Chăn nuôi đại gia súc ở Mù Cang Chải chưa xứng với tiềm năng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/11/2011 | 9:27:53 AM

YBĐT - Phát triển chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của Mù Cang Chải (Yên Bái), đây cũng là một giải pháp quan trọng để giúp đồng bào vùng cao xoá nghèo bền vững.

Rất ít hộ dân ở Mù Cang Chải trồng cỏ để chăn nuôi gia súc.
Rất ít hộ dân ở Mù Cang Chải trồng cỏ để chăn nuôi gia súc.

Điều đó được cụ thể hoá bằng Nghị quyết số 04 - NQ/HU về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2007-1010 và định hướng tới 2015. Sau nhiều năm thực hiện đã góp phần hình thành nên các mô hình chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế hộ, từng bước hình thành thói quen làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn. 

Với đặc thù là một huyện vùng cao nằm trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, Mù Cang Chải có trên 90% là đồng bào dân tộc Mông, trình độ dân trí  thấp, tỷ lệ đói nghèo 77,57%; phương thức canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ mang tính tự cung tự cấp. Đối mặt với những vấn đề đó, Đảng bộ Mù Cang Chải xác định, phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hoá là là một hướng đi trọng tâm để xoá đói giảm nghèo bền vững và từng bước hình thành những trang trại chăn nuôi lớn.

 Một trong những điển hình trong phát triển chăn nuôi đại gia súc là ông Vàng A Sàng, xã Khao Mang. Lúc bắt đầu chăn nuôi, ông Sàng chỉ có vài con trâu, bò nhưng sau nhiều năm đầu tư, đàn trâu bò của ông đã tăng lên gần 30 con. Theo ông, xã có nhiều bãi chăn thả có thể đáp ứng tốt cho chăn nuôi đại gia súc nhưng lại ít người làm được. Muốn có nhiều trâu, bò thì cần phải có vốn đầu tư, sự kiên trì và phải xác định đầu tư lâu dài, điều này thì không phải người dân nào cũng làm được.

Hiện nay, chăn nuôi đại gia súc của Mù Cang Chải mới chỉ phát triển theo hướng dùng làm sức kéo, trâu, bò thả rông trên rừng chỉ ngày mùa mới tìm về cày kéo. Việc thả rông không chăm sóc dẫn đến đàn gia súc bị chết rét, chết vì  thiếu thức ăn. Tính riêng năm 2011, đợt rét đầu năm đã làm trên 2.000 trâu, bò của huyện bị chết rét.

Huyện cũng chưa có quy hoạch tổng thể vùng chăn nuôi tập trung hay có chính sách dành quỹ đất xây dựng bãi chăn thả rộng lớn. Việc trồng cỏ làm thức ăn của các hộ chủ yếu trồng với diện tích nhỏ quanh nhà nên chỉ đáp ứng được thức ăn cho số lượng nhỏ.

Thiếu kiến thức chăn nuôi dẫn đến việc chăm sóc bảo vệ không đảm bảo, người dân chưa quan tâm đến thu gom rơm rạ làm nguồn thức ăn dự trữ cho mùa đông. Thực trạng đó dẫn đến tốc độ phát triển đàn gia súc của huyện trong những năm qua rất chậm. Tổng đàn trâu, bò của huyện năm 2005 là 15.300 con thì đến nay vẫn chỉ duy trì ở mức 14.000 con.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng của huyện phát triển ì ạch, bên cạnh những lý do khách quan như tập quán của người dân thì nguồn lực cho phát triển chăn nuôi rất thiếu một phần do ngân sách huyện không có trong khi các chính sách hỗ trợ của tỉnh như: hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp (năm 2005), chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Quyết định 09/2008... người dân ở Mù Cang Chải không ai đủ điều kiện để tiếp cận.

Đơn cử như việc hỗ trợ xây dựng trang trại chăn nuôi bò quy mô trên 50 con hỗ trợ 30 triệu đồng, hỗ trợ trang trại lợn thịt trên 100 con 30 triệu đồng với những tiêu chí đưa ra của chính sách này, người dân ở huyện không thể tiếp cận được, Hộ điển hình nhất của huyện cũng chỉ có thể chăn nuôi được 20 con lợn/ lứa nhưng không thể có đủ lực để phát triển thêm. Vì vậy, các chính sách ban hành ra cần phải có quy định về phạm vi áp dụng và có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng. Có như vậy chính sách mới đi được vào đời sống người dân. Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Mù Cang Chải vẫn chưa khơi dậy được nội lực của người dân, người dân chưa có ý thức đầu tư vốn, nhân lực để phát triển chăn nuôi trong khi đây mới là yếu tố cần thiết để tạo sức bật cho phát triển chăn nuôi và xoá nghèo bền vững.

Thay đổi tập quán chăn thả, khơi dậy nội lực trong nhân dân để phát triển chăn nuôi là điều kiện quan trọng để Mù Cang Chải xoá nghèo bền vững. Làm được điều đó, huyện cần có những giải pháp mạnh hơn, đi sâu vào bản chất, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, sớm có quy hoạch cụ thể trong phát triển ngành chăn nuôi ở vùng cao để có những phương án đầu tư tốt hơn.

NHỮNG Ý KIẾN TỪ CƠ SỞ

Anh Mai Phương Bắc - Trạm phó Trạm Khuyến nông Yên Bình:

Từ chính sách hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh, huyện Yên Bình đã phát triển được 134 trang trại chăn nuôi. Trong điều kiện chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn về giá thức ăn, con giống tăng cao, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ… thì chính sách hỗ trợ của tỉnh như một luồng gió mới thổi vào ngành chăn nuôi, tạo sự tin tưởng, động lực để người chăn nuôi đứng vững.

Tuy nhiên có một thực tế là từ nhiều năm nay rất ít nông dân có điều kiện đầu tư lớn một lúc 300 đến 400 triệu đồng cho chăn nuôi, những trang trại đăng ký hỗ trợ hầu hết phải vay lãi ngân hàng, đồng thời chịu lãi của các đại lý thức ăn gia súc, đến khi xuất chuồng trả lãi ngân hàng, các đại lý thức ăn gia súc, thị trường tiêu thụ không ổn định bị tư thương ép giá, như vậy không còn được lãi bao nhiêu. Đó là chưa kể nếu gặp phải dịch bệnh có thể sẽ phải trắng tay. Vì vậy, song song với sự hỗ trợ, tỉnh nên có chính sách vay vốn ưu đãi, quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác thị trường tránh thiệt thòi cho người chăn nuôi. Có thể xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Ngọc Vương - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình:

Cả xã mới chỉ có một hộ đang làm các thủ tục để đăng ký hỗ trợ theo chính sách của tỉnh. Tuy nhiên, những hộ đang nuôi 20 - 30 con lợn thịt trong xã lại rất nhiều, họ không có tiềm lực để phát triển thành trang trại 100 con nhưng nếu quy mô 50 con lợn thịt hoặc 10 lợn nái thì nhiều hộ có thể làm được.
Hơn nữa với điều kiện đất đai ở nông thôn không phải quá rộng để có thể làm những trang trại lớn.

Mặt khác, xã có lợi thế về diện tích mặt nước hồ Thác Bà, nhiều hộ ven hồ đang chăn nuôi thủy cầm với số lượng 200 - 300 con nếu tỉnh có chính sách hỗ trợ ở mức 500 con mô hình thì sẽ có nhiều hộ mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi.

Ông Trần Đình Kiên - thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình:

Năm 2009, tôi bắt đầu đăng ký làm dự án nuôi 100 con lợn thịt. Khi đó, tôi đã phải đập toàn bộ chuồng cũ đi để xây mới theo yêu cầu của dự án, như vậy rất lãng phí. Có hộ chăn nuôi diện tích chuồng gần đủ với yêu cầu nhưng nếu muốn được hỗ trợ từ dự án thì sẽ phải đập đi xây lại, trong khi chỉ cần đầu tư thêm 20 triệu đồng là đã đủ xây diện tích theo yêu cầu.

Một vấn đề khác đó là trong chăn nuôi trang trại thì vốn ban đầu rất quan trọng, vì thế, hình thức hỗ trợ cho người chăn nuôi có thể thay đổi như thế nào đó, thay vì hỗ trợ một lúc 30 triệu đồng bằng hình thức hỗ trợ lãi suất, giúp người chăn nuôi được vay vốn để đầu tư.  

Hoàng Tuấn Minh

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giảm 50% tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế.

Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt kế hoạch tổng thể dự án "Cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền Trung".

Thống đốc tái khẳng định sẽ không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản giải trình chất vấn của đại biểu quốc hội, trong đó chỉ rõ các giải pháp đang được thực hiện nhằm tái cơ cấu ngân hàng và đảm bảo vốn cho sản xuất.

Dự án có trong tổng kinh phí đầu tư gần 146 tỷ đồng (Ảnh minh họa).

Dự án có trong tổng kinh phí đầu tư gần 146 tỷ đồng, trong đó 125 tỷ đồng đồng là ngân sách của Bộ Khoa học và Công nghệ…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục