"Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thắt chặt"
- Cập nhật: Thứ ba, 27/9/2011 | 8:34:19 AM
Chính phủ khẳng định chủ trương “ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý” sẽ là mục tiêu nhất quán trong điều hành năm nay cũng như cả nhiệm kỳ 2011-2015. Chính sách tiền tệ, do đó, sẽ tiếp tục được thắt chặt.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (phải) và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông - Nguyễn Bắc Son chủ trì họp báo chiều 26/9.
|
Quan điểm này vừa được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thông báo tại phiên họp báo thường kỳ, diễn ra chiều 26/9.
Theo Bộ trưởng Đam, sau 2 ngày làm việc (25-26/9), Chính phủ đã dành nhiều thời gian đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, xác định phương hướng điều hành trong thời gian còn lại của năm 2011 cũng như cả nhiệm kỳ 2011 - 2015.
Qua những kết quả kinh tế xã hội được đánh giá là “có nhiều khởi sắc” trong 9 tháng, Chính phủ nhận định mục tiêu tăng trưởng 6% của cả năm 2011 là có thể đạt được. Tuy vậy, trước tình hình thế giới còn nhiều biến động phức tạp, cơ quan điều hành cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
“Nghị quyết 11, do đó, sẽ tiếp tục được thực hiện không những trong năm nay mà còn vài năm tới. Ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý sẽ là mục tiêu trọng tâm của cả nhiệm kỳ”, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.
Để cụ thể hóa chủ trương này, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thắt chặt. Chính phủ cho biết dư địa để tăng trưởng tín dụng vẫn còn nhiều nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ không sử dụng hết hạn mức 20%. Tăng cung tiền cũng sẽ không chạm ngưỡng 16%. “Tôi có thể khẳng định tăng trưởng tín dụng và tiền tệ cả năm sẽ thấp hơn những con số này khoảng 3%”, ông Đam cho biết.
Thừa nhận việc thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như kết quả thu hút vốn đầu tư, Chính phủ cho biết sẽ thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn như kiên trì chủ trương giảm lãi suất, khắc phục những vướng mắc tại các dự án FDI…
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về quan điểm của Chính phủ về điều hành giá một số mặt hàng cơ bản, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết Nhà nước lâu nay vẫn phải bù lỗ cho doanh nghiệp để các sản phẩm như điện, xăng dầu được bán ra với giá thấp hơn thị trường. Đây là một trong những căn nguyên sâu xa dẫn đến lạm phát.
“Chủ trương điều hành hiện nay là một mặt vẫn phải tính toán lộ trình, một mặt sẽ đưa giá các mặt hàng theo hướng tiến gần tới thị trường. Không thể vì lạm phát mà tiếp tục bao cấp”, đại diện Chính phủ khẳng định.
Riêng về mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết Thường trực Chính phủ đã chỉ thị cho liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục điều hành theo tinh thần của Nghị định 84. Chính phủ nhấn mạnh phải minh bạch toàn bộ các khâu trong chuỗi sản xuất - kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả giá nhập, chi phí, lợi nhuận cũng như lương bổng của người làm trong ngành.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng có phát biểu để giải đáp một số vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Về những biến động trong những ngày qua trên thị trường vàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến một lần nữa đề nghị người dân bình tĩnh, tránh chạy theo các thủ đoạn thổi giá của tư thương. Tuy vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẵn sàng cho nhập vàng để bình ổn thị trường. Chi tiết của chủ trương này sẽ được công bố sau khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình trở về từ chuyến công tác nước ngoài vào ngày mai (27/9).
Giải đáp thắc mắc của báo chí liên quan đến việc quản lý nợ quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, tính đến hết năm 2010, nợ nước ngoài của Việt Nam tương đương 42,2% GDP (trong đó 62% là nợ của Chính phủ, còn lại là của doanh nghiệp). Con số này theo đại diện Bộ Tài chính vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Trong khi đó, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng nợ để phục vụ yêu cầu phát triển.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 26-9 tại Hà Nội đã nóng lên với sự quan tâm của báo giới về những tranh cãi của Bộ Công thương, Bộ Tài chính về điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua cũng như việc giá vàng lại nhảy múa trong ngày 26-9.
Trước việc giá vàng trong nước bỏ xa giá thế giới trong một vài ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông điệp khuyến cáo người dân nên thận trọng; cơ quan này đang theo dõi và cho phép nhập vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chính sách bảo hộ giá gạo của Chính phủ Thái Lan sẽ khiến Thái Lan mất vị trí số 1 trong bản đồ xuất khẩu gạo thế giới vào tay Việt Nam. Đó là nhận định của các chuyên gia Thái Lan và châu Âu.
Bộ Tài chính vừa phát đi thông báo phản bác chuyện cơ quan này bất đồng quan điểm với phía Bộ Công Thương.