Doanh nghiệp dốc sức cuối năm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/12/2011 | 9:04:10 AM

YBĐT - Một năm đầy khó khăn và thử thách đã chỉ còn tính bằng ngày. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp ở Yên Bái đang dốc sức để cả năm 2011 có được tốc độ tăng trưởng khá và về đích ở mức cao nhất. >>Lao đao “con thuyền” doanh nghiệp

Công ty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đẩy nhanh tiến độ sản xuất giai đoạn nước rút.
(Ảnh: Lê Bác Đạt)
Công ty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đẩy nhanh tiến độ sản xuất giai đoạn nước rút. (Ảnh: Lê Bác Đạt)

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế trong nước. Hầu như doanh nghiệp nào cũng đối mặt khó khăn khi mà Chính phủ đang áp chính sách thắt chặt tiền tệ để phục vụ mục tiêu lớn hơn là kiềm chế lạm phát; khi mà giá nhiên liệu đầu vào như điện, than, xăng dầu và cả nhân công đều tăng mạnh; đặc biệt, thị trường tiêu thụ sản phẩm phải chịu sự cạnh tranh gay gắt và luôn trong tình trạng bị thu hẹp. Càng khó hơn khi doanh nghiệp của Yên Bái chỉ là những doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực hạn chế, sản phẩm làm ra chưa có thương hiệu lớn…

Kết thúc 11 tháng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 2.832,579 tỷ đồng (chưa tính giá trị phân phối điện), tăng 19% so với cùng kỳ,  bằng 78,7% kế hoạch. Trong đó: công nghiệp Trung ương đạt 749,230 tỷ đồng, bằng 62,4% kế hoạch; công nghiệp địa phương ước đạt 1.994,617 tỷ đồng, bằng 85,6% kế hoạch, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 88,732 tỷ đồng, tăng 1,26 lần kế hoạch, tăng 94,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản phẩm chủ yếu có ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp gồm: quặng sắt đạt 337.540 tấn, cao lanh tinh lọc 101.626 tấn (tăng 2,78 lần so với cùng kỳ, tăng 2,82 lần so với kế hoạch năm), Graphit tinh lọc các loại đạt 1.336,3 tấn (tăng 4,01 lần so với cùng kỳ; bằng 1,78 lần kế hoạch năm), đá vôi bột và  hạt đạt 370.789 tấn ( tăng 30,6% so với cùng kỳ), gỗ xẻ 80.802 m3 ,  điện thương phẩm đạt 385.493 ngàn Kwh (tăng 19,2% so với cùng kỳ)…

 Những con số kể trên cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp của Yên Bái đã có sự tăng trưởng khá so với những tháng đầu năm, đặc biệt là so với cả năm 2010 (lũy kế 11 tháng tăng 19% so với cùng kỳ). Điều đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp sản xuất.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn đạt thấp (78,7% kế hoạch). Năng lực tăng thêm chủ yếu tập trung ở các nhóm sản phẩm khai thác và chế biến khoáng sản. Để hoàn thành mục tiêu đề ra cần sự nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp và sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và ngành công thương. Điều hết sức đáng mừng là sự nỗ lực ấy đang rất rõ ràng từ phía các doanh nghiệp vào thời điểm này.

Vùng chế biến lâm sản Trấn Yên từ Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Quy Mông đến Báo Đáp, Tân Đồng đang tấp nập để bù lại sự ì ạch hồi đầu năm do thiếu nguyên liệu vì mưa và cả vì thị trường biến động, xưởng chế biến gỗ tròn nào nguyên liệu cũng xếp như núi. Vụ lúa kết thúc, vụ chè đã hết, vụ đông đã xong, giờ là lúc các xưởng chế biến gỗ đang “vào guồng” tăng tốc.

Ông Quốc Việt - chủ một cơ sở chế biến gỗ ở Lương Thịnh cho biết: “Gỗ đầu vào đang có dấu hiệu giảm, trong khi giá bán ra, nhất là mặt hàng gỗ bóc đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và gỗ xẻ giá đang cao và ổn định nên anh em làm gỗ đang hết sức cố gắng”.

 

Chế biến gỗ rừng trồng - thế mạnh trong sản xuất công nghiệp ở Trấn Yên.

Lĩnh vực chế biến kinh doanh chè tuy có khiêm tốn hơn vì chè năm nay ít búp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đắt nên nông dân ngại đầu tư, nhất là nạn chè “bẩn” hoành hành, nhưng bù lại năm nay giá chè khô cao hơn mọi năm và tiêu thụ dễ. Thời điểm này, rất nhiều cơ sở chế biến kinh doanh chè đã cơ bản hết hàng, có tồn lại trong kho cũng chỉ một vài trăm tấn “phục” giá lên.

Những doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn như Bình Thuận, Hưng Thịnh, Sao Việt… dù sản lượng không bằng năm trước nhưng vẫn “sống ổn” và các ông chủ đều đánh giá “Trong bối cảnh khó khăn như vậy, thế là tốt rồi”.

Sôi động nhất trong những ngày cuối năm vẫn là lĩnh vực khai thác chế biến đá vôi trắng và sản xuất xi măng. Sự sôi động ấy còn được tiếp sức bởi nguồn điện đã ổn định, những chiếc máy nghiền, mô tơ có công suất điện năng 450 rồi 530 KWh vẫn chạy ù ù trong giờ cao điểm, điều mà chỉ cách đây non 1 tháng có nằm mơ cũng không thấy.

Giám đốc Công ty cổ phần Mông Sơn tự tin: “Không kể sản phẩm dạng khác, riêng bột siêu mịn mỗi ngày Công ty sản xuất 250 tấn và trong tháng 12 cầm chắc xuất khẩu đạt 1 triệu USD”. Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái nằm trong khó khăn chung do Chính phủ cắt giảm đầu tư công, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản “xuống dốc”, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu năm 2011 sản xuất và tiêu thụ khoảng 330 triệu tấn xi măng và gần 100 nghìn tấn bột đá CaCO3.

“Anh cả” trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá vẫn là Liên doanh YBB. Được biết, năm nay, Công ty vẫn sẽ đạt mục tiêu nộp thuế 38 tỷ đồng, sản xuất và tiêu thụ (chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Ấn Độ) ước khoảng 300 nghìn tấn. Mục tiêu năm 2012 sẽ còn cao hơn nữa.
Dịp cuối năm, lĩnh vực thương mại là nhộn nhịp nhất.

Các doanh nghiệp đang dồn hàng phục vụ tết Nguyên đán và đẩy mạnh tiêu thụ trong tháng “củ mật”. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng, qua thống kê ước đạt 5.835,149 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch, tăng 31,46% so với cùng kỳ.

“Sôi động” là hai từ để nói về hoạt động của các doanh nghiệp cuối năm. Tất cả đang dốc toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất. Dù rất có thể giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu không đạt được như  kỳ vọng nhưng những chuyên gia kinh tế đều thống nhất, tốc độ tăng trưởng trên lĩnh vực sản xuất vẫn ở mức cao và đáng quý hơn là thành tích ấy đạt được trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của nền kinh tế.

Lê Phiên

Các tin khác
Mô hình nuôi vịt theo hướng hàng hóa ở phường Pú Trạng. Ảnh MQ

YBĐT - Qua 4 năm triển khai thực hiện theo cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh và thị xã về phát triển chăn nuôi, đến nay thị xã Nghĩa Lộ đã có 16 mô hình được triển khai, nghiệm thu trong đó 14 mô hình đang hoạt động hiệu quả với quy mô ngày càng được mở rộng.

Ảnh minh họa

YBĐT - Theo thống kê của Trạm Thú y huyện Lục Yên, năm 2011, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã bùng phát 2 đợt (tháng 3, 4 và tháng 7, 8) khiến 418 con gia súc trong huyện bị mắc, trong đó có 284 con trâu, bò và 112 con lợn.

Giai đoạn tới sẽ tập trung phân loại và thực hiện cơ cấu lại 1.309 DN 100% vốn nhà nước theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.

Sau phiên tăng mạnh ngày 7/12, giá vàng trong nước cuối giờ sáng 8/12 đã tiếp đà đi lên khi cộng thêm gần 200 nghìn đồng/lượng, vượt qua mốc 45 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục