Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông
- Cập nhật: Thứ hai, 19/12/2011 | 2:59:55 PM
YBĐT - Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong những năm tới, tỉnh Yên Bái tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội.
Kiên cố hóa đường giao thông liên thôn bản tại xã Bản Công, huyện Trạm Tấu.
|
Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã khai thác tối đa mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị. Song, là tỉnh miền núi nghèo, giao thông đi lại khó khăn, xuất phát điểm thấp nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đô thị còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của địa phương.
Trước yêu cầu phát triển của địa phương và khu vực, Yên Bái đã xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 - 2015. Với quan điểm giao thông phải đi trước một bước với tốc độ nhanh và bền vững, tạo tiền đề cho phát triển KT - XH, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh, phục vụ cho sự nghiệp CNH - HĐH, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng hiện có, coi trọng việc duy trì, củng cố, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông và khi xây dựng mới tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng quy hoạch phát triển của thành phố, thị xã, thị trấn, trung tâm cụm xã và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Tỉnh đã phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo thống nhất, đồng bộ, cân đối giữa đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó coi trọng phát triển giao thông vận tải đường bộ để đảm bảo sự liên hoàn, liên kết giữa các loại hình vận tải, tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt trong khu vực.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chú trọng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, vật liệu mới, công nghệ mới vào các lĩnh vực xây dựng, khai thác giao thông vận tải, dành những quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông, phát huy nội lực, tìm các giải pháp để tạo nguồn vốn đầu tư một cách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, vốn của nước ngoài thông qua các hình thức vốn ODA, FDI hay BOT... nhằm tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hoàn thiện mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ, có tính liên kết cao giữa các vùng trong tỉnh, các tỉnh trong khu vực và hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, xây dựng các tuyến đường ngang, kiên cố hóa đường ô tô đến trung tâm xã, đảm bảo đi lại được bốn mùa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các tuyến đường trọng điểm cần được đầu tư nâng cấp là: quốc lộ 37 đoạn từ Yên Bái - Ba Khe, đoạn từ Km 280 đến Km 340 với chiều dài 50 km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi hoàn chỉnh, đầu tư nâng cấp quốc lộ 32 đoạn Km 170 đến Km 200 + 300m; đầu tư nâng cấp quốc lộ 32C đoạn từ Km 79 đến Km 96 + 500 dài 17,5 km đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, đoạn từ Km 79 - 88 + 500 m; đoạn từ Km 88 + 500m đến Km 96 + 500m đầu tư đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Hoàn thành dự án quốc lộ 37, đoạn tránh thành phố Yên Bái với chiều dài 17 Km đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi.
Đối với tuyến đường tỉnh lộ hoàn thành đầu tư nâng cấp một số tuyến đường trọng điểm như: đường Yên Bái - Khe Sang, đoạn Yên Bái - Trái Hút dài 50 km đạt tiêu chuẩn đường đô thị cấp khu vực, đầu tư nâng cấp tuyến đường Yên Thế - Vĩnh Kiên dài 79 km đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi; đầu tư xây dựng mở mới tuyến đường Hưng Khánh đi Đồng Khê, huyện Văn Chấn với chiều dài 22 km, tuyến đường Hoàng Thi từ thị trấn Yên Bình đi Hán Đà, huyện Yên Bình dài 17 km đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi; nâng cấp đường An Thịnh - Mỏ Vàng - An Lương - quốc lộ 32 dài 40 km, đầu tư xây dựng mới đường từ Mù Cang Chải - Văn Yên với chiều dài 65 km.
Về đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn, thực hiện quy hoạch phát triển giao thông nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2020, đối với đường huyện cần đầu tư cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa mặt đường với tổng chiều dài 644 km đạt tiêu chuẩn đường từ cấp IV đến cấp V miền núi, mở mới các tuyến đường huyện, đường xã là 309 km; cải tạo, nâng cấp kiên cố hóa mặt đường các xã, thị trấn, với tổng chiều dài là 1.215 km.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong những năm tới, tỉnh tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội. Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và có những giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách và tranh thủ thu hút các nguồn vốn đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, vốn ngân sách địa phương, đầu tư hợp lý, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động nguồn lực sự đóng góp của nhân dân trong việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đức Toàn
Các tin khác
Kể từ ngày 20/12/2011, EVN sẽ chính thức điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân thêm 62 đồng/KWh, lên mức là 1.304 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Sáng 19-11, Bộ Tài chính tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra giá xăng dầu tại 4 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối chiếm thị phần lớn nhất lại Việt Nam.
YBĐT - Hàng năm cứ vào đợt giá rét, các địa phương trong tỉnh Yên Bái lại xảy ra tình trạng trâu bò chết rét, mức độ thiệt hại gia tăng trong những năm gần đây. Những ngày này trời đang rét đậm và dự báo cứ 5 ngày có một đợt không khí lạnh tăng cường, ít nhất từ nay đến tết Nguyên đán.
Ngày 18-12, cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng trên quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã được khởi công tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội.