Hồng Ca mùa gieo hạt

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/2/2012 | 9:36:31 AM

YBĐT - Sau mấy đợt rét đậm, rét hại, nắng xuân đã ùa về trên quê hương Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái), sắc vàng của nắng, hơi ấm mùa xuân khiến khuôn mặt những chàng trai, cô gái thêm rạng rỡ. Chia tay lễ hội Gầu tào của người Mông, lễ hội Lồng tồng của người Tày, nhân dân các dân tộc xã Hồng Ca đang nô nức xuống ruộng, lên rừng tăng gia sản xuất với niềm tin mới, quyết tâm mới, vụ mùa mới thắng lợi.

Cuối tháng giêng, lúa đã thẳng hàng, đẹp lối trên khắp các cánh đồng từ Hồng Hải, qua làng Chiềng lên Cà Nộc… bất chấp những đợt rét đậm, rét hại. Chủ tịch UBND xã Hồng Ca - Hà Ngọc Toanh cho biết: "Mạ khay phủ kín nilon, gieo cấy đúng kỹ thuật và tuân thủ đúng lịch của ngành nông nghiệp nên Hồng Ca không còn chuyện mạ chết rét, đất bỏ hoang như nhiều năm về trước".

Vụ xuân năm nay, bà con nông dân các dân tộc xã Hồng Ca gieo cấy 226,5 ha lúa, bằng 100% diện tích ruộng của xã, như vậy không chỉ người Kinh, người Tày ở các thôn vùng thấp gieo cấy lúa xuân đúng khung lịch thời vụ mà người Mông các bản Hồng Lâu, Khuôn Bổ, Khe Tiến, Khe Ron cũng đã có trình độ thâm canh khá. Để đảm bảo an ninh lương thực, theo chỉ đạo của huyện, phần lớn diện tích ruộng ở Hồng Ca vẫn duy trì giống lúa lai nhưng là giống lai mới SYN 6, thay giống lai Nhị ưu 838 cấy lâu năm đã có dấu hiệu thoái hóa và nhiễm bệnh.

Nét mới trong công tác tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy lúa xuân năm 2012 ở Hồng Ca là việc tập trung vận động nhân dân tích cực bón lót phân chuồng, hạn chế sử dụng phân hóa học và áp dụng công nghệ phân nén dúi sâu nhằm cải tạo đất và giảm chi phí đầu tư.

Qua đánh giá của cán bộ nông lâm nghiệp xã, tại các thôn bản vùng thấp lượng phân chuồng bón lót ngay từ khâu làm đất bình quân đạt 250 đến 300 kg/sào, diện tích áp dụng công nghệ phân nén dúi sâu lên tới 80 ha. Giống, kỹ thuật, phân bón… là những yếu tố cơ bản đã được triển khai tốt, nếu thời tiết diễn biến không quá bất thường, việc phòng trừ sâu bệnh tiếp tục được triển khai tốt thì một vụ xuân thắng lợi nữa sẽ lại đến với nông dân Hồng Ca, góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu tổng sản lượng lương thực 2.290 tấn.

"Lúa đã xuống ruộng, giờ cây phải lên rừng các bác ạ!" anh Cao Hà Thảo - cán bộ địa chính - kinh tế xã Hồng Ca đã nói như vậy khi cùng chúng tôi về thôn Nam Hồng, nơi đang có phong trào trồng măng Bát độ lên cao. Chiếc xe tải chở đầy gốc măng giống về tới đầu thôn đã có hàng chục bà con đứng đợi để nhận giống về trồng.

Anh Thảo tâm sự: "Trước đây dân mình không hăng hái làm cây măng Bát độ, phần vì sẵn măng vầu, măng nứa, phần vì kém hiểu biết. Giờ thì khác rồi, khi thấy cây măng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, phù hợp với khả năng canh tác nên tuyên truyền vận động cũng dễ "vào". Đặc biệt, những hộ tích cực, gương mẫu làm trước mỗi năm ăn chắc 18 đến 20 triệu/ha, chẳng khác nào liều thuốc kích thích mạnh".

Theo trưởng thôn Hoàng Kim Bằng thì Nam Hồng là thôn đi đầu trong phong trào trồng măng Bát độ ở Hồng Ca, ngay từ năm 2005, 2006 bà con trong thôn đã trồng măng Bát độ, đến nay 40 ha đang trong thời kỳ thu hoạch, sang năm diện tích này còn lớn hơn. Điều đáng quý là tỷ lệ hộ trồng măng Bát độ ở Nam Hồng là khá cao, không ít trong số đó có diện tích lớn như hộ gia đình anh Hà Thanh Ca với 4 ha, năm vừa rồi tiền thu được từ bán măng được gần 100 triệu đồng. Vụ xuân này, nhiều hộ trong thôn mở rộng diện tích trồng măng Bát độ trong khi nhiều hộ khác cũng hăng hái phá bỏ vườn tạp, để trồng tre lấy măng.

Chị Hà Thị Xoan vừa bốc những củ măng giống vừa cho biết: "Nhà mình cứ tiếc bãi cọ, bụi nứa mà không trồng măng, thấy được cái lợi của cây măng tre Bát độ, năm nay cả nhà quyết tâm cải tạo đất, giờ đã đào được 1200 hố, tương đương 1,5 ha; hôm nay nhận giống, ngày mai là đem trồng". Được biết, toàn thôn Nam Hồng đã đăng ký trồng 34,5 ha măng Bát độ trong vụ xuân này, trong khi cả xã Hồng Ca là 105 ha, tăng 30 ha so với kế hoạch huyện giao. Điều mà cán bộ xã Hồng Ca lo nhất lúc này chính là không đủ giống để cấp cho bà con, nhiều cán bộ xã đã quả quyết: "Cứ đủ giống là dân Hồng Ca trồng đủ diện tích đã đăng ký", đây là vấn đề cần được Ban chỉ đạo Chương trình trồng măng Bát độ huyện Trấn Yên quan tâm giúp đỡ.

Nếu người Kinh, người Tày ở các thôn vùng thấp ở Hồng Ca đang hăng hái trồng cây tre măng Bát độ thì ở 4 thôn vùng cao người Mông trong xã lại quan tâm tới cây ngô xuân. Ruộng đất ở vùng cao rất ít, khí hậu quá khắc nghiệt nên năng suất lúa không đạt như ở vùng thấp, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho đồng bào Mông ở Hồng Ca thực sự là một bài toán khó, nhưng từ vụ xuân 2011 bài toán ấy đã có lời giải, đó là cây ngô vụ xuân trên đất đồi, đất bãi. Những lớp tập huấn kỹ thuật được tổ chức, những chương trình giúp đỡ được triển khai và cây ngô lai trồng vụ xuân đã đứng vững trên đồi, trên bãi Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Ron, Khe Tiến... người Mông ở đây ưng cây ngô vì nó chịu được hạn, chịu được rét, cho bắp, hạt mẩy.

Vụ xuân năm nay, huyện Trấn Yên dành ngân sách cấp cho đồng bào Mông ở Hồng Ca 500 kg ngô giống, toàn bộ bằng giống NK 4300, hiện bà con đang tích cực làm đất để trời tạnh nắng hẳn là gieo hạt. Theo các cán bộ xã Hồng Ca thì cây ngô không chỉ giải quyết vấn đề lương thực rất hiệu quả mà còn góp phần thay đổi tập quán thả rông gia súc của bà con. Ngoài diện tích ngô gieo bằng giống mà huyện cung cấp, nhiều hộ còn mua thêm giống về gieo trồng, đó là chưa kể nhiều nương bãi ở các thôn vùng thấp Nam Hồng, Liên Hợp, Khe Nhàng cũng được bà con tận dụng để trồng ngô; người dân Hồng Ca còn rất háo hức khi được biết chương trình khảo nghiệm ngô giống mới với diện tích 22 ha sẽ được triển khai ở Hồng Ca ngay trong vụ xuân này.

Là một xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Trấn Yên, nơi có trình độ dân trí không cao, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn nên mục tiêu đưa Hồng Ca trở thành xã nông thôn mới còn rất xa, nhưng chắc chắn rằng cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở nơi đây sẽ đi lên từ những mùa gieo hạt.

 Lê Phiên

Các tin khác

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hàng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt dự án tăng cường năng lực hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản do Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) tài trợ.

Theo tính toán của các doanh nghiệp đầu mối, hiện tại mỗi lít xăng bán ra đang lỗ khoảng gần 1 nghìn đồng do giá xăng thế giới tăng vọt, dù đã được giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, giá mặt hàng này có thể sắp tăng theo đà thế giới.

Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 2 tháng đầu năm ước tính đạt 1 tỷ USD, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục