Tăng vụ đông xuân - mục tiêu giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/2/2012 | 2:39:55 PM

YBĐT - Một trong những mục tiêu để đồng bào huyện vùng cao Mù Cang Chải thoát nghèo đó là phát triển diện tích tăng vụ, trong đó có việc triển khai sản xuất vụ đông xuân.

Mô hình thử nghiệm giống lúa Hương thơm số 1 ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) cho năng suất cao.
(Ảnh: Đ.H)
Mô hình thử nghiệm giống lúa Hương thơm số 1 ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) cho năng suất cao. (Ảnh: Đ.H)

Việc phát triển diện tích tăng vụ góp phần thúc đẩy sản xuất thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cụ thể là mục tiêu tăng vụ trên chân ruộng một vụ, nhằm bảo đảm an ninh lương thực, giúp dân xóa đói, giảm 5% hộ nghèo mỗi năm là tiền đề thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương thời gian qua.

Ngay từ ngày mùng 4, mùng 5 tết Nguyên đán, nông dân huyện Mù Cang Chải đã bắt tay vào gieo cấy sản xuất vụ đông xuân 2011- 2012 để bảo đảm khung thời vụ tốt nhất. Tính đến ngày 8/2, toàn huyện đã hoàn thành gieo cấy 900/1.022ha diện tích lúa đông xuân theo kế hoạch và 248/436 ha ngô ruộng. Một số xã đã hoàn thành gần 100% diện tích gieo cấy lúa theo kế hoạch, trong đó có nhiều diện tích tăng vụ như: Khao Mang 137 ha, Chế Cu Nha 40 ha, Dế Xu Phình 22,5 ha, Nậm Khắt 50 ha, Cao Phạ 190 ha... 

Ông Mùa A Tòng- Chủ tịch UBND xã Púng Luông phấn khởi cho hay: “Tính đến thời điểm này xã đã đạt 100% kế hoạch sản xuất vụ đông xuân được giao. Toàn xã đã cấy xong 35 ha lúa, trong đó có 15 ha tăng vụ, 50 ha ngô ruộng. Tuy nhiên, diện tích ngô hiện phát triển chậm do ảnh hưởng của rét đậm. Chúng tôi sẽ chỉ đạo bà con chú trọng khâu chăm sóc, duy trì tốt diện tích ngô đã trồng, đồng thời tiếp tục đưa vào trồng 15 ha rau cải các loại”.

 Để việc sản xuất vụ đông xuân năm 2011- 2012 đạt hiệu quả, UBND huyện đã phân bổ kế hoạch sản xuất, mở hội nghị triển khai, quyết định phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Huyện cũng đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân tại 14 xã, thị trấn trong huyện. Theo kế hoạch, tổng diện tích lúa đông xuân toàn huyện là 1022 ha, tăng 293 ha so với cùng kỳ vụ trước, trong đó chủ yếu là cấy lúa lai với diện tích 822 ha, còn lại là lúa thuần.

Với chỉ tiêu diện tích đề ra, huyện đã có kế hoạch cung ứng 36.660 kg lúa giống, 30.620 kg ngô giống, 28.000 hom sắn giống, trên 1.900 tấn phân bón các loại, cùng với  ni non che mạ… Huyện đã chỉ đạo các xã bố trí thời gian gieo mạ làm 2 đợt vào trước và sau tết cổ truyền dân tộc Mông.

Ngoài phương thức gieo mạ dày xúc, nhân dân đã áp dụng biện pháp gieo mạ trên nền đất cứng vì vậy đã rút ngắn được thời gian làm mạ, thuận tiện cho việc vận chuyển mạ đi gieo cấy đại trà. Đối với cây màu, huyện chỉ đạo trồng 1.531 ha ngô, 210 ha rau, 2 ha sắn tại xã Nậm Có, Khao Mang, trong đó diện tích ngô tăng vụ trên đất ruộng một vụ là 436 ha, còn lại là diện tích trồng trên nương đồi, vườn. Huyện đã chỉ đạo về thời gian trồng và triển khai theo từng khu. Đối với ngô trồng dưới ruộng, các xã tiến hành trồng từ ngày 15 - 20/12/2011.

Đối với ngô nương và sắn thì thời gian gieo trồng được bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Về cơ chế, định mức hỗ trợ, huyện đã có qui định và triển khai thực hiện. Theo đó, hỗ trợ không thu đổi 100% lượng giống lúa, 74% nilon cho diện tích lúa đông xuân tăng vụ; hỗ trợ 100% lượng giống, phân bón cho diện tích ngô đông xuân chuyển đổi, sắn cao sản. Đối với diện tích gieo trồng lúa, ngô đông xuân còn lại huyện hỗ trợ thu đổi bằng cách cấp giống đầu vụ và thu lại thóc thịt vào cuối vụ.

Ông Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện cho rằng: “Việc đưa vụ đông xuân vào sản xuất chính đối với đồng bào vùng cao còn mới nên khi triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó, một số diện tích phát triển chậm do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm. Tuy nhiên, huyện chỉ đạo các phòng chức năng, các xã, thị trấn tập trung mọi khả năng quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất đã đề ra”.

Theo đó, huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động liên hệ tìm nhà cung ứng giống, vật tư cho các xã, thị trấn, bảo đảm chất lượng, số lượng, kịp thời vụ theo kế hoạch giao. Phòng chú trọng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để hướng dẫn nhân dân gieo cấy lúa, trồng ngô đúng thời vụ và chủ động chống rét cho mạ và cây trồng bảo đảm quá trình trỗ bông, phơi màu của cây trồng vào thời điểm an toàn, kịp thời gian cho sản xuất vụ mùa. Các mạng lưới khuyến nông viên cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn để tuyên truyền hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời tham mưu cho các xã báo cáo tiến độ sản xuất vào các ngày đầu tuần.

Với những nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành trong huyện, Mù Cang Chải sẽ đạt được mục tiêu sản xuất vụ đông xuân đã đề ra. Huyện tiếp tục hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất nông - lâm nghiệp của năm 2012 trên cả 3 mặt diện tích, năng suất, sản lượng, góp phần đưa cuộc sống của đồng bào vùng cao thêm khởi sắc. 

  V.T

Các tin khác

Ngày 14-2, tại hội thảo tái cấu trúc tập đoàn tài chính - bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết theo kế hoạch triển khai đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, một vấn đề cốt lõi là phải khẩn trương nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp nhà nước.

Lúc 9h30 ngày 15/2, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu mua vào – bán ra ở mức 43,70- 43,95 triệu đồng/lượng.

Nông dân xã Hồng Ca nhận giống tre măng Bát Độ về trồng. (Ảnh: Chí Sinh)

YBĐT - Năm 2011, tổng sản lượng thu hoạch măng Bát Độ của toàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đạt 13.000 tấn, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương.

YBĐT - Là ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn với hệ thống phòng giao dịch rộng khắp, mỗi năm ngân hàng NN&PTNT Yên Bái (Agribank Yên Bái) giải quyết cho vay hàng vạn lượt khách hàng vay với doanh số hàng nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên 3.000 tỷ đồng. Hoạt động của Agribank Yên Bái có ý nghĩa tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục