Trại Giống thuỷ sản Nghĩa Lộ: Nguồn sản sinh nhân tạo cá đặc sản

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/9/2011 | 3:17:15 PM

YBĐT - Từ việc cho đẻ nhân tạo thành công giống cá chiên, Trại Giống thuỷ sản Nghĩa Lộ (Yên Bái) đang hướng tới việc nghiên cứu cho đẻ nhân tạo với giống cá lăng hay còn gọi là cá quất. Bởi vì, hai loài cá này cùng họ với nhau và tập quán sinh sản, môi trường sống… tương đối đồng nhất.

Trại Giống thủy sản Nghĩa Lộ cung cấp cá giống cho khác hàng.
Trại Giống thủy sản Nghĩa Lộ cung cấp cá giống cho khác hàng.

Cơ sở vật chất của Trại Giống thủy sản Nghĩa Lộ rất khiêm tốn trên một khu vực mặt bằng khoảng chục ha. Về nhân lực cũng không đông và số người có trình độ đại học thuỷ sản cũng rất hạn chế nhưng qua hàng chục năm hình thành, Trại giống không chỉ giữ vai trò cung ứng giống cho các huyện, thị phía tây của tỉnh và các tỉnh lân cận như Sơn La, Lào Cai, Lai Châu… mà còn rất “có duyên” trong việc cho đẻ nhân tạo thành công một số giống cá tự nhiên quý hiếm.

Cách đây hơn chục năm, khi Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Miền Bắc đã đi nhiều nơi để nghiên cứu ứng dụng đề tài cho đẻ nhân tạo giống cá bỗng - một loại cá ngon và rất hiếm thường chỉ có trong các dòng suối lớn ở một số tỉnh: Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang đều thất bại thì Trại giống Thuỷ sản Nghĩa Lộ đến năm thứ 3 đã làm chủ được kĩ thuật này.

Sau khi thành công, Trại đã giành được uy tín của Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Miền Bắc cho triển khai tiếp Đề tài thuần hoá thuần dưỡng và cho đẻ nhân tạo giống cá chiên và cá anh vũ. Đây là đề tài cấp Trung ương và trước đó cũng đã được thử nghiệm ở một số tỉnh nhưng chưa thành công do đây là loại cá quý hiếm và chỉ sinh sản trong môi trường tự nhiên. Đặc biệt là chưa có một tài liệu nghiên cứu về cá chiên sinh sản tự nhiên và nhân tạo nhưng kĩ sư Trại trưởng - Trần Ngọc Thư cùng toàn thể anh em trong đơn vị vẫn quyết tâm thực hiện.

Từ nỗ lực đó, đã cho đẻ thành công đối với giống cá chiên. Quá trình thực hiện đề tài này phải trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn I từ năm 2007 đến 2008, Trung tâm Giống thuỷ sản nước ngọt Miền Bắc đã đưa về 40 cặp giống cá chiên bố mẹ với tổng lượng 300 kg. Cá được thuần dưỡng trong ao khoảng hơn 3 tháng thì bắt đầu nghiên cứu cho đẻ vào khoảng tháng 4 năm 2008. Thật bất ngờ là việc cho cá chiên đẻ đã thành công vượt xa mong muốn và ngay trong năm 2008, Trại đã thu 10 vạn cá giống.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ cuối 2008 đến 2010 và người tiếp tục thực hiện Đề tài là kĩ sư Trại trưởng Hoàng Ngọc Đại. Toàn bộ số cá chiên giống lại phải đi mua từ huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang do đợt rét bất thường kéo dài cuối năm 2008 đầu 2009 đã làm chết hết cá mẹ và cá bố thì phải mổ để lấy sẹ cho đợt cá mẹ đẻ tháng 4 năm 2008.

Đến năm 2010, lứa cá bố mẹ mới đã đến tuổi sinh sản và được cho đẻ nhân tạo. Đợt này, số cá giống sinh sản chỉ có 16 cặp bố mẹ và cho đẻ 3 đợt trong năm 2009 và một đợt năm 2010. Tổng số cá chiên giống thu được của cả hai giai đoạn là 13,3 vạn con và được nuôi thành cá hương, sau đó chuyển về Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Miền Bắc.

Đánh giá về chuyên môn, kĩ sư Hoàng Ngọc Đại cho biết, Trại Giống thuỷ sản Nghĩa Lộ đã hoàn toàn làm chủ được kĩ thuật cho cá chiên đẻ nhân tạo. Giống cá chiên thích nghi với việc thuần hoá thuần dưỡng trong môi trường ao hồ ở Yên Bái với điều kiện phải có nguồn nước chảy sạch sẽ. Quá trình theo dõi nuôi cá thương phẩm cho thấy chỉ mắc bệnh đốm đỏ lở loét nên làm tốt công tác phòng bệnh sẽ tránh được thiệt hại. Đối với cá trong giai đoạn từ cá hương đến cá giống, do là cá da trơn nên thường cảm nhiễm một số bệnh như: trùng bánh xe, nấm mang và những loại bệnh này đều có thuốc xử lí. Nuôi được một kg cá thương phẩm cần 20 kg cá tạp và giá cá chiên thương phẩm hiện tại khoảng trên 600 nghìn đồng.

Từ việc cho đẻ nhân tạo thành công giống cá chiên, Trại Giống thuỷ sản Nghĩa Lộ đang hướng tới việc nghiên cứu cho đẻ nhân tạo với giống cá lăng hay còn gọi là cá quất. Bởi vì, hai loài cá này cùng họ với nhau và tập quán sinh sản, môi trường sống… tương đối đồng nhất. Hiện nay, đã có một số người nuôi lồng trên hồ Thác Bà và vài nơi trong huyện Văn Yên đã nuôi trong ao nhưng nguồn giống cá lăng hoàn toàn khai thác tự nhiên. Cá lăng thuần dưỡng thuần hoá trong ao hồ có nhiều đặc tính ưu việt hơn cá chiên là không nhất thiết ao hồ phải có nguồn nước chảy. Cá lăng tăng trọng nhanh và nuôi ao không cần đầu tư thức ăn vì ao có sẵn những loại cá tạp nhỏ nhưng nếu chủ động đầu tư được thức ăn thì hiệu quả sẽ cao hơn. Giá cá lăng thương phẩm cũng tương đương cá chiên nhưng rất hiếm trên thị trường.

Dự kiến Đề tài thuần dưỡng thuần hoá và cho sinh sản nhân tạo cá lăng sẽ được trình Sở Khoa học và Công nghệ vào năm 2012. Nếu thành công trong việc sinh sản nhân tạo giống cá này sẽ không chỉ góp phần bảo tồn thêm những giống cá quý hiếm mà còn mở ra triển vọng nuôi cá đặc sản ở Yên Bái.

 Hoàng Nhâm

Các tin khác

Ngày 13.9, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị về tăng cường mối liên kết trong chuỗi cung ứng để góp phần bình ổn giá đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

ADB thừa nhận không lường được hết tác độn bên ngoài đối với kinh tế Việt Nam.

Việt Nam dự kiến chỉ tăng trưởng 5,8% trong năm nay và 6,5% trong năm tới, theo báo cáo cập nhập kinh tế châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sáng nay.

YBĐT - 8 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp phần thành phố Yên Bái quản lý đạt trên 311 tỷ đồng, bằng 62,9% kế hoạch năm, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh hoạ.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, đồng ý phải thực hiện điều chỉnh giá điện theo hướng đảm bảo bù đắp đủ chi phí sản xuất kinh doanh điện. >>>Từ 1/9, EVN điều chỉnh giá bán điện

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục