Hợp tác đưa vốn tới nông dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/8/2011 | 3:29:41 PM
YBĐT - Hiện nay, HND tỉnh Yên Bái có 96.000 hội viên chiếm 72% số nông dân trên toàn tỉnh. Để đưa vốn đến với nông dân, NHNN&PTNT và HND đã có thoả thuận hợp tác từ năm 2000 nhằm thực hiện Quyết định 67/QĐ của Chính phủ về một số chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nông dân cần vốn để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Ảnh: Nông dân huyện Văn Yên chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa.
|
Vốn là điều kiện “cần” trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất theo quy mô lớn và phát triển theo hướng hàng hóa. Đáp ứng vốn phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Chính sách đã có nhưng để vốn đến được với nông dân cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành đặc biệt là Hội Nông dân (HND) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN&PTNT).
Hiện nay, HND tỉnh Yên Bái có 96.000 hội viên chiếm 72% số nông dân trên toàn tỉnh. Để đưa vốn đến với nông dân, NHNN&PTNT và HND đã có thoả thuận hợp tác từ năm 2000 nhằm thực hiện Quyết định 67/QĐ của Chính phủ về một số chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau hơn 11 năm triển khai, đã có gần 9.000 hộ nông dân được vay vốn thông qua 413 tổ vay vốn với dư nợ đạt 111,6 tỷ đồng. Các tổ vay vốn đã tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận nguồn vốn của NHNN&PTNT.
Người nông dân thuận lợi hơn, giảm bớt thời gian khi giao dịch vay vốn của ngân hàng. Từ vốn vay của NHNN&PTNT, nhiều gia đình đã thay đổi cách làm ăn, chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, góp phần ổn định việc làm và tăng thu nhập. Nhiều hộ đầu tư phát triển những trang trại lớn, cho thu nhập cao như ông Đỗ Văn Thăn (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên), bà Nguyễn Thị Lan (xã Yên Thắng, huyện Lục Yên), bà Nguyễn Thị Hoàn (xã Mậu Đông, huyện Văn Yên)…
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập với lãi suất ưu đãi với mạng lưới tổ vay vốn đến tận thôn, bản cộng thêm khủng hoảng kinh tế đã tác động đến hoạt động cho vay tín dụng của nhiều ngân hàng thương mại. Thêm nữa, NHNN&PTNT đã cắt giảm khâu trung gian là các tổ chức hội và cho vay trực tiếp đến những hộ gia đình có nhu cầu, vì vậy sau nhiều năm thực hiện nhưng đến nay chỉ còn HND 3 huyện Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình duy trì được các tổ vay vốn với NHNN&PTNT.
Nhìn từ nhiều phía, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách với mức lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, NHCSXH chỉ cho vay tối đa 30 triệu đồng mỗi hộ. Số vốn đó không đủ để sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Ví dụ, theo tính toán của những hộ chăn nuôi, với thời điểm giá cả như hiện nay, muốn đầu tư một trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 100 con/lứa thì cần số vốn khoảng 200 triệu đồng, vì vậy, số tiền vay vốn ưu đãi từ NHCSXH chưa thể đáp ứng được nhu cầu.
Trong khi đó, Nghị định 41/CP quy định mức cho vay tối đa đến 50 triệu với các đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tối đa đến 500 triệu đồng đối với các đối tượng là hợp tác xã, chủ trang trại đã thực sự mở đường cho những nông dân muốn làm ăn lớn.
Với tổ chức từ tỉnh đến tận chi hội tại các thôn, bản, HND sẽ là cầu nối để đưa vốn đến đúng đối tượng cần vốn. Vừa qua, NHNN&PTNT và HND tỉnh đã ký thoả thuận hợp tác thực hiện Nghị định 41/CP. Tuy nhiên, trong “lần hợp tác thứ hai này”, hai bên cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cấp hội và chi nhánh của NHNN&PTNT tại các huyện, thị, thành phố.
Đặc biệt, những hội viên HND khi vay vốn ngân hàng cần thông qua các tổ chức hội, điều đó sẽ tạo ra cộng đồng trách nhiệm trong việc sử dụng vốn. Đồng thời, ngân hàng cũng cần kịp thời giải ngân vốn để tạo dựng niềm tin cho nông dân. Nông dân cần vốn để làm ăn lớn và ngân hàng cũng cần khách hàng để phát triển, do đó cái “bắt tay” này thực sự là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hồng Khanh
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung giấy chứng nhận) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Trưa nay, giá vàng trong nước đã tăng tiếp 700.000 đồng và tạm đứng ở mức 47,72 triệu đồng. Tính đến 11 giờ 30 phút, giá vàng SJC đang giao dịch ở mức 46,70-47,20 triệu đồng/lượng.
Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm mô tô, xe gắn máy tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2012.
YBĐT - Sở Khoa học Công nghệ (KH&CN) tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Yên tổ chức đoàn kiểm tra nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài “Xây dựng mô hình trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày trong rừng cao su ở giai đoạn kiến thiết cơ bản trên địa bàn tỉnh Yên Bái”, do Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Yên Bái thực hiện.