Nỗ lực xoá đói nghèo ở Phúc Lợi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/1/2012 | 9:21:53 AM

YBĐT - Nằm ven quốc lộ 70, lại có diện tích đất trồng rừng, trồng chè lớn, điều kiện chăn nuôi có nhiều thế mạnh tạo cho xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Song, hiện nay Phúc Lợi vẫn là xã nghèo của huyện.

Bộ phận “một cửa”, xã Phúc Lợi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch.
Bộ phận “một cửa”, xã Phúc Lợi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã từng bước được cải thiện.

Xã Phúc Lợi có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 8.000ha, chủ yếu là đất đồi rừng với  hơn 5.535 khẩu nhưng chỉ có hơn 80ha đất ruộng nước. Người dân trong xã chủ yếu vẫn sản xuất độc canh cây lúa nên đời sống của nhân dân luôn gặp khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 46%. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn cao là do diện tích lúa nước ít, trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu, chậm đổi mới nhất là việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Đến các thôn: Thuồng 3, Thuồng 4  Vàng 1, Vàng 2 mới thấy hết khó khăn của người dân nơi đây. Diện tích canh tác ít, toàn thôn chỉ vẻn vẹn chục ha ruộng nước, diện tích trồng rừng cũng hạn hẹp nên bao đời nay người dân sống dựa vào nguồn thủy sản của hồ Thác Bà. Để có kế sinh nhai, nhiều hộ dân đã chấp nhận đi làm ăn xa quê, trong khi chăn nuôi ở Phúc Lợi nhiều năm nay cũng không phát triển. Đặc biệt, các thôn: 1 Túc, 2 Túc, 3 Túc Vàng 2... do gần dãy núi Con Voi nên nhiệt độ thấp hơn các nơi khác với tập quán thả rông gia súc, không tự chủ được nguồn thức ăn cho gia súc nên năm nào cũng có trâu, bò bị gục ngã.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, Đảng ủy, chính quyền xã đã nỗ lực giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Xã đã đề ra được những nghị quyết phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo sát thực tế như chương trình trồng rừng kinh tế, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, những năm gần đây nhất là năm 2011, tình hình phát triển kinh tế ở Phúc Lợi đã có định hướng rõ rệt.

Các chỉ tiêu về diện tích và năng suất  các loại cây trồng đều vượt mức được giao. Hàng năm, xã đưa vào gieo cấy 102 ha lúa vụ xuân, 250 ha ngô, hàng chục ha khoai tím và 10 ha gừng và các loại cây trồng khác đều vượt kế hoạch. Trong thâm canh cây lúa nước, xã vận động bà con đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao thay thế các giống lúa địa phương. Nhờ vậy, đến nay xã đã đưa 100% diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao vào gieo cấy, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực toàn xã lên trên 2.522 tấn. Chăn nuôi đã phát triển theo hướng hàng hoá tập trung.

Rút kinh nghiệm những năm trước vào mùa đông thường xảy ra tình trạng trâu, bò của người dân bị chết rét, năm nay xã chỉ đạo nhân dân làm hàng trăm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc. Người dân cũng đã phát triển đàn gia súc được 1.890 con trâu, bò, đàn lợn ổn định trên 6.000 con, nhiều hộ có hàng chục con trâu bò.

Xác định rõ vai trò của kinh tế rừng, những năm qua xã đã giao khoán diện tích rừng phòng hộ cho bà con quản lý, đặc biệt từ năm 2006 trở lại đây phong trào trồng rừng kinh tế phát triển cho hiệu quả khá cao. Mỗi năm, xã chỉ đạo người dân trồng mới từ 100-150 ha rừng kinh tế bằng các giống keo lai, bạch đàn và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng đầy đủ, kịp thời; giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cho bà con. Tuy đã có tiến bộ trong phát triển kinh tế nhưng hiện tại Phúc Lợi vẫn còn là xã nghèo của huyện Lục Yên với tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 48,6%.

Theo ông Hoàng Văn Hội, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Lợi: “Bản lề để Phúc Lợi đi lên là cần phải có nhiều mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người dân”.

Để Phúc Lợi từng bước thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền xã cần tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, phát huy nội lực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tích cực vận động bà con khai hoang ruộng nước, đưa diện tích ngô đồi vào trồng thay dần diện tích lúa nương. Đối với những diện tích khô hạn không gieo cấy được, xã nên đưa cây đậu tương vào trồng. Theo đó, phối hợp với ngành nông nghiệp, khuyến nông xây dựng những mô hình trồng luân canh cây ngô, đậu tương trên đất đồi để nhân dân học tập, làm theo.

Bên cạnh đó, cần phát huy thế mạnh về rừng và đất rừng, đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng, đồng thời chú trọng chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cỏ voi phát triển chăn nuôi gia súc, trồng khoai tím, gừng, đậu tương thâm canh tăng vụ.

Một yếu tố nữa là phải làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó xây dựng các mô hình kinh tế gắn với đặc thù, thế mạnh của địa phương tạo điều kiện cho người dân Phúc Lợi đổi mới tư duy  làm ăn, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thông Nguyễn

Các tin khác
Ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu quân đội.

CEO Tổng công ty xăng dầu quân đội chia sẻ, khi phát hiện đại lý vi phạm, quyền cao nhất của đơn vị đầu mối là ngừng cung cấp. Đến nay, cửa hàng Mai Dịch và xăng dầu quân đội vẫn chưa có buổi đối thoại trực tiếp.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 kiểm soát cơ bản an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập.

Các thủ tục hành chính được công khai trại trụ sở cơ quan thuế.

YBĐT - Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ thu ngân sách, ngành thuế Yên Bái đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính toàn diện từ cục thuế đến chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế.

Ngày 4/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, theo dõi chất lượng xăng, dầu trong thời gian qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục