Xây dựng Văn Chấn thành trung tâm động lực phía tây

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/11/2011 | 10:27:27 AM

YBĐT - Để khai thác hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của huyện Văn Chấn, đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, Đảng bộ huyện lựa chọn khâu đột phá "phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và đổi mới tư duy lãnh đạo, tư duy phát triển kinh tế và xã hội".

Đến nay, Văn Chấn đã đạt tổng sản lượng lương thực có hạt 58.000 tấn, bình quân lương thực đầu người 355 kg/năm. Ảnh: Nông dân xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn thu hoạch lúa mùa.   (Ảnh: Văn Tuấn)
Đến nay, Văn Chấn đã đạt tổng sản lượng lương thực có hạt 58.000 tấn, bình quân lương thực đầu người 355 kg/năm. Ảnh: Nông dân xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn thu hoạch lúa mùa. (Ảnh: Văn Tuấn)

Văn Chấn là huyện giàu tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Vừa qua, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư huyện ủy Văn Chấn để tìm hiểu về những giải pháp nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

PV: Xin đồng chí cho biết vài nét sơ lược về tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Văn Chấn?

Đồng chí Nguyễn Văn Lịch: Văn Chấn có diện tích tự nhiên 121 ngàn ha, gồm 28 xã và 3 thị trấn nông trường, trung tâm huyện đặt tại xã Sơn Thịnh. Huyện có 18 xã vùng cao, trong đó 16 xã thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn. Huyện được chia thành 3 vùng kinh tế: vùng trong gồm 12 xã, dân cư đông đúc, đại bộ phận là người Thái, Kinh, Mường; đây là vùng trọng điểm lúa của huyện và của tỉnh với diện tích gần 2.000ha; vùng ngoài gồm 9 xã, thị trấn, mật độ dân cư thấp, đại bộ phận là người Tày, Kinh; đây là vùng chè, cây ăn quả, nuôi ba ba, vườn rừng, vùng có tiềm năng khoáng sản lớn, nhất là quặng sắt; vùng cao, thượng huyện gồm 10 xã, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, Khơ Mú..., cơ sở hạ tầng yếu kém, tập quán canh tác lạc hậu, trình độ dân trí thấp..., có tiềm năng đất đai, lâm nghiệp, cây dược liệu và nhiều loại khoáng sản.

Văn Chấn có Quốc lộ 37, 32 chạy qua cùng hệ thống đường tỉnh nối liền các huyện trong và ngoài tỉnh thuận lợi cho giao thông, phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống ngòi, suối có tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ; nguồn khoáng sản đa dạng và phong phú về chủng loại, có trữ lượng lớn, là tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng.

Văn Chấn có gần 15 vạn dân, là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống, những hoạt động văn hoá, văn nghệ dân gian tạo cho Văn Chấn một nền văn hoá đa dạng nhưng thống nhất, giàu bản sắc, đậm nét văn hoá dân gian độc đáo miền tây với trung tâm văn hoá Mường Lò... Đó chính là những lợi thế để Văn Chấn phát triển kinh tế - xã hội, tạo thành vùng có sức hút và thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển.

Huyện đang thực hiện những giải pháp gì để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa Nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, thưa đồng chí?

Trong những năm qua, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Văn Chấn đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi trong phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng luôn đạt ở mức hai con số, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, Văn Chấn vẫn là huyện nghèo, tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác hiệu quả, kinh tế nông, lâm nghiệp vẫn là chủ yếu, tư tưởng trông chờ ỷ lại còn nặng nề, không chỉ trong nhân dân mà còn trong cả đội ngũ cán bộ các cấp.

Đồng chí Trần Văn Mộc (người thứ 3 từ trái sang) - Chủ tịch UBND huyện thăm dây chuyền sản xuất gạch tại Công ty cổ phần xây dựng Quang Thịnh. (Ảnh: Minh Tuấn)

Để khai thác hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của huyện, đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, Đảng bộ huyện xác định "mục tiêu là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tiếp tục đổi mới toàn diện, nhất là đổi mới tư duy phát triển kinh tế - xã hội"; nhiệm vụ hàng đầu là "phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nhân dân"; lựa chọn khâu đột phá "phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và đổi mới tư duy lãnh đạo, tư duy phát triển kinh tế và xã hội". Để nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống và từng bước trở thành hiện thực, Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm vào một số nội dung sau:

- Quy hoạch để ổn định diện tích chè kinh doanh từ 4.000 - 4.500ha; cải tạo, thay thế giống chất lượng kém, năng suất thấp bằng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; cơ cấu lại ngành chè với tỷ lệ chè đen và chè xanh hợp lý, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển chè sạch, chè sinh thái, xây dựng và giữ vững thương hiệu chè Suối Giàng.

Giữ vững và cải tạo về chất lượng diện tích cây ăn quả hiện có, đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, phát triển cây quế ở vùng cao, phối hợp với Tổng Công ty Cao su để phát triển thành công cây cao su trên địa bàn. Tập trung sản xuất lúa giống và lúa hàng hoá chất lượng cao, tăng hệ số sử dụng đất, đưa vụ ba trở thành vụ chính tại khu cánh đồng Mường Lò. Phát triển đại gia súc ở các xã vùng cao, tăng nhanh đàn lợn, gia cầm và phát triển các loại đặc thuỷ sản.

- Ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp với 4 nhóm chủ yếu: chế biến sản phẩm nông, lâm sản, trọng tâm là chế biến chè và gỗ rừng trồng; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; công nghiệp điện năng (thủy điện vừa và nhỏ); công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng thông thường (gạch, đá, cát, sỏi...).

Duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, ưu tiên cho phát triển giao thông nông thôn. Đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ gắn với các chương trình, tua tuyến du lịch của tỉnh, các tỉnh bạn và cả nước.

- Nâng cao chất lượng nguồn lực, chú trọng nguồn lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới. Khởi đầu từ ưu tiên cho phát triển giáo dục, trước mắt là nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là các xã vùng cao; thực hiện hiệu quả chương trình xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho nông dân..., làm tốt công tác thông tin tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của huyện.

- Quan tâm đến công tác nắm tình hình nhân dân, làm tốt công tác dân vận, đảm bảo ổn định quốc phòng - an ninh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với các hành động cụ thể, thiết thực; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của cấp ủy và hệ thống chính trị, "bám bản, sát dân"; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở có phẩm chất đạo đức cách mạng, có kiến thức, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...

Đồng chí Nguyễn Văn Lịch (bên trái) - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn kiểm tra việc trồng, chăm sóc và cải tạo chè giống mới chất lượng cao ở thị trấn nông trường Nghĩa Lộ.

Đồng chí có thể cho một vài đánh giá về kết quả bước đầu trong khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện?

Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, sau một năm triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Văn Chấn đã đạt được những kết quả bước đầu: tất cả các Đảng bộ, chi bộ đã triển khai học tập Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, xây dựng chương trình hành động với mục tiêu thiết thực đối với từng Đảng bộ, chi bộ; tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; huy động tốt các nguồn lực, thu hút được các nhà đầu tư; duy trì tốc độ tăng trưởng cao (năm 2011 đạt trên 13%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông, lâm nghiệp thắng lợi trên cả ba mặt: diện tích, năng suất, sản lượng; sản xuất công nghiệp, xây dựng, thu ngân sách tăng so với năm 2010; nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng; chất lượng giáo dục nâng lên; tỷ lệ người sinh con thứ 3 giảm; nhiều lao động nông thôn được giải quyết việc làm và đào tạo nghề; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, đủ sức lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.

Với những kết quả ban đầu đã đạt được, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và những giải pháp, định hướng cụ thể, thiết thực đã nêu, Đảng bộ huyện Văn Chấn tin tưởng sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011 và các năm tiếp theo, xây dựng huyện Văn Chấn phát triển xứng đáng là trung tâm động lực phía Tây của Yên Bái.

- Xin cảm ơn đồng chí! 

Minh Đức (thực hiện)

Các tin khác
Ảnh minh họa

Ngày 5-11, nguồn tin từ Bộ Tài chính cho Tiền phong biết: 3 đoàn kiểm tra đã hoàn tất việc kiểm tra tại 4 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 4/11

Để tăng hiệu quả, tính ổn định và quy mô, Chính phủ sẽ tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, song chắc chắn sẽ không để đổ vỡ cả hệ thống.

Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Yên Bái hướng dẫn người nộp thuế.

YBĐT - Đến nay, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã thu được 36 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước (đạt 84,7% kế hoạch giao và 72% kế hoạch phấn đấu).

YBĐT - Đến nay, Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn đã xây dựng được 283 mô hình phát triển kinh tế có thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/hộ/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục