Chỉ bảo hiểm tiền gửi cho các cá nhân

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/11/2011 | 2:22:51 PM

Dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi quy định, chủ thể được bảo hiểm tiền gửi chỉ là các cá nhân bởi mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất – kinh doanh...

Ngày 2/11, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi.

 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể bảo hiểm tiền gửi bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Tuy nhiên, việc mở rộng chủ thể bảo hiểm tiền gửi đã nảy sinh một số bất cập và không thống nhất với các quy định khác của hệ thống pháp luật ngân hàng.

 

Để khắc phục những hạn chế của quy định pháp luật về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi, Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định không bảo hiểm cho tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

 

Dự thảo cho rằng, việc bảo hiểm tiền gửi cho cả tổ chức không phù hợp với mục tiêu bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin. Mặt khác, tiền gửi của các tổ chức mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán chứ không nhằm mục đích gửi tiền tiết kiệm. Vì vậy, việc quy định bảo hiểm cho tiền gửi của tổ chức là không phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Do đó, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định chủ thể được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân.

 

Trong khi đó, báo cáo thẩm tra Luật Bảo hiểm tiền gửi của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội cho biết, về vấn đề này có hai luồng ý kiến khác nhau.

 

Một số ý kiến nhất trí với quy định này vì cho rằng, mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất – kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản trị doanh nghiệp nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiềnl.

 

Còn đối với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng thì hầu hết nguồn vốn có được từ huy động nhằm thực hiện mục tiêu nhất định, chỉ tạm thời nhàn rỗi nên thường không kết dư với số lượng lớn, sau mỗi đợt huy động phải công khai việc huy động, quản lý và sử dụng để tạo lòng tin, sự đồng thuận và ủng hộ cao của các thành viên tham gia đóng góp. Ngoài ra, các tổ chức này cũng có bộ máy quản lý tài chính chuyên trách để thu thập thông tin chặt chẽ liên quan đến các tổ chức tín dụng.

 

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ Quốc VN, Hội Nông dân, Hợp tác xã… vì cho rằng, những tổ chức này cũng có các khoản quỹ hợp pháp đang được gửi tại các tổ chức tín dụng. Việc mở rộng ra các đối tượng này cũng nhằm đảm bảo sự công bằng trong chính sách bảo hiểm tiền gửi.

 

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, UBKT đã đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, cho rằng chính sách bảo hiểm tiền gửi nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì họ vẫn nhận được một khoản tiền gửi tối thiểu.

 

Cần quy định rõ quyền và trách nhiệm

 

Ngoài ra, UBKT cũng cho rằng, Dự án Luật chưa quy định rõ và cụ thể quyền và trách nhiệm của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Do đó, UBKT đề nghị Dự án Luật cần quy định rõ vấn đề này, đồng thời quy định rõ các nhóm quyền kinh tế, về cung cấp thông tin… của 3 nhóm đối tượng chịu tác động của Luật, nhất là bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền được bảo hiểm.

 

Liên quan mức phí bảo hiểm tiền gửi, theo dự thảo Luật, nhằm đảm bảo tính linh hoạt khi áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, Dự thảo Luật không quy định một mức phí hay khung phí cứng mà trao thẩm quyền quy định phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một cơ quan hành pháp.

 

Bên cạnh đó, nhằm giảm tải trách nhiệm ban hành các quy định mang nặng tính nghiệp vụ của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng trao quyền xác định, điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm cho Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

 

Về vấn đề này, mặc dù còn có một số ý kiến khác nhau, nhưng UBKT đề nghị giữ quy định hiện hành về tổ chức bảo hiểm tiền gửi như mô hình hiện nay, vì thực tế Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 1999 nhưng chưa giao cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về bảo hiẻm tiền gửi rõ ràng. Nếu Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trực thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì hoạt động của tổ chức này là nhân danh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều này có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện bảo hiểm tiền gửi.

 

UBKT cho rằng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động cũng phù hợp với quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, UBKT đề nghị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

 

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Giá vàng thế giới được dự đoán sẽ tăng mạnh vào đầu năm 2012.

Vàng thế giới phục hồi đã giúp vàng trong nước sáng nay tăng ngày thứ hai liên tiếp, với giá bán ra tại các doanh nghiệp kim hoàn lớn một lần nữa vượt trên mức 45 triệu đồng/lượng.

Anh Luân đang kiểm tra các bịch nấm mới đóng.

YBĐT - Vốn đầu tư ít, thu hoạch sớm, lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ rộng... trồng nấm đang là nghề mới thu hút nhiều hộ gia đình nông dân xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Trong 9 tháng năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 2.153 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp địa phương tăng 29,5% so với cùng kỳ, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 89,5%.

So sánh cán cân thương mại 10 tháng qua cho thấy, cả nước đã nhập siêu khoảng 8,4 tỷ USD, bằng khoảng 10,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục