Nét đẹp giữ rừng của người Dao Nậm Lành
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/12/2011 | 3:03:41 PM
YBĐT - Sự hòa quyện giữa tín ngưỡng và hiện thực đã làm nên nét đẹp giữ rừng của người Dao Nậm Lành. Họ không chỉ bảo vệ mà còn phát triển vốn rừng rất tốt. Một số thôn, bản đã có lâm sản bán ra thị trường để nâng cao thu nhập như: thôn Giàng Cài, Tắc Tè…
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật bóc vỏ quế tươi cho người Dao Nậm Lành.
|
Như một sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ, hàng năm cứ từ ngày 1-15 tháng Giêng (âm lịch) người Dao ở Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái) lại tưng bừng tổ chức lễ cúng tổ tiên để cầu cho con cháu khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và đặc biệt là cam kết không trộm cắp, không phá rừng, không mua bán lâm sản trái phép. Từ chính nét đẹp tín ngưỡng này mà phong trào giữ rừng, trồng rừng ở Nậm Lành đã phát triển mạnh mẽ. Đời sống của đồng bào nơi đây cũng vì thế mà khá dần lên.
Mùa xuân này, già làng Lý Hữu Vượng, thôn Giàng Cài tròn 70 tuổi. Là người am hiểu mọi phong tục, tập quán của đồng bào nhưng già làng Vượng cũng không thể nhớ được người Dao định cư bên dòng Tà Lành từ khi nào, chỉ biết rằng khi còn nhỏ đã có tục cúng tổ tiên, thần rừng vào những ngày đầu năm mới.
Theo già làng Vượng, trong đời sống tâm linh của người Dao luôn tồn tại những truyền thuyết cổ xưa, những câu chuyện huyền bí kể về sự linh thiêng của những khu rừng cấm, rừng thiêng của tộc người mình. Họ luôn tin trong rừng có thần rừng cai quản và che chở phù hộ cho dân làng trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, thần rừng được tôn thờ, sùng kính như đối với ông bà tổ tiên.
Không cầu kì như nhiều tập tục khác, nghi lễ cúng tổ tiên, thần rừng đầu năm mới của người Dao Nậm Lành rất đơn giản, mỗi mâm cúng chỉ bao gồm một con gà, chén rượu và vài nén hương. Thầy cúng sẽ đọc tên đầy đủ từng thành viên trong gia đình, rồi cầu khấn tổ tiên phù hộ, ban phát may mắn cho họ. Đặc biệt, nếu trong năm, người nào vi phạm những điều cấm về rừng như buôn bán lâm sản, chặt phá rừng sẽ phải hứa với tổ tiên sẽ không tái phạm trong năm mới tiếp theo.
Vận nguyên bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao, Chủ tịch UBND xã Lý Kim Kinh cho biết: “Thôn bản nào của xã Nậm Lành cũng có một khu On Schía (nơi cúng ma làng) linh thiêng với những qui định “bất khả xâm phạm” nằm cạnh những thân cây cao, to hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng và cầu mùa”.
Cán bộ kiểm lâm cùng bà con người Dao Nậm Lành triển khai kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng.
Nằm ở phía Tây của huyện Văn Chấn với diện tích tự nhiên hơn 7.887ha, Nậm Lành là nơi cư trú của 643 hộ với 3.296 khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm đến 90%. Do vậy, tục cúng tổ tiên, Thần rừng của người Dao nơi đây cũng chính là nét đẹp văn hóa của mảnh đất miền Tây này. Già làng Vượng nói với giọng đầy tự hào: “Trải qua nhiều thế hệ, tục cúng tổ tiên, Thần rừng vào những ngày đầu xuân để cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh, cuộc sống no ấm yên vui, gắn với những qui định về bảo vệ rừng đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người Dao Nậm Lành”.
Có thể nói chính nét đẹp tín ngưỡng đó đã tạo nên sự tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ kết hợp giữa tập quán, luật tục với qui định của pháp luật nên công tác bảo vệ, phát triển rừng của địa phương đi vào nề nếp, có hiệu quả cao. Đi dưới những tán rừng già, được chứng kiến những gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn đứng sừng sững mới thấy người Dao Nậm Lành giữ rừng tốt như thế nào. Nằm ở vùng thượng huyện, Nậm Lành có diện tích rừng tự nhiên khá lớn với 4.712 ha. Đây thực sự là một thử thách không nhỏ với các cán bộ kiểm lâm cũng như người dân nơi đây. Thế nhưng, năm 2011, Nậm Lành không để xảy ra vụ cháy rừng hay khai thác lâm sản trái phép nào.
Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trên cơ sở diện tích rừng tại địa phương, xã thành lập 7 tổ quản lý bảo vệ rừng, mỗi tổ từ 10-20 người do trưởng thôn làm tổ trưởng. Tiếp đó, cứ đến ngày 15 hàng tháng các tổ lại tiến hành họp và đưa ra giải pháp thực hiện cho tháng tới”. Với cách làm này nên từ nhiều năm nay, Nậm Lành là một trong những địa phương đi đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đặc biệt, dưới sự vận động, tuyên truyền của các cấp chính quyền phong trào trồng rừng ở đây phát triển rất mạnh. Cũng như người Dao ở Văn Yên, người Dao Nậm Lành rất yêu quý cây quế, chính vì vậy mà trong tổng số 969 ha rừng trồng thì có tới gần 700ha là diện tích quế. Phong trào nhà nhà trồng quế, người người trồng quế khiến cây trồng này trở thành nguồn thu chính của người Dao nơi đây. Năm 2011, toàn xã thu hàng trăm tấn quế vỏ, ước tính hàng tỷ đồng đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. Đời sống của người dân cũng từ đó được nâng dần lên, số hộ nghèo ngày một ít đi. Nếu như trước đây tỷ lệ hộ nghèo của xã là 90% thì nay con số này giảm xuống chỉ còn 40%.
Anh Vũ Đình Trường - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Văn Chấn, phụ trách Trạm Kiểm lâm bản Dõng cho biết: “Sự hòa quyện giữa tín ngưỡng và hiện thực đã làm nên nét đẹp giữ rừng của người Dao Nậm Lành. Họ không chỉ bảo vệ mà còn phát triển vốn rừng rất tốt. Một số thôn, bản đã có lâm sản bán ra thị trường để nâng cao thu nhập như: thôn Giàng Cài, Tắc Tè…”.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Đến hết ngày 30/11/2011, Chi cục thuế huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2011, đạt trên 117% kế hoạch tỉnh giao. Có được kết quả này do ngay từ đầu năm Chi cục đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế.
Ông Trương Chí Trung, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho hay bộ đang hoàn tất đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Hướng xây dựng đề án là nhằm nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế nhà nước tương xứng với tiềm lực.
Vàng trong nước sáng nay (16-12) tăng trở lại. Vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, lúc10 giờ 15, mua vào 43,15 triệu đồng/lượng, bán ra 43,55 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Theo báo cáo đánh giá 11 tháng năm 2011 của huyện Trấn Yên (Yên Bái), giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN toàn huyện ước đạt 159,26 tỷ đồng, bằng 89,6% kế hoạch năm.