Hướng đi nào cho cây nhãn Văn Chấn?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/9/2011 | 9:33:35 AM

YBĐT - Sau nhiều vụ thất bát, năm nay các vườn nhãn của Văn Chấn (Yên Bái) lại trĩu quả nhưng niềm vui này không trọn vẹn khi mà giá 10kg nhãn không mua nổi 1kg thịt lợn. Đó là một thực tế đáng buồn của người trồng nhãn Văn Chấn.

Nhãn được mùa nhưng rớt giá.
Nhãn được mùa nhưng rớt giá.

Được mùa, mất giá

Hơn một thập niên về trước, cái thời long nhãn lên ngôi được tư thương Trung Quốc săn đón, cây nhãn được coi là cây hái ra tiền, Văn Chấn đã rộ lên phong trào trồng nhãn. Sau thời hoàng kim đó, các vùng nhãn ở Văn Chấn mất mùa triền miên. Năm 2011, nhiều người trồng nhãn mừng ra mặt vì nhãn được mùa.

Đi dọc quốc lộ 32 từ Đồng Khê vào đến thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, hai bên đường những rặng nhãn sai trĩu trịt. Đã lâu lắm rồi, nhãn Văn Chấn mới lại được mùa như thế. Nhưng nỗi buồn mất giá lại hiện hữu trên khuôn mặt người trồng. Thời điểm này dù đã vào chính vụ nhưng không khí ở các vùng nhãn Văn Chấn vẫn trầm lắng, không còn cảnh thương nhân tấp nập mua bán, các chủ lò làm long nhãn đến gõ cửa từng hộ để thu mua.

Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ - nơi sở hữu diện tích nhãn nhiều nhất huyện Văn Chấn với trên 150 ha cũng trong cảnh đìu hiu. Dẫn chúng tôi thăm vườn nhãn rộng 400m2, anh Phùng Văn Thụy ở tổ dân phố 6B cho biết: "Đã lâu rồi vườn nhãn nhà tôi mới sai quả như thế này, nhưng không hiểu sao giá nhãn lại thấp đến thế nên thu nhập từ nhãn cũng chẳng đáng là bao. Nhãn ngon làm quà bán được hơn 10.000 đồng/kg, giảm một nửa so với giá nhãn vụ trước”.

Những hộ trồng nhãn thóc, nhãn nước, cùi mỏng giá rẻ quá không bõ công thuê hái. Có nhiều hộ rao bán nhãn tại nhà với giá 1.500 đồng/kg nhưng thương lái đến còn chả muốn mua, họ nâng lên đặt xuống chê ỏng eo. Nhà nào có nhân công thì mang ra đường bán, nhà không có người bán còn không thèm thu hái chỉ để ăn chơi và chờ nhãn rụng.

Ông Nguyễn Văn Vinh. Phó chủ tịch UBND thị trấn cho biết: "Năm nay, nhãn được mùa, sản lượng khoảng 100 tấn, gấp 10 lần so với năm ngoái, nhưng giá thu mua thì chỉ thấp bằng nửa năm trước. Nhãn chất lượng có giá trung bình từ 10-12.000 đồng/kg, còn nhãn để chế biến long cũng chỉ được mua với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg".

Theo nhiều hộ dân, nguyên nhân giá nhãn năm nay thấp là do nhiều nơi được mùa. Các cơ sở chế biến long nhãn cũng "đóng băng" do giá nhân công cao cùng với đó là không có đầu ra nên sản xuất cầm chừng. Nếu như trước đây thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, mỗi tổ dân phố có hàng chục cơ sở chế biến long nhãn thì nay cả thị trấn chỉ còn vài ba cơ sở. Những năm trước khi thương nhân còn săn lùng thu mua long nhãn với số lượng lớn, các lò chế biến long nhãn mọc lên như nấm.

Nhãn hồi đó quý đến nỗi cứ vào vụ thu hoạch nhãn người trồng nhãn lại tìm cách bảo vệ để ngăn lũ dơi phá hoại, còn đám trẻ con thì chỉ được ăn những quả rơi vãi khi thu hái. Nay nhãn sai trĩu cành nhưng cả yến nhãn ngon cũng không đổi được một kg thịt lợn. Đó là thực trạng đáng buồn trong điệp khúc “được mùa, mất giá” của nhiều mặt hàng nông sản không riêng nhãn.

 

Các cơ sở chế biến long nhãn trên địa bàn Văn Chấn chỉ hoạt động cầm chững.

Hướng đi nào cho cây nhãn?

Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích, sản lượng nhãn lớn nhất tỉnh Yên Bái.  Vào những năm 90 trở về trước là thời kỳ vàng son của cây nhãn, nhà nhà trồng nhãn, nhãn mọc quanh nhà, nhãn leo lên đồi, diện tích trồng nhãn có thời điểm lên trên 1.900ha.

Giá cả ổn định, người trồng nhãn phất lên trông thấy và đã trở thành cây trồng mũi nhọn của không ít các hộ dân ở Văn Chấn. Cứ đến mùa thu hoạch, các thương nhân ở khắp nơi đổ về mua nhãn, nhiều nhà còn mở lò sấy, chế biến long nhãn để tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đang là cây trồng chủ lực nhưng do những biến cố về mặt thời tiết cùng với việc không quan tâm đầu tư chăm sóc, nhiều diện tích nhãn bị thoái hóa dẫn đến năng suất, chất lượng giảm.

Đặc biệt từ năm 2008 nhãn mất mùa triền miên, thị trường bấp bênh khiến nhãn trở thành loại cây trồng “bỏ thì thương, vương thì tội” của không ít hộ dân. Nhãn mất mùa, chất lượng kém, nguồn thu bấp bênh khiến nhiều nhà phá bỏ nhãn chuyển đổi cây trồng khác. 

Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Chủ trương của huyện là đối với diện tích nhãn trồng trên đồi cao trên 200m sẽ chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trước mắt có thể trồng cây lương thực như cây ngô, sắn, sau chuyển sang trồng rừng kinh tế. Giữ vùng nhãn đi vào thâm canh ở diện tích  thấp dưới 200m ở các vườn đồi của nhân dân, cải tạo và quy hoạch ổn định diện tích 600 ha”.

Việc phát triển vùng nhãn tập trung theo hướng thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho cây nhãn chưa được nhắc đến. Hiện nay, người dân vẫn tự tiêu thụ nhãn bằng cách bán quả tươi tại vườn, tại chợ và bán cho các cơ sở chế biến long nhãn nên giá nhãn lên, xuống thất thường. Sau nữa là kỹ thuật trồng nhãn, nếu trồng được nhãn rải vụ thì thời gian thu hoạch nhãn sẽ kéo dài hơn, nhãn cũng được bán rải ra để tiêu thụ dần, đỡ mất giá.

 

Những chùm nhãn như thế này cũng chỉ bán được 5.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của huyện Văn Chấn, từ năm 2005 trở lại đây diện tích nhãn của toàn huyện giảm 775 ha. Trước thực trạng trên, huyện Văn Chấn đã xây dựng Đề án phát triển cây nhãn giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu của Đề án là thay thế cải tạo các giống nhãn chất lượng thấp bằng các giống chất lượng cao, có giống chín sớm, có giống chín muộn để nâng cao giá trị hàng hóa của cây nhãn; phấn đấu đến năm 2015 Văn Chấn sẽ cải tạo được 150 ha tập trung ở các xã: Sơn Thịnh, Phù Nham, Sơn A, Đồng Khê...

 Văn Thông

Các tin khác
Giá điện sẽ tiếp tục tăng trong tháng 9?

Góp ý về tổng kết thực hiện quy hoạch điện VI và giải pháp thực hiện quy hoạch điện VII, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị bộ Công thương cho phép được điều chỉnh giá bán điện trong tháng 9/2011.

Tỉnh Yên Bái đã có nhiều biện pháp tháo gỡ cho SXKD

YBĐT - Để tiếp tục thực tốt các giải pháp kiềm chế lạm phát, Cục thuế tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho tỉnh thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu đối với các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc NSNN.

Em hà Thị Hiền đang giúp mẹ dệt vải.

YBĐT - Nếu Nghĩa Lộ có các dự án lớn đầu tư, phát triển du lịch văn hoá cộng đồng hiệu quả, trong đó việc quảng bá sản phẩm, tìm thị trường một cách bài bản, thì nghề dệt thổ cẩm sẽ phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư về phí trước bạ, theo đó mức phí trước bạ ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) sẽ được nâng lên từ 10-20%, mức áp dụng cụ thể sẽ do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục