Mở hướng thoát nghèo ở Quy Mông

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/12/2011 | 9:52:06 AM

YBĐT - Tiếp tục phát triển rừng và chế biến gỗ rừng trồng giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Trấn Yên, Đảng ủy, chính quyền xã Quy Mông đã cụ thể hóa Nghị quyết tại các thôn đồng thời đưa ra các giải pháp thực hiện.

Tổ trưởng tổ trồng rừng thôn 11 Bùi Thế Phiệt khai thác quế trồng ở trang trại của gia đình.
Tổ trưởng tổ trồng rừng thôn 11 Bùi Thế Phiệt khai thác quế trồng ở trang trại của gia đình.

Nghị quyết lần thứ XX của Đảng bộ xã Quy Mông (Trấn Yên) nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã chỉ rõ, kinh tế rừng là tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Do đó, trồng và chế biến gỗ rừng trồng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động  nông thôn. Đây cũng là tiền đề để Quy Mông bứt phá đi lên trong tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Duy Khanh - Bí thư Đảng ủy xã Quy Mông cho biết: “Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Trấn Yên về phát triển trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng thực sự đã giúp nhân dân địa phương phát triển tiềm năng kinh tế rừng. Bản thân tôi tin tưởng rằng, cuộc sống của người dân sẽ có sự bứt phá đi lên, thoát nghèo bền vững”.

Bí thư Khanh đã đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Thế Phiệt ở thôn 11 - một chủ rừng có 12ha rừng trồng chủ yếu là bồ đề, keo. Nhờ rừng nên ba thế hệ của gia đình ông chung sống dưới một mái nhà đã có một cuộc sống sung túc mà nhiều nông dân mơ ước. Mỗi năm, gia đình khai thác luân kỳ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, là Tổ trưởng tổ trồng rừng thôn 11, khi nghiên cứu Nghị quyết 03, ông Phiệt đã đưa ra thảo luận với 32 thành viên trong tổ để tìm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ.

Ông cho biết: “Tôi thấy Nghị quyết này rất phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhất là những người sống bằng nghề rừng như chúng tôi. Vì thế, dù năm nay tôi đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm và gắn bó với nghề rừng quá nửa đời người nhưng tôi vẫn muốn tìm các giống cây lâm nghiệp mới có giá trị kinh tế cao, chu kỳ khai thác ngắn để trồng bổ sung vào cơ cấu rừng trồng của gia đình”.

Chia tay ông Phiệt, chúng tôi tìm đến gia đình chị Hoàng Thanh Tâm - chủ cơ sở chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn. Công việc những ngày cuối năm tại xưởng của gia đình khá bận rộn. Chị Tâm cho biết, mong muốn tạo điều kiện cho các con học tập tốt hơn, vợ chồng chị đã quyết định góp vốn cùng anh trai mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng và thu mua thêm nguyên liệu sản xuất.

Tuy mới mở xưởng trong năm nay nhưng gia đình đã trang trải được dần số vốn vay và tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với số tiền công phải chi trả mỗi tháng trên 20 triệu đồng. Chị cho hay, đầu tư mở xưởng là một việc làm tốt vì địa phương sẵn có nguồn nguyên liệu, nhanh thu hồi vốn và có thu nhập khá. Tuy nhiên, gia đình chị cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn cần có sự chung tay vào cuộc của ngành chức năng để tìm hướng đi bền vững, đó là nguồn vốn vay, nguồn điện sản xuất cũng như vấn đề môi trường.

Quy Mông đã ra khỏi Chương trình 135 nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng ý thức nỗ lực vươn lên của nhân dân các dân tộc địa phương. Cuộc sống của người dân đã được nâng cao, hơn 60% số hộ gia đình đã có nhà xây kiên cố. Một điều không thể phủ nhận, cuộc sống của người dân Quy Mông đổi thay như ngày hôm nay là nhờ rừng và theo Bí thư Đảng ủy xã thì kinh tế rừng đang góp phần xóa đi đói nghèo ở nơi đây.

Đặc biệt, xã là một trong số những địa phương của huyện có tiềm năng kinh tế rừng tương đối khá: tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 1.500ha, trong đó rừng trồng sản xuất bao gồm quế 550ha, keo và bồ đề 901ha, các loại cây khác 50ha.

Năm 2011, nhân dân địa phương trồng mới 83ha, sản lượng khai thác rừng trồng và gỗ rừng trồng như quế vỏ tươi 165 tấn, xương quế 1.000m3, gỗ nguyên liệu 3.650m3. Không chỉ phát triển trồng rừng, các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng cũng phát triển cả về số lượng và quy mô nhà xưởng. Hiện xã có 24 cơ sở với công suất chế biến 2.000m3/năm; doanh thu của các cơ sở này trong năm nay là 1,2 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 120 triệu đồng; giải quyết việc làm cho gần 400 lao động với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Việc phát triển trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn Quy Mông khá thuận lợi vì nhân dân đã thấy rõ hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại; người trồng rừng và các doanh nghiệp bước đầu đã tạo được sự gắn kết trong tạo nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng.

Để tiếp tục phát triển rừng và chế biến gỗ rừng trồng giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Trấn Yên, Đảng ủy, chính quyền xã Quy Mông đã cụ thể hóa Nghị quyết tại các thôn đồng thời đưa ra các giải pháp thực hiện như: phấn đấu trồng mới mỗi năm từ 80ha rừng trở lên; tiếp tục tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng để tạo việc làm cho lao động nông thôn và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Bích Lân

Các tin khác

Trả lời câu hỏi về việc kinh doanh xăng dầu của Petrolimex thực chất lỗ hay lãi, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong các năm từ 2006 - 2010 đều lỗ, trừ năm 2009.

Sẽ lập 10 đoàn kiểm tra thực phẩm dịp Tết, trong đó tập trung vào các mặt hàng như thực phẩm, bánh kẹo, rượu, vv..

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra tại 21 tỉnh, thành phố trọng điểm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012.

Khách đến giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái.

YBĐT - Phát huy kết quả đã đạt được, Agribanhk Yên Bái sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, xử lý tác nghiệp, phương pháp tổ chức hoạt động và chất lượng phục vụ khách hàng, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và dịch vụ tiện ích của ngân hàng...

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục