cao. Bên cạnh đó, một số tư thương lợi dụng uy tín của quế Văn Yên đã đưa quế từ những địa bàn khác, trà trộn vào quế Văn Yên, đã làm giảm niềm tin của khách hàng vào chất lượng quế Văn Yên. Cuối cùng, do công tác tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm quế Văn Yên chưa nhiều và chưa hiệu quả nên thông tin về quế Văn Yên chưa đến được với khách hàng và những thị trường đang có nhu cầu thực sự về sản phẩm quế. Việc tiêu thụ quế còn qua quá nhiều khâu trung gian nên chi phí rất tốn kém.

Chủ trương của huyện là phát triển vùng quế một cách ổn định và từng bước nâng cao chất lượng quế. Hiện nay vùng trồng quế chủ lực của huyện Văn Yên gồm 8 xã: Châu Quế Hạ, Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Tân Hợp, Đại Sơn, Mỏ Vàng và Viễn Sơn với tổng diện tích 12.327,38 ha. Song song với việc duy trì vùng trồng quế hiện nay, UBND huyện Văn Yên chủ trương từng bước cải tạo và nâng cao chất lượng đối với sản phẩm quế Văn Yên, từ khâu lựa chọn giống đến trồng, chăm sóc và thu hoạch quế.

Trước mắt, cần thực hiện tốt công tác duy trì bảo tồn cây giống, bảo tồn nguồn gen quế địa phương, chống pha tạp giống quế; bảo tồn các nương quế phục vụ du lịch, vùng sinh thái tại địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm quế theo quy trình kỹ thuật hiện đại, phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước để bảo vệ và phát huy thương hiệu: “Quế Văn Yên”, nhằm không ngừng nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng quế cũng như các đơn vị chế biến kinh doanh quế, để cây quế thực sự là cây đặc sản, là cây kinh tế chủ lực trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo và xây dựng dự án cấp Nhà nước. Đồng thời tiếp tục chủ trì thực hiện Dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Văn Yên” cho sản phẩm quế của huyện, mục tiêu cụ thể của dự án này gồm 4 nội dung cơ bản sau: chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên được sử dụng và quản lý có hệ thống và hiệu quả.

Chất lượng sản phẩm quế mang chỉ dẫn địa lý Văn Yên được kiểm soát chặt chẽ và bảo đảm thông qua hệ thống quản lý khép kín từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản đến tiêu thụ và phân phối sản phẩm. Từ đó, góp phần gìn giữ và phát triển uy tín, danh tiếng của sản phẩm.

Triển khai đồng bộ, rộng rãi các hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm quế mang chỉ dẫn địa lý Văn Yên. Mở rộng và phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm quế mang chỉ dẫn địa lý, góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho đồng bào, người dân vùng trồng quế.

Mạnh Cường - Mỹ Vân

Các tin khác

Sáng nay, 25-8, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tháng 8-2011 chỉ còn ở mức 8,3 tỷ USD, giảm tới hơn 1 tỷ USD so với tháng 7. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu bất ngờ tăng thêm khoảng 900 triệu USD, đạt 9,1 tỷ USD.

Hãng tập trung vào các đường bay có nhu cầu cao Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…

Sáng nay, 25-8, giá vàng trong nước giảm 1,65 triệu đồng/lượng so với giá cuối chiều qua, còn 45,8 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới đêm qua giảm hơn 100 USD/ounce - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1980.

Đường Nguyễn Tất Thành (T.P Yên Bái) được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại. (Ảnh:  Quang Thiều)

YBĐT - Đến nay, Yên Bái đã có mạng lưới giao thông đường bộ rộng khắp với 6.703 km, trong đó có 4 tuyến quốc lộ với tổng số 377 km, 15 tuyến tỉnh lộ với tổng số 424 km, 5.694 km đường giao thông nông thôn - miền núi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục