Thùng đo mưa đơn giản: Nâng cao hiệu quả trong phòng chống lụt bão

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/11/2011 | 8:21:10 AM

YBĐT - Hiệu quả mà các thùng đo mưa đem lại là không thể phủ nhận, tuy nhiên, hiện nay số thôn, bản được cấp thùng đo mưa chỉ chiếm số ít. Vẫn còn tới 1.600 thôn, bản chưa được cấp thiết bị đo mưa đơn giản này, trong khi đó nhiều thùng đo mưa được cấp trước đó đã bị hỏng.

Năm 2005, Yên Bái được sự hỗ trợ của Cục Phòng chống lụt bão (PCLB) và Quản lý đê điều đầu tư 90 thùng đo mưa giản đơn nhằm phục vụ công tác phòng chống lũ quét và sạt lở đất tại cơ sở. Đến năm 2008, UBND tỉnh quyết định đầu tư thêm 200 thùng đo mưa đơn giản để cấp tiếp cho các thôn, bản. Sau một thời gian triển khai, thiết bị này đã hoạt động khá hiệu quả, phục vụ đắc lực cho việc cảnh báo mưa lũ tại các địa phương.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết tại Yên Bái nói riêng cũng như cả nước nói chung diễn biến ngày càng phức tạp. Theo dự báo của ngành khí tượng - thủy văn, tình hình thiên tai, sẽ diễn ra khốc liệt hơn những năm trước, lượng mưa sẽ lớn và xảy ra cục bộ, do vậy công tác dự báo, cảnh báo lũ ống, lũ quét tại từng địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác PCLB nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo ông Lò Huy Hoàn - Giám đốc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Yên Bái, thì Yên Bái là một tỉnh miền núi, địa hình dốc và nhiều chia cắt, trong tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay các cơn mưa thường xuất hiện cục bộ, do vậy việc sử dụng thùng đo mưa đơn giản có hiệu quả rất lớn trong việc tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo trong PCLB. 

Đánh giá về hiệu quả của thiết bị này, ông Phạm Quốc Hưng - Giám đốc Chi cục Thủy lợi cho biết: “Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở, các thiết bị này hoạt động rất hiệu quả, giúp địa phương cảnh báo sớm cho nhân dân trước khi có lũ quét xảy ra nên những năm gần đây đã giảm thiểu được rất nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra”.

Xã An Bình (Văn Yên) được trang bị thùng đo mưa từ năm 2008, địa điểm lắp đặt ngay tại UBND xã. Từ khi hoạt động đến nay, thùng đo mưa đã phục vụ rất đắc lực cho công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ tại địa phương. Ông Lê Cao Tấn - Phó phủ tịch UBND xã cho biết: “Thiết bị này rất thích hợp cho việc cảnh báo lũ tại các địa phương. Chúng không những đơn giản, dễ sử dụng mà còn rất hiệu quả trong việc cảnh báo”.

Thùng đo mưa đơn giản là thiết bị đo mưa theo hình thức thủ công bao gồm: một chiếc phễu hứng mưa và một chiếc bình để đo lượng mưa. Khi lượng mưa đến vạch nguy hiểm có nguy cơ xảy ra lũ thì người đo mưa có trách nhiệm thông báo, cảnh báo để mọi người sơ tán, chuẩn bị mọi điều kiện để ứng phó với lũ. Ngoài thùng đo mưa, các địa phương còn được cấp thêm một chiếc kẻng báo động và tham gia lớp tập huấn hướng dẫn đọc các thông số về lượng mưa.
Hiệu quả mà các thùng đo mưa đem lại là không thể phủ nhận, tuy nhiên, hiện nay số thôn, bản được cấp thùng đo mưa chỉ chiếm số ít. Vẫn còn tới 1.600 thôn, bản chưa được cấp thiết bị đo mưa đơn giản này, trong khi đó nhiều thùng đo mưa được cấp trước đó đã bị hỏng. Để công tác cảnh báo lũ ống, lũ quét tại các địa phương được hiệu quả, vừa qua, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, Cục PCLB và Quản lý đê điều hỗ trợ thêm 500 thùng đo mưa đơn giản.

Tuy nhiên, để phát huy tốt hiệu quả của thiết bị này, các địa phương cũng như người sử dụng cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng, bảo quản các thùng đo mưa. Theo khảo sát của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, đa số các thùng đo mưa hiện nay đều đã hỏng (chủ yếu hỏng bình thủy tinh). Đơn cử như thành phố Yên Bái được cấp 17 thùng đo mưa thì đến nay toàn bộ đã bị hỏng, huyện Yên Bình được cấp 27 thì chỉ còn 7 chiếc là còn sử dụng được.

Trong số các địa phương được cấp thùng đo mưa thì mới chỉ có một số ít thôn, bản phát huy hết hiệu quả của thiết bị này, còn lại hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Điều này xuất phát từ thực tế, đa phần người được giao nhiệm vụ đều là kiêm nhiệm, không có chuyên môn, nhiều khi còn lơ là trong các tình huống nên việc dự báo còn thiếu chính xác, gây khó khăn cho công tác cảnh báo.

Để thiết bị này phát huy hết hiệu quả, các địa phương nên giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên như các trưởng thôn, trưởng bản. Họ sẽ là những người trực tiếp đo đạc, thông báo, cảnh báo cho người dân khi có nguy cơ xảy ra bão lũ. Các cơ quan chức năng cũng nên góp ý để các nhà sản xuất thay bình thủy tinh bằng các loại bình làm từ chất liệu khác dễ bảo quản hơn như là nhựa cứng.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần xem xét hỗ trợ một phần kinh phí phục vụ việc sử dụng và bảo quản thiết bị, có như vậy mới phát huy hết hiệu quả trong việc cảnh báo lũ ống, lũ quét, giảm thiếu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Cường Hùng

Các tin khác

YBĐT - Trong số này, thành phố Yên Bái có 3, huyện Trấn Yên 3 và huyện Yên Bình 1. Các trang trại đạt tiêu chí đều là mô hình trang trại chăn nuôi.

YBĐT - Vụ đông năm nay, huyện Văn Chấn đề ra mục tiêu gieo trồng trên 2.100 ha cây vụ đông các loại (trong đó, có 800 ha ngô ruộng còn lại là ngô bãi, khoai lang, khoai tây, rau màu các loại).


Khách tham quan khu hội chợ triển lãm trong khuôn khổ Festival lúa gạo lần 2 tại Sóc Trăng.

Chỉ có xây dựng được thương hiệu gạo VN mới có thể nâng cao giá trị xuất khẩu gạo VN trong tương lai, đồng thời nâng cao thu nhập của người trồng lúa.

Giá vàng thế giới đêm 8/11 đã vượt mức 1.800USD/Oz trong khi giá vàng trong nước tiếp tục tăng.

Giá vàng trong nước sáng nay (9-11) liên tục điều chỉnh theo hướng tăng. Tính đến 10 giờ 40, giá bán ra tại các doanh nghiệp kim hoàn lớn đạt đến 46,7 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục