Bảo Hưng hướng đến vùng sản xuất chè sạch
- Cập nhật: Thứ hai, 12/9/2011 | 2:52:41 PM
YBĐT - Thuận lợi và tiềm năng không ít nhưng những khó khăn vẫn còn nhiều, hầu hết bà con nông dân trồng chè ở Bảo Hưng đều có chung một mong muốn đó là có sự hỗ trợ thêm của các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp về vốn, kỹ thuật, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.
Người dân thôn Trực Thach, xã Bảo Hưng (Trấn Yên) thu hái chè búp tươi.
|
Trong khi nhiều người dân trồng chè ở một số địa phương trong tỉnh cũng như trên địa bàn huyện Trấn Yên đang rơi vào tình cảnh lao đao khi sản phẩm chè làm ra khó bán hoặc không bán được chỉ vì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà sản xuất chè không đảm bảo vệ sinh thì tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên các hộ dân trồng chè yên tâm sản xuất và đang có một vụ thu hoạch thuận lợi với giá trị thu nhập cao nhờ luôn đặt uy tín và chất lượng lên hàng đầu trong quy trình sản xuất và chế biến chè.
Là xã nằm trong vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện Trấn Yên, Bảo Hưng có tổng diện tích chè 203 ha trong đó có trên 60 ha chè chất lượng cao, 40ha chè lai. Nhiều năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương nên người trồng chè ở bảo Hưng đã luôn chú trọng tới việc cải tạo, đầu tư thâm canh và chế biến chè an toàn đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng do đó hiện nay đây là địa phương đầu tiên và duy nhất xây dựng được thương hiệu chè xanh an toàn có uy tín ở Trấn Yên.
Chú trọng nâng cao chất lượng chè hàng năm xã Bảo Hưng luôn tích cực vận động nhân dân trồng cải tạo chè già cỗi chất lượng thấp bằng các giống chè chất lượng cao như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LĐT1, từ đầu năm đến nay xã cải tạo được 28,5 ha, phấn đấu năm 2015 cải tại 100% diện tích chè chất luợng cao.
Nhấp ngụm nước chè mới pha được sản xuất theo “công nghệ Thái Nguyên”, ông Nguyễn Văn Bẩy- Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng giải thích ngay: “Vừa qua chúng tôi tổ chức cho 12 hộ dân sang Tân Cương Thái Nguyên 5 ngày để học cách chăm sóc, thu hái, công nghệ chế biến và quảng bá thương hiệu chè. Nếu chất lượng và giá cả cứ đuợc như hiện nay thì tốt quá, người dân chúng tôi sẽ có hy vọng để gắn bó với cây chè hơn.
Hiện nay, cây chè là cây thu nhập chính của người dân nơi đây. Việc cải tạo đưa giống chè chất lượng cao vào trồng và cách sản xuất chè an toàn đang có bước chuyển trong tư duy của người dân. Tới đây xã sẽ điều chỉnh một số diện tích đất lúa, màu, đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè, phấn đấu đạt 300 ha”. Trực Thanh là một trong số 3 thôn được chọn để xây dựng vùng sản xuất chè an toàn có thương hiệu riêng.
Toàn thôn 105 hộ dân, 100% hộ dân trong thôn đều gắn bó với cây chè từ nhiều năm nay, tất cả người dân đều hiểu rằng cây chè là cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu nơi đây và chỉ có cây chè là cho họ thu nhập ổn định và bền vững. Hiện nay toàn thôn có trên 70% hộ dân có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng từ cây chè đa số các hộ đều tự chế biến chè tại gia đình theo cách thủ công.
Chè Bát Tiên sau khi chế biến được nhiều người biết đến với hương vị thơm ngon.
Tới thăm nương chè của gia đình chị Hoàng Thị Thoa khi gia đình chị đang thu hái chè, chị cho biết: “Mọi chi tiêu trong gia đình từ tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền ăn học các cháu, mua sắm tiện nghi phục vụ sinh hoạt của gia đình tôi đều trông vào hơn 13 sào chè Phúc Vân Tiên này. Nhờ được tập huấn từ cách dùng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc, thu hái, chế biến… nên chè của chúng tôi làm ra đảm bảo an toàn thực phẩm, làm ra đến đâu hết đến đó, nhiều khi khách còn đến đặt hàng trước”.
Những người làm chè nơi đây thực hiện chế biến chè hoàn toàn theo quy trình sạch từ khi thu hái đến khi cho ra sản phẩm chè khô. Ngay trong việc thu hái chè búp tươi các hộ dân ở đây vẫn áp dụng phương pháp hái tay truyền thống, chỉ hái khi 30% số lượng búp đạt tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá, 1 lá chừa. Ngoài ra, để thu hái được những búp tươi có chất lượng nhất bà con chỉ thu hái trong thời gian từ sáng sớm đến trước 10 giờ, đây là thời gian mà búp chè tích lũy nhựa và có chất lượng ngon nhất trong ngày. Sau khi thu hái về sẽ cho chè búp vào chế biến ngay để chè đạt độ nước thơm ngon và màu chè xanh.
Chính những yếu tố và cách chế biến chè như vậy đã làm cho các sản phẩm chè xanh của Bảo Hưng ngày càng được ưa chuộng và luôn bán được với giá cao như tại thời điểm này chè Bát Tiên có giá 100.000/kg, chè Phúc Vân Tiên 85.000/kg. Là một trong số 12 hộ dân vừa được đi tập huấn ở Thái Nguyên về, anh Trần Văn Trường bắt tay ngay vào chế biến thử và bước đầu cho kết quả, cánh chè nhỏ hơn, chất lượng nước thơm ngon và xanh hơn... Theo anh, nếu người trồng chè Bảo Hưng chế biến được theo tiêu chuẩn này thì không những có thương hiệu trong tỉnh mà sẽ lan ra cả nước.
Thuận lợi và tiềm năng không ít nhưng những khó khăn vẫn còn nhiều, hầu hết bà con nông dân trồng chè ở Bảo Hưng đều có chung một mong muốn đó là có sự hỗ trợ thêm của các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp về vốn, kỹ thuật, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Điều cần nhất với người trồng chè nơi đây là có một “bà đỡ”, cụ thể là cần có một doanh nghiệp đứng ra thu mua và tiêu thụ sản phẩm, đưa chè Bảo Hưng vươn rộng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Thêm vào đó nếu có một cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, nghiên cứu về phát triển cây chè sẽ rất tốt cho việc hiện nay tỉnh Yên Bái đang khảo sát, quy hoạch, xây dựng thương hiệu và định hướng phát triển vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VIGAP trên địa bàn xã. Đây là cơ hội để người làm chè xã Bảo Hưng xây dựng được thương hiệu chè sạch cho mình.
Hồng Duyên
Các tin khác
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa gửi một lá thư đặc biệt tới Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với nhiều đề xuất cải tổ mạnh mẽ, trong đó có việc đưa lãi suất về 12%, thay đổi cách quản lý vàng và cắt giảm tới 20% số lượng ngân hàng cổ phần.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh liên quan đến đề nghị ưu đãi phí xăng dầu theo đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
YBĐT - Năm 2011, thành phố Yên Bái có 35 công trình, dự án tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó 8 công trình đã hoàn thành.
Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu các địa phương căn cứ vào nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2011 đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ và tiến độ thực hiện dự án, ưu tiên vốn cho các hạng mục đã khởi công và sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2011.