Yên Bái: Không để gia súc đói, rét trong mùa đông

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/12/2011 | 9:23:17 AM

YBĐT - Hàng năm cứ vào đợt giá rét, các địa phương trong tỉnh Yên Bái lại xảy ra tình trạng trâu bò chết rét, mức độ thiệt hại gia tăng trong những năm gần đây. Những ngày này trời đang rét đậm và dự báo cứ 5 ngày có một đợt không khí lạnh tăng cường, ít nhất từ nay đến tết Nguyên đán.

Người dân cầm dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho trâu, bò.
Người dân cầm dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho trâu, bò.

Ở các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải nhiệt độ ngoài trời có lúc xuống 3, 4 độ C. Dự báo thời tiết vụ đông xuân năm nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp; khả năng rét đậm, rét hại vẫn xảy ra.

Để tránh tình trạng gia súc chết nhiều như đợt rét đầu năm, các địa phương cần chủ động các biện pháp chăm sóc, trâu bò.

Hai đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã làm thiệt hại 7.034 con gia súc, chiếm 4,3% tổng đàn trâu bò của toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn. Người dân không chỉ chịu cái lạnh cắt da cắt thịt mà còn buốt lòng nhìn trâu, bò bị quật ngã trong giá rét.

Là một tỉnh miền núi, các xã, huyện vùng cao của tỉnh hầu hết  địa hình dốc, chủ yếu là ruộng bậc thang nên việc cày bừa sản xuất chủ yếu vẫn dùng sức kéo của gia súc. Con trâu không những là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông mà còn là cả cơ nghiệp của người dân vùng cao. Gia súc bị quật ngã trong mùa đông không chỉ đẩy nhiều nông dân nghèo rơi vào cảnh trắng tay mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển chăn nuôi của tỉnh.

Rút kinh nghiệm từ đợt rét đậm, rét hại kéo dài năm 2008, trong những năm qua, công tác phòng chống đói, rét cho gia súc đã được các  ngành, địa phương chủ động triển khai, thể hiện bằng việc ban hành kịp thời các chỉ thị phòng chống đói rét cho gia súc; các phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, trạm thú y tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo người dân dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho trâu, bò; nhận thức của nhiều người dân trong việc phòng chống đói rét cho gia súc đã được nâng cao.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống ở cơ sở còn thiếu quyết liệt và thiếu chủ động, linh hoạt. Kinh tế của nhiều hộ gia đình còn rất khó khăn, trong khi vật tư nguyên liệu cần thiết để phục vụ chống rét cho trâu bò tại chỗ lại thiếu và hiếm.

Một bộ phận người dân chưa quan tâm đến việc chống rét cho trâu, bò nên mặc dù đã được phổ biến phương pháp nhưng vẫn không thực hiện. Cùng với đó, kinh phí có hạn nên việc hỗ trợ che chắn chuồng trại cho gia súc cũng như việc dự trữ cây rơm của các địa phương còn nhiều hạn chế. Đặc biệt ở vùng cao, tập quán thả rông trâu,bò cộng với địa hình nhiều núi cao hiểm trở nên việc đi bắt để nhốt lại gia súc rất khó khăn hoặc nếu có bắt được mang về lại không có cỏ cho ăn.

Nhiều hộ đồng bào vùng cao đã không thả rông và cho trâu, bò đi ăn muộn về sớm tránh sương muối và giá rét. (Ảnh: H.N)

Để không lặp lại thiệt hại đầu năm, các địa phương cần hướng dẫn cách phòng chống rét cho vật nuôi đến tận thôn bản. Cán bộ ngành nông nghiệp cần hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật như tổ chức tập huấn, phổ biến kinh nghiệm chống rét cho gia súc đến các hộ dân; chỉ đạo nhân dân xây dựng gia cố, nâng cấp và che chắn chuồng trại đảm bảo chống rét, tránh mưa, gió lùa và đảm bảo vệ sinh thú y.

Để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, các huyện, thị và bà con nông dân cần thu gom, dự trữ, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn cho đàn trâu bò vào mùa khô và mùa đông; hướng dẫn người chăn nuôi các phương pháp phối chế khẩu phần thức ăn để nâng cao khả năng tiêu hoá và sử dụng thức ăn của gia súc.

Các địa phương có diện tích đất không trồng cây vụ đông, đất hoang cần vận động bà con trồng cỏ, ngô dày để cung cấp thức ăn thô xanh những tháng cuối năm và đầu năm 2012. Đối với vùng cao cần tổ chức đưa gia súc thả rông trong rừng về chuồng trại trước khi mùa rét đến để tiện theo dõi và chăm sóc.

Thời tiết diễn biến bất thường nên cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong cộng đồng dân cư để mọi người nêu cao cảnh giác, có ý thức bảo vệ đàn gia súc; cập nhập thông tin diễn biến thời tiết khí hậu bất thường để kịp thời thông báo cho người dân có biện pháp phòng tránh.

Các cơ quan chức năng như Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y, Trung tâm Giống vật nuôi tăng cường tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn cho ngành chăn nuôi và cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn việc kiểm tra thực hiện công tác phòng chống đói, rét cho gia súc góp phần ổn định tăng trưởng đàn vật nuôi của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Thông Nguyễn

Các tin khác

Ngày 18-12, cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng trên quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã được khởi công tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Năm 2012, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 15-17%...

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa thông qua chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo 10 (PRSC10) cho Việt Nam bằng khoản vay ưu đãi của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) trị giá 150 triệu USD với thời hạn 25 năm và 5 năm ân hạn.

Không khả quan như gạo, rau, củ quả, thị trường thịt được liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương dự đoán sẽ thiếu hụt, mạnh nhất là thịt lợn chiếm đến 60% tổng nguồn cung.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2012 các cơ quan có liên quan sẽ cố gắng duy trì để giữ cho các loại lương thực, thực phẩm không bị trượt giá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục