Chung sức mở đường

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2011 | 9:07:39 AM

YBĐT - Những con đường đất lầy lội ngày nào giờ đây đang dần được mở rộng, nâng cấp và bê tông hoá, tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, giao lưu hợp tác kinh tế, thông thương buôn bán với các địa phương trong và ngoài huyện, diện mạo làng quê cũng ngày càng đổi mới…

Người dân huyện Yên Bình tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân huyện Yên Bình tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, để giao thông thực sự là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển đã và đang là một trong những biện pháp hiệu quả góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Ông Hoàng Mạnh Tài, Trưởng Phòng kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Bình phấn khởi cho biết: “Để đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo các địa phương chủ động tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư, sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực huy động sức đóng góp của nhân dân và tiết kiệm các nguồn chi để đầu tư mở rộng, nâng cấp hàng trăm km đường giao thông nông thôn. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp giám sát và thực hiện đúng các quy trình xây dựng ngay từ khâu lựa chọn hạng mục công trình, tổ chức đấu thầu xây dựng, tổ chức thi công, quản lý công trình sau khi hoàn công. Đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với các hình thức thi đua khen thưởng kịp thời; kiên quyết không chia đều công trình, hạn chế tối đa chủ nghĩa bình quân và bệnh thành tích trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện”.

Thực hiện kế hoạch kiên cố hoá đường giao thông nông thôn giai đoạn 2006- 2010, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các đơn vị và các địa phương ra quân cứng hoá được 41,2 km đường giao thông nông thôn tại các xã: Bạch Hà, Yên Bình, Vũ Linh, Vĩnh Kiên với tổng nguồn vốn kích cầu đạt trên gần 180 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng huy động 60.000 ngày công lao động, tương đương 9,5 tỷ đồng, để nâng cấp  trên  50 km đường cấp phối, đất cứng liên thôn, liên bản. Để các công trình thi công đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và tiến độ, huyện Yên Bình cũng đã chỉ đạo các phòng chức năng tích cực phối hợp, giúp đỡ người dân hoàn thành hồ sơ thiết kế và tổ chức thi công đường giao thông ở 24/26 xã.

Ở những xã này, chính quyền cơ sở được tham gia thiết kế và thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đã tích cực tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức mở đường. Hàng loạt các hội nghị chuyên đề về chủ trương giải phóng mặt bằng, phát triển giao thông nông thôn đã được mở ở các khu dân cư để người dân tham gia đóng góp, xây dựng ý kiến rồi từ đó cụ thể hóa các thành các nghị quyết chuyên đề.

Nét mới trong phát triển giao thông nông thôn tại Yên Bình năm nay là huyện đã họp bàn và thống nhất nâng tiêu chuẩn thiết kế đường bê tông lên cao hơn (3,5m, độ dày 18 - 20 cm, xi măng mác 250) để tạo điều kiện cho các loại xe tải nhỏ và bán tải có thể vào tận đồng ruộng, khu vực sản xuất để thu mua nông sản.

Có mặt tại thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái mới thấy hết được không khí hăng hái thi đua chung sức mở đường của người dân nơi đây. Trời nắng gắt, mồ hôi ướt đầm vai áo nhưng ai cũng nhiệt tình lao động. Nhớ lại trước đây, hơn 200 hộ dân sinh sống tại hai thôn Ngòi Khang và Ngòi Mù đi lại rất khó khăn, trời nắng còn đỡ nếu trời mưa thì mọi hoạt động đều gián đoạn, lúc đến vụ thu hoạch nông sản, bà con trong thôn phải gồng gánh về nhà, khi bán lại bị tư thương ép giá vì đường đi khó.

Ông Hà Đình Viên - Trưởng thôn Ngòi Khang cho biết: “Đầu tư nâng cấp mở rộng hơn 1 km đường là nguyện vọng, là mong ước của đại đa số người dân thôn Ngòi Khang chúng tôi. Nhiều lần họp thôn cũng đã bàn nhưng nếu chỉ có sức dân thì không thể làm đường bê tông được. Bây giờ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm đường, chúng tôi vui lắm. Qua họp thôn, chúng tôi đã lập ra Ban kiến thiết để giám sát và tổ chức thi công, quản lý vật liệu và tính ngày công cũng như thu các khoản đóng góp khác của nhân dân”.

Do nguồn vốn đầu tư làm đường giao thông có hạn nên nhiều tuyến đường liên thôn, xóm trên địa bàn huyện còn lầy lội ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân. Tuy nhiên với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" theo hình thức kích cầu: Nhà nước 70% nhân dân đóng góp 30%, đến thời điểm này, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Yên Bình đã chuẩn bị khởi công.

Với những biện pháp tổ chức quyết liệt, hiệu quả và cùng chung sức mở đường của người dân, mạng lưới giao thông của Yên Bình sẽ ngày càng hoàn thiện, tạo ra nhiều động lực để người dân khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, xóa đói giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

  Quang Thiều

Các tin khác

YBĐT - Ngày 23/8/2011, Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng Chất lượng quốc gia (GTCLQG) năm 2011 tỉnh Yên Bái tiến hành họp xét tuyển 3 đơn vị tham dự Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2011.

Người dân xã Tân Phượng chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ cho mùa đông. Ảnh minh họa

Ngày 27-9, Bộ NN&PTNT ban hành chỉ thị đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) để chủ động ngăn chặn dịch bệnh tái phát, tạo đà phát triển chăn nuôi GSGC dịp cuối năm, góp phần bình ổn giá tiêu dùng.

Chương trình thực hiện thí điểm tại Sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, từ 1/4/2012 đến 30/6/2014.

Hôm nay, 28-9, Hội nghị chất lượng châu Á (Asian Network for Quality - ANQ) năm 2011 (do Hội Chất lượng TPHCM và Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đăng cai tổ chức) khai mạc tại Hội trường thành phố với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đến từ 20 quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục