Trạm Tấu: Nỗ lực chuyển đổi cây trồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/2/2012 | 8:40:14 AM

YBĐT - Thành công điển hình ở Trạm Tấu (Yên Bái) là việc chuyển đổi các diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt tăng từ trên 9.000 tấn năm 2008 lên trên 15.000 tấn cuối năm 2011.

Bà con nông dân huyện Trạm Tấu đầu tư máy móc chế biến ngô.
(Ảnh: Quang Thiều)
Bà con nông dân huyện Trạm Tấu đầu tư máy móc chế biến ngô. (Ảnh: Quang Thiều)

Với đặc thù là một huyện vùng cao, nông nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc ổn định kinh tế, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, giúp đồng bào vùng cao xoá đói giảm nghèo, những năm qua, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu đã nỗ lực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng góp phần tăng năng suất, sản lượng lương thực trên một đơn vị diện tích đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Trong đó thành công điển hình là việc chuyển đổi các diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt tăng từ trên 9.000 tấn năm 2008 lên trên 15.000 tấn cuối năm 2011.

Chúng tôi trở lại Bản Mù, địa phương một thời đất ruộng bỏ hoang, lúa nương cằn cỗi thì nay trên những mảnh nương ấy ngô xuân đã phủ kín núi đồi.  Anh Hảng Nhà Tráng, thôn Tà Ghênh, xã Bản Mù phấn khởi chia sẻ: "Sau thành công của mô hình ngô hè thu trồng trên đất lúa nương ở thôn Khấu Ly, năm 2009 gia đình mình đã chuyển gần hết diện tích lúa nương sang trồng ngô. Vậy là trong 3 năm trở lại đây, năm nào nhà mình cũng thu hoạch được 30 bao ngô, phần bán để mua thóc, phần thì để nuôi gia súc, lợi ích từ việc trồng ngô mang lại cao gấp mấy chục lần trồng lúa nương. Trước đây, chưa biết trồng ngô thì năm nào cũng thiếu ăn do lúa nương năng suất thấp quá. Từ khi trồng ngô thì đời sống khác hẳn bây giờ nhà  mình không còn là hộ nghèo của xã nữa."

Nắm được chủ trương của huyện trong chuyển đổi giống cây trồng, Đảng bộ xã Bản Mù đã đưa việc trồng ngô vào Nghị quyết với mục tiêu cụ thể: mỗi năm phải chuyển đổi từ 3 - 5 ha. Đồng chí Sùng  Lù - Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết: "Đồng bào Mông sống rất thực tế, phải thấy hiệu quả họ mới làm, nên xã trước hết là cán bộ xã, sau đó là đảng viên, công chức xã phải làm trước, bây giờ người dân đã hiểu và rất hăng hái tham gia trồng ngô ở một số thôn như: Khấu Ly, Tà Ghênh... đến nay diện tích ngô của xã là 250 ha, tăng 50ha so với năm 2008, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1.100 tấn, trong đó, cây ngô đạt gần 450 tấn, đời sống của người dân được nâng cao”. Cũng với cách làm như ở Bản Mù, xã Xà Hồ đã thành công với việc chuyển đổi này.

Gia đình ông Giàng A Trông ở thôn Háng Thồ trước đây có 3000m2 ruộng nương, nay ông đã chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng ngô 2 vụ ông tâm sự: "Bao năm trồng lúa nương vất vả mà gạo không đủ ăn, từ khi trồng ngô, ngoài việc đảm bảo thức ăn cho gia súc, bán đổi lấy gạo, không những đủ ăn mà nuôi gia súc bằng ngô lớn rất nhanh. Vừa rồi gia đình đã bán lợn và mua được xe máy”.

Rừng nguyên sinh ở xã Bản Công được bảo vệ phát triển tốt. (Ảnh: Đức Hồng)

Chung niềm vui với gia đình gia đình ông Giàng A Trông, đồng bào xã Xà Hồ đã làm quen với việc trồng ngô thay cho cây lúa nương năng suất thấp nhờ sự nhiệt tình, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng chí Chớ A Páo - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết: "Diện tích ngô của xã hiện nay  là 305  ha, tăng 50 ha so với năm 2008, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt của xã lên 1.709  tấn, trong đó, sản lượng ngô đạt trên 654 tấn, tăng gần gấp đôi năm 2008. Phải khẳng định cây ngô mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với trồng lúa nương. Những năm tới xã sẽ vận động người dân chuyển đổi thêm nhiều diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô hai vụ giúp người dân xoá đói giảm nghèo bền vững".

Năm 2008, diện tích ngô 2 vụ  của huyện Trạm Tấu là 118,26ha với tổng sản lượng gần 2.500 tấn, trong khi diện tích lúa nương là trên 1400ha chỉ cho sản lượng trên 1700 tấn. Thấy rõ hiệu quả của cây ngô trên đất dốc có giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với cây lúa nương, được sự hỗ trợ kinh phí từ Nghị quyết 30a của Chính Phủ với mức hỗ trợ 100% giống và 1.500.000đồng/ ha để mua phân bón đầu tư,  huyện Trạm Tấu đã đưa vào nghị quyết việc chuyển đổi các diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô với quyết tâm cao nhất.

Đồng chí Nguyễn Thành Hưng - Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Bước đầu vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi cây lúa nương đã ăn sâu vào đời sống của đồng bào từ bao đời nay nhưng với nỗ lực tuyên truyền vận động, với phương châm đảng viên đi trước nên việc đưa cây ngô lên đất dốc đã thành công".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2009, tuổi trẻ Trạm Tấu đã xung kích đi đầu trong việc thực hiện đưa cây ngô lên đất nương dốc. Trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Đoàn thanh niên huyện đã trưng tập các đoàn viên thanh niên ở 17 chi đoàn trực thuộc và lực lượng đoàn viên thanh niên xã Bản Mù tham gia trồng 3ha ngô hè thu trên đất trồng lúa nương, sau đó huyện Trạm Tấu cũng triển khai tại xã Túc Đán và Phình Hồ mỗi xã 3ha. Tổng kết các mô hình năng suất ngô đạt 33tạ/ha và sản lượng đạt 297 tấn, trong khi cùng trên diện tích ấy thì lúa nương chỉ đạt trên 10 tấn.

Sau thành công từ vụ hè thu, huyện Trạm Tấu đã có nhiều biện pháp trong việc nhân rộng mô hình này, bước tiếp theo là những "nương ngô đảng viên" của Vàng Nỏ Dia... trên đất Làng Mảnh thuộc xã Tà Xi Láng và những "nương ngô phụ nữ, thanh niên" của Thào Thị Dở, Mùa A Páo... của thôn Tấu Trên, Tấu Giữa, xã Trạm Tấu, phong trào chuyển đổi các diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô đã thật sự đi vào đời sống của đồng bào, năm 2011, diện tích trồng ngô xuân của huyện trên 1600 ha tăng 600 ha so với năm 2008, sản lượng đạt trên 3.800 tấn tăng trên 1.500 tấn so với năm 2008. Diện tích ngô hè thu lên 930ha tăng gần 800ha so với năm 2008, sản lượng đạt trên 1800 tấn tăng trên 1600 tấn so với năm 2008.

Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Đến năm 2015, huyện Trạm Tấu phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 17.900 tấn. Để đạt được mục tiêu này huyện sẽ tập trung phấn đấu nâng diện tích lúa sản xuất 2 vụ lên 2.400ha, giảm và tiến tới bỏ hẳn các diện tích trồng lúa nương sang trồng ngô, đưa diện tích trồng ngô cả năm lên gần 3000 ha".

Phương Thùy

Các tin khác

Ngày 6-2, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có công điện gửi UBND các tỉnh thành, các bộ ngành đề nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống cúm gia cầm.

Liệu giá gas tăng bất thường chỉ là do nguyên nhân từ giá thế giới tăng? (ảnh minh họa)

Trước hiện tượng giá gas tăng đột biến tới hơn 40% so với cùng kỳ và tăng liên tiếp 3 lần trong 1 tháng, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng phối hợp với Bộ Tài chính xem xét điều hành giá gas trên thị trường.

Theo Bộ Công Thương, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì giá xăng dầu trong nước cũng sẽ điều chỉnh tăng.

Làm đường giao thông vào xã An Phú.

YBĐT - Là xã vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân xã An Phú, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua thử thách để xây dựng địa phương phát triển vững mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục